20/08/2017 10:00 GMT+7

Không phải tự nhiên người dân 'ngó lơ' xe buýt

NGUYỄN PHÚC THỊNH
NGUYỄN PHÚC THỊNH

TTO - Tham gia diễn đàn phát triển giao thông cộng cộng và kiểm soát xe cá nhân, bạn đọc Nguyễn Phúc Thịnh có bài viết nêu ra sáu lý do người dân ngó lơ với xe buýt. Nhằm góp thêm một góc nhìn, xin giới thiệu ý kiến này.

Theo góp ý của hành khách, TP.HCM cần xây thêm nhà chờ tại các trạm xe buýt - Ảnh: Hữu Khoa

Bên cạnh những cái được của xe buýt mà một số người đã nói trong các bài viết trước, ở bài viết này tôi xin nêu ra những mặt chưa được. Sau đây tôi xin đưa ra sáu lý do cơ bản như sau:

Thứ nhất, việc đứng chen chúc trên xe buýt là lý do chính người dân không muốn đi phương tiện công cộng này. Tôi là một người ở ngoại ô (Củ Chi) và đi làm ở nội ô TP.HCM bằng xe buýt vì khá an toàn cũng như tiết kiệm. Nhưng việc đứng chen chúc và mệt mỏi trên xe buýt là việc thường ngày khiến tôi cảm thấy đi xe buýt là một “cực hình”.

Bạn thử tưởng tượng mỗi ngày phải đứng suốt trên các tuyến đông đúc như 94, 74, 13 trong vòng một đến gần hai giờ vì thiếu chỗ ngồi, cộng thêm kẹt xe, mệt mỏi, buồn ngủ là một việc kinh khủng đến mức nào.

Đặc biệt vào lúc buổi sáng (tiêu biểu là từ 4h30-7h, 14h-19h, khi cơ thể con người uể oải và mệt mỏi nhất thì việc đứng trên xe buýt không khác nào là chuyện không ai muốn làm cả.

Nếu đứng trên xe buýt từ 15 -30 phút, việc đó hoàn toàn chấp nhận được. Nhưng đứng trên 30 phút là một việc rất phản khoa học. Việc đứng lâu và liên tục gây nguy hiểm đến xương khớp cũng như các bệnh lý khác của cơ thể.

Ngoài ra, tệ nạn như móc túi, quấy rối tình dục dễ dàng xảy ra. 

Thứ hai, nhìn chung hầu hết xe buýt trong thành phố chạy vô cùng chậm. Nếu không nói quá, một số xe trong thành phố có tốc độ chạy ngang ngửa… xe đạp.

Ví dụ đơn giản, tôi từng trải qua những chuyến xe 66, 65, 104 chạy từ bến xe An Sương đến giao lộ Cộng Hòa - Trường Chinh với thời lượng gần… 30 phút cho một đoạn đường xấp xỉ 4,6km, tính ra vận tốc trung bình xấp xỉ… 9,2 km/h.

Điều này là hoàn toàn không thể chấp nhận được. Xe đa số di chuyển chậm là do cố tình di chuyển chậm hoặc đầu chờ. 

Thứ ba, tần số, tần suất các xe buýt không hợp lý. Đặc biệt có những xe chỉ độc đạo một con đường hoặc một địa điểm mà tần số lại cực kỳ thấp. .

Đặc biệt, có những xe số lượng người đi rất đông nhưng tần số xe cực kỳ thấp. Xe 13 có tần số thấp nhất lên đến 20 phút/chuyến, bình thường trung bình là 12 phút/chuyến, xe 38 rất đông sinh viên, học sinh, người bệnh đi lại nhưng tới 12-21 phút/chuyến, xe 94 buổi sáng rất rất đông người đi nhưng tần số rất thấp, 10-15 phút/chuyến, xe 06 có những chuyến tần số 20 phút/chuyến…

Thứ tư, việc bố trí các tuyến đường có xe buýt không hợp lý. Có những con đường tuyệt đối không có xe buýt hoặc chỉ có một đoạn rất ngắn, hay rất khó đón xe buýt.

Tại sao các con đường ở trung tâm thành phố về hướng Thủ Đức, quận 9 thì lại dày đặc, còn về phía Củ Chi, Cần Giờ… lại thưa thớt. Câu hỏi được đặt ra là chỉ có dân ở trung tâm thành phố, ở khu vực Thủ Đức, quận 9, quận 2 mới có quyền được đi xe buýt, còn dân cư ở khu vực ngoại ô thì không?

Thứ năm, việc di chuyển đến trạm xe buýt là một cản trở rất lớn, đặc biệt là người dân ở ngoại ô.

Ví dụ đơn cử ở Củ Chi, tôi ở số nhà 13.. L.B.H, nhà tôi cách trạm xe buýt gần nhất (trạm ngã ba Việt Kiều) là 1,241km. Tôi khó có thể nào đi bộ ra trạm xe buýt vì quá xa, và nếu đó là trưa nắng hay trời mưa thì điều đó là không thể. 

Thứ sáu, thời gian hoạt động của các xe buýt rất vô lý. Có rất, rất nhiều tuyến xe buýt hoạt động không quá 20 giờ đêm. Đơn cử xe 32, 13, 122 ở Củ Chi kết thúc lúc 19h30, xe 16, 31, 94, 78, 107 ở Củ Chi kết thúc lúc 19h, xe 11, 15 kết thúc lúc 18h45, xe 38, 50, 87, 28, kết thúc lúc 18h. Đặc biệt, xe 79 kết thúc lúc… 17h30.

Các tuyến có nhiều người đi như 24, 13, 94, thì chỉ chuyến cuối cùng chỉ đến 20h30 hướng từ nội ô ra ngoại ô. 

Như vậy, ví dụ trong trường hợp tôi ở xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi và tôi học thêm ở trường Đại học KHXH-NV TP.HCM đến 20h30, tôi phải làm gì để kịp về nhà?

Mời góp ý phát triển xe buýt

Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt là vấn đề quan trọng để triển khai ngay nhằm tiến tới việc kiểm soát sử dụng xe cá nhân, góp phần hạn chế tình trạng kẹt xe.

Làm sao để xe buýt tăng sức thu hút với hành khách? Mời bạn đọc tham gia diễn đàn bằng những câu chuyện cụ thể, những giải pháp khả thi... Ý kiến gửi về báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) hoặc email tto@tuoitre.com.vn, nguyentran@tuoitre.com.vn.

NGUYỄN PHÚC THỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên