14/07/2016 11:05 GMT+7

Không sống qua tuổi 35

NGUYỄN QUÂN
NGUYỄN QUÂN

TTO - 50% thanh thiếu niên Mỹ gốc Phi độ tuổi 12-25 cho rằng mình sẽ không bao giờ sống được qua tuổi 35. Trong khi đó, 66% người trẻ da trắng “gần như chắc chắn” mình sẽ sống qua tuổi này.

Vợ chồng Tổng thống Barack Obama (phải) và vợ chồng cựu tổng thống George Bush tại buổi lễ tưởng niệm các cảnh sát được tổ chức ở Dallas, bang Texas, ngày 12-7 - Ảnh: Reuters
Vợ chồng Tổng thống Barack Obama (phải) và vợ chồng cựu tổng thống George Bush tại buổi lễ tưởng niệm các cảnh sát được tổ chức ở Dallas, bang Texas, ngày 12-7 - Ảnh: Reuters

 

“Ở xã hội nhiều cộng đồng của chúng ta dường như một người trẻ tiếp cận súng dễ hơn tiếp cận máy tính. Thế rồi chúng ta lại ra vẻ ngạc nhiên khi vụ việc nổ ra! Nếu chúng ta không thể nói về những vấn đề này một cách thẳng thắn thì chúng ta sẽ không bao giờ phá vỡ được cái vòng luẩn quẩn

Tổng thống Mỹ Barack Obama

Nếu đã có dịp xem bộ phim Mỹ Freedom Writers (Những cây bút tự do) của đạo diễn Richard LaGravenese (ra rạp đầu năm 2007 và đã trình chiếu trên truyền hình ở Việt Nam), có lẽ chúng ta cũng có thể hình dung câu chuyện về những xung đột sắc tộc đang tồn tại hằng ngày, hằng giờ trong xã hội Mỹ.

Đời thực lên phim

Bộ phim dựa trên quyển sách “đời thực” The Freedom Writers Diary (Nhật ký của những cây bút tự do) của cô giáo trẻ Erin Gruwell cùng các học trò nhiều màu da, sắc tộc ở Trường trung học Woodrow Wilson Classical tại California.

Khó khăn ập đến với cô Erin ngay trong ngày đầu tiên lên lớp. Là nạn nhân hằng ngày của tình trạng phân biệt chủng tộc, các học trò phản ứng mạnh với Erin vì cô là người da trắng.

Bằng lương tâm và trách nhiệm, Erin đã cảm hóa những đứa trẻ, chỉ lối cho chúng quay về con đường học hành nghiêm túc để hoàn thiện kiến thức và nhân cách.

Qua bộ phim, người xem được thấy một thế hệ học trò Mỹ “không da trắng” luôn bi quan về tương lai.

Nhiều em thậm chí nghĩ rằng mình khó sống đến khi tốt nghiệp phổ thông vì nhiều bạn bè của các em đã lần lượt bị bắn chết ngoài phố, nhiều em luôn bị cuộc sống bạo lực ngoài đường phố chi phối vì chính các em đã lớn lên trong môi trường đó và tin chắc rằng đó là thứ được dành cho màu da, cho sắc tộc của mình trong xã hội Mỹ.

Bộ phim có một kết thúc có hậu với nhiều em trong lớp của cô giáo Erin Gruwell đã đi hết chặng đường học hành, đã thay đổi cách nhìn về bản thân, về xã hội để từ đó thay đổi cuộc đời mình.

Các em học trò khác màu da, khác sắc tộc đã thay đổi cách nhìn để hòa thuận, chung sống với nhau.

Đúng là ở đâu đó trong xã hội Mỹ đã có những nỗ lực của những người có trách nhiệm để thay đổi hiện thực, để hóa giải hận thù. Nhưng cũng đúng như nhìn nhận của Tổng thống Mỹ Barack Obama: sự hợp chủng ở Mỹ vẫn chưa hoàn hảo.

Nhiều số liệu điều tra và thống kê đã đưa đến một kết luận đáng buồn: nhiều người Mỹ gốc Phi tin rằng mình không sống qua được tuổi 35!

Nghiên cứu “Hi vọng sống của các thiếu niên thay đổi tùy theo sắc tộc, chủng tộc và nguồn gốc xuất thân” đăng tải trên tạp chí Health And Social Behavior (Sức khỏe và hành vi xã hội) năm 2015 cho thấy có đến 50% thanh thiếu niên Mỹ gốc Phi ở độ tuổi 12-25 cho rằng mình sẽ không bao giờ sống được qua tuổi 35.

Trong khi đó đến 66% người trẻ da trắng “gần như chắc chắn” mình sẽ sống qua tuổi 35.

Đối với các nhà nghiên cứu, việc hiểu được cách những người trẻ quan niệm về hi vọng sống sẽ rất quan trọng vì nó liên quan đến việc họ định hình tương lai của họ.

Lý giải về nguyên nhân, các nhà nghiên cứu cho rằng cách nhìn của người trẻ về hi vọng sống có thể gắn với tình hình kinh tế gia đình/bản thân và môi trường sống.

Những người trẻ tự tin sẽ sống lâu (nhóm người Mỹ da trắng và nhóm người Mỹ gốc Cuba) đều có hoàn cảnh kinh tế tốt hơn các nhóm khác. Chẳng hạn 84% người da đen sống dưới mức nghèo khổ, trong khi con số này bên nhóm người da trắng chỉ là 30%.

Những con số biết nói

Thật không quá lời khi tiến sĩ Terry F. Buss, viện sĩ Học viện Hành chính quốc gia Mỹ, nhận định rằng: “Nước Mỹ đang chìm trong cuộc chiến văn hóa đầy khó hiểu và tối tăm không lối thoát”.

Dường như mỗi bên chọn một cách lập luận của mình và có những dẫn chứng phù hợp cho lập luận của mình.

Theo kết quả khảo sát của Tổ chức Gallup, có tới 49% người Mỹ cho rằng hệ thống luật pháp đang có xu hướng chống lại cộng đồng người Mỹ gốc Phi và 67% người da màu tin rằng họ không được đối xử công bằng như người da trắng trong các vụ việc có liên quan tới cảnh sát.

Các “điểm nóng” bạo động Ferguson, Baltimore hay Dallas mới đây đều bắt nguồn từ việc cảnh sát bắn chết người da đen.

Cũng phải thấy rằng tội phạm người da màu chiếm số đông và không ít lần có hành vi phản kháng chống trả lại lực lượng chức năng. Nhiều cảnh sát đã không ngần ngại nói rằng họ thường lo sợ nếu không nổ súng thì nguy cơ bị bắn là rất cao.

Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến lực lượng thực thi pháp luật tại Mỹ thường có xu hướng hành động quá mạnh tay đối với các công dân da màu.

Theo báo Washington Post, tính từ đầu năm đến nay có 505 người bị cảnh sát bắn chết. Trang Vox của Mỹ cho biết trong số đó có 31% người thiệt mạng là người da đen, trong khi người da đen chỉ chiếm 13,6% dân số Mỹ.

Nghiên cứu “Hi vọng sống của các thiếu niên thay đổi tùy theo sắc tộc, chủng tộc và nguồn gốc xuất thân” năm 2015 cũng chỉ ra rằng “người Mỹ da trắng không gặp phải tình trạng phân biệt chủng tộc và tình trạng phân biệt đối xử ở cấp độ cơ quan hoặc cá nhân như những người nhập cư và những người Mỹ thiểu số.

Với những nạn nhân này, tình trạng phân biệt đối xử đó làm ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng sống và hi vọng sống thực tế hoặc cảm nhận của họ”.

Theo các nhà nghiên cứu, nạn phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử sẽ là nguồn gốc của “tình trạng căng thẳng thường xuyên đối với những người xuất thân thiểu số về chủng tộc hoặc sắc tộc” và đương nhiên điều đó khiến hi vọng sống cũng giảm đi.

Năm 1980, tuổi thọ trung bình của người Mỹ gốc Phi ít hơn 7 năm so với người Mỹ da trắng. Đến năm 2001, con số trên tăng lên thành 8,3 năm rồi đến năm 2010 thì có giảm xuống còn khoảng 5 năm.

Tổng thống Mỹ đến Dallas

Tổng thống Barack Obama đã rút ngắn chuyến công du tại châu Âu để có mặt tại Dallas ngày 12-7, dự buổi lễ tưởng niệm năm cảnh sát bị bắn chết khi đang thi hành nhiệm vụ.

Tổng thống Obama đã có bài phát biểu được giới quan sát đánh giá là đáng ghi nhận. Nhưng bản thân tổng thống cũng cho biết ông thấy mệt mỏi khi đã có 10 lần phải dự buổi lễ như thế này trong hai nhiệm kỳ của mình.

“Tôi đã thấy sự thống nhất cao quý của chúng ta mau chóng bị ảnh hưởng, bị tiêu tan vì những vụ việc như thế này tái diễn.

Tôi đã nhìn thấy sự bất lực của ngôn từ để hà hơi tiếp sức cho sự thay đổi thật sự. Tôi đã thấy những phát ngôn của mình vô hiệu đến như thế nào...”.

Ông cũng kêu gọi các bên nhìn thấy và thực thi trách nhiệm của mình và ông cũng không quên kêu gọi người dân nhìn nhận đúng về vai trò của cảnh sát: “Chúng ta biết rằng phần lớn cảnh sát đang làm việc nhọc nhằn và nguy hiểm. Họ đáng được chúng ta tôn trọng chứ không phải khinh bỉ”.

______________

Kỳ tới: Chuyện lạ ở Dallas

NGUYỄN QUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên