Các chuyên gia thế giới từng có rất nhiều bài viết phân tích về câu chuyện doping và đưa ra kết luận: "Có những trường hợp vận động viên cố tình sử dụng chất tăng cường thành tích. Nhưng cũng có không ít vận động viên bị oan vì sử dụng thực phẩm, chất bổ sung hoặc thuốc bị ô nhiễm".
Theo giải trình của 5 vận động viên Việt Nam bị phát hiện doping ở SEA Games 31 thì họ đã sử dụng một loại thực phẩm chức năng nhưng không biết có chứa chất cấm. Giải trình này được nhìn nhận như thế nào?
Trong quá khứ, các nhà khoa học đã chứng minh ăn thịt heo có thể dẫn đến việc "dương tính giả với doping". Như trường hợp của vận động viên Shelby Houlihan, người từng giữ kỷ lục nước Mỹ nội dung chạy 1.500m và 5.000m. Cô bị phát hiện dương tính với chất kích thích và bị cấm thi đấu 4 năm.
Nhưng có những bằng chứng cho thấy Shelby Houlihan đã ăn bánh burrito thịt heo vài giờ trước khi cung cấp mẫu nước tiểu. Tháng 2-2014, ngôi sao điền kinh người Kenya James Kibet cũng xét nghiệm dương tính doping, sau khi ăn mỡ heo từ một nông dân Kenya.
Chưa hết, vận động viên người Mỹ Jarrion Lawson cũng xét nghiệm dương tính với doping sau khi ăn thịt bò bị nhiễm độc tại một nhà hàng.
Rõ nhất là trường hợp của tay vợt cầu lông Thái Lan Ratchanok Intanon, người từng đoạt chức vô địch thế giới năm 2013. Cô từng bị phát hiện dương tính với doping năm 2019 nhưng sau đó Hội đồng xét xử doping của Liên đoàn Cầu lông thế giới đã chấp nhận nguyên nhân là do Ratchanok Intanon ăn phải thịt bò bị nhiễm độc.
Trước khi bắt đầu Olympic mùa đông ở Bắc Kinh năm 2022, Cơ quan Chống doping thế giới (WADA) cảnh báo các vận động viên chuẩn bị tham dự giải phải "hết sức thận trọng" khi ăn các sản phẩm thịt ở Trung Quốc, do khả năng cao thịt bị nhiễm chất cấm.
Người phát ngôn của WADA khuyến cáo các vận động viên chỉ "ăn ở những nơi được ban tổ chức sự kiện cho phép rõ ràng". WADA cho biết thịt ở Trung Quốc có chứa hàm lượng clenbuterol steroid thấp, chất này sẽ tạo ra kết quả xét nghiệm dương tính như một loại thuốc PED (thuốc tăng cường hiệu suất).
Ở Ấn Độ trong những năm gần đây cũng gia tăng các trường hợp vận động viên có kết quả xét nghiệm dương tính với doping. Bộ trưởng Thể thao Ấn Độ Anurag Thakur đã quyết định tổ chức "Hội nghị chuyên đề về hộ chiếu sinh học của vận động viên".
Hội nghị quy tụ hơn 200 chuyên gia đến từ 56 quốc gia trên thế giới để thương thảo, trang bị các kiến thức cần thiết để "bảo vệ các vận động viên và toàn bộ hệ sinh thái thể thao khỏi mối đe dọa doping".
Thông qua hội nghị, các chuyên gia cũng trang bị kiến thức cho các vận động viên về việc ăn uống như thế nào để tránh bị "vô tình" vướng phải doping.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận