Học sinh tại chương trình sáng 12-7 - Ảnh: NGỌC TÀI
Chương trình do báo Tuổi Trẻ, Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) cùng các trường ĐH, Sở GD-ĐT Đồng Tháp phối hợp tổ chức với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup.
2 câu chuyện ý nghĩa
Trước các học sinh tỉnh nhà, ông Lê Minh Hoan - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp - kể lại câu chuyện chàng sinh viên Akio Morita (1921-1999) phục vụ cho quân đội Nhật Bản trong Thế chiến thứ 2. Khi đó, ông là một trong những người đầu tiên nghe lời tuyên bố đầu hàng của Nhật hoàng.
Nửa đầu tiên trong bài tuyên bố, Nhật hoàng dành xin lỗi nhân dân thế giới vì chiến tranh. Nửa sau, ông nhấn mạnh về hào khí của nước Nhật, về tinh thần đoàn kết sẽ cùng nhau đứng dạy tái thiết sau chiến tranh.
Quả thật, họ đã tái thiết đất nước, trở thành quốc gia cường thịnh trên đống tro tàn của hai quả bom nguyên tử. "Tôi sẽ là một phần của nước", anh sinh viên Morita ngày trước đã thành người sáng lập thương hiệu Sony nổi tiếng ngày nay.
"Các bạn có thể học kinh tế, xã hội, công nghệ thông tin… điều đó không quan trọng. Chính thái độ, khát vọng sẽ quyết định thành công. Vào trường đại học chưa đảm bảo thành công.
Thất bại trong đoạn đường ngắn không phải là thất bại trong cả đời. Ngược lại, thành công trong đoạn đường ngắn không đảm bảo thành công trên cả con đường thành người, nếu người đó không có khát vọng phát triển bản thân, đóng góp cho quê hương xứ sở", ông Hoan nói.
Ông Lê Minh Hoan phát biểu tại chương trình sáng 12-7 - Ảnh: NGỌC TÀI
Ông nói thêm, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, mọi thứ thay đổi nhanh chóng, những cái mới, tiến bộ liên tục cập nhật, thay thế cái cũ.
Chính vì vậy, tinh thần học tập suốt đời quyết định kết quả của các bạn trẻ. Kiến thức, kỹ năng chỉ chiếm 20% thành công, trong khi đó thái độ chiếm tới 80%. Đó là thái độ tích cực, tự học, tự rèn luyện.
"Như những dòng nước từ núi cao đổ ra đại dương, có những dòng chính, có những dòng phụ. Vì vậy không phải chỉ có một con đường dẫn tới thành công", ông Hoan nói, nhắc học sinh ngoài đại học còn có thể theo học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Khép lại phần phát biểu, ông Hoan kể thêm câu chuyện về một quả trứng đại bàng không may rơi vào ổ gà. Đại bàng con được gà nuôi dưỡng. Nhìn thấy chim bay trên trời, gà mẹ nhắc nhở: nhà mình chỉ là gà, suốt đời không thể sải cánh; từ đó đại bàng con không mơ gì đến việc bay cao trên không trung.
Ông Hoan khẳng định, chính các học sinh ngồi đây có thể là "đại bàng" trong tương lai nhưng phải tìm kiếm và phát huy hết khả năng của mình, với khát vọng và niềm tin vào bản thân.
228 tổ hợp xét tuyển
Sinh viên đặt câu hỏi cho ban tư vấn sáng 12-7 - Ảnh: NGỌC TÀI
TS Lê Thị Thanh Mai - Trưởng ban Công tác tuyển sinh, ĐH Quốc gia TP.HCM - cho biết theo số liệu từ Bộ GD-ĐT, trong năm 2020 có đến 228 tổ hợp xét tuyển. Trong đó các tổ hợp truyền thống như toán - lý - hóa, toán - văn - Anh, văn - sử - địa.… chỉ có 10 tổ hợp.
Các tổ hợp mới lên tới 146 và năng khiếu tới 72. Đặc biệt, tổ hợp có bài thi khoa học tự nhiên có 20, khoa học xã hội có 26, tổ hợp có giáo dục công dân 25. Những tổ hợp đặc biệt này đến 71, chiếm đến 31%. Còn lại là những tổ hợp với các bài thi đơn lẻ.
TS Mai chia sẻ, học sinh, đặc biệt là những em lớp 11, không nên bó buộc trong các khối thi truyền thống, thay vào đó tập trung đào sâu kiến thức và dành thời gian lắng đọng để suy nghĩ về mong muốn của bản thân.
Ngay cả những học sinh lớp 12, ngoài việc ôn thi vẫn cần suy ngẫm thêm về những lựa chọn của mình, vì trước mắt vẫn còn một đợt điều chỉnh nguyện vọng.
Theo TS Mai, học sinh nên bắt đầu bằng câu hỏi mình muốn làm gì, sau đó chọn nghề, rồi lựa chọn ngành học, bậc học, trường học. Khi chọn được trường, học sinh soi lại đã giống với mong muốn ban đầu của mình hay chưa.
"Khi có điểm thi cao thì đừng vội mừng mà phải so sánh với cả nước. Nếu mọi người cùng cao thì cần cẩn trọng", cô Mai nhắc nhở.
Không tự tin tiếng Anh có nên chọn ngành kinh doanh quốc tế?
Học sinh Nguyễn Thị Ngọc Lan - Trường THPT Lấp Vò 2 (Đồng Tháp) - thắc mắc muốn theo học ngành kinh doanh quốc tế nhưng không tự tin vào vốn tiếng Anh, liệu có nên theo đuổi ngành học này ở Trường ĐH Kinh tế TP.HCM?
ThS Nguyễn Văn Đương - phó trưởng phòng phụ trách phòng kế hoạch đào tạo - khảo thí Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - cho biết không chỉ kinh doanh quốc tế, mà tất cả các ngành đào tạo của trường đều theo tham khảo chương trình của nhóm 200 trường hàng đầu thế giới về kinh tế, kinh doanh, quản trị. Vì thế, các ngành đều đặt yêu cầu ngoại ngữ.
Trong chương trình, trường đưa ra lộ trình hỗ trợ học sinh trau dồi ngoại ngữ. Khi trúng tuyển đầu vào, nhà trường sẽ kiểm tra năng lực tiếng Anh của tân sinh viên. Từ đó, trường sẽ định hướng cho sinh viên nâng cao khả năng ngoại ngữ suốt thời gian học tại trường.
Ngoài ra, trường cũng bổ sung một số học phần bằng tiếng Anh khi vào chuyên ngành. "Các em hãy yên tâm. Dù khả năng ngoại ngữ còn hạn chế, nhà trường vẫn tiếp nhận và hỗ trợ các em để khi ra trường đạt chuẩn đầu ra về ngoại ngữ tùy theo ngành" - ThS Đương nói.
Trong khi đó, học sinh Lê Thị Trang - Trường THPT Lấp Vò 1 (Đồng Tháp) - phân vân giữa hai ngành quản trị kinh doanh và marketing. Bạn thắc mắc trong chương trình của ngành quản trị kinh doanh cũng có mảng marketing, vậy thì nên học quản trị kinh doanh hay marketing?
ThS Nguyễn Thái Châu - giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH Tài chính - marketing - cho biết ngành quản trị kinh doanh và ngành marketing có sự tương tác, giao thoa khoảng 40%. Với nhiều trường, kiến thức marketing thường được dạy lồng ghép vào quản trị kinh doanh chứ không tách thành ngành riêng.
Ông Châu giải thích với ngành marketing, các trường ở TP.HCM đào tạo nhiều chuyên ngành như quản trị marketing, quản trị thương hiệu, truyền thông marketing hay digital marketing. Sinh viên được học các kiến thức xã hội, kinh doanh, tâm lý người tiêu dùng, hành vi người tiêu dùng, quảng cáo, định vị sản phẩm, định vị thị trường…
Có nên xuất khẩu lao động ngay sau khi tốt nghiệp THPT?
Trả lời thắc mắc của học sinh có nên đi xuất khẩu lao động ngay sau khi học xong THPT, ông Hà Đức Ngọc - chuyên viên Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) - cho rằng các bạn chưa nên vội vàng.
Ông Ngọc cho biết số lượng lao động của Việt Nam ra nước ngoài làm việc hằng năm rất đông. Tuy nhiên đi ngay sau khi tốt nghiệp THPT, các bạn trẻ không qua đào tạo sẽ rất vất vả. Không có nghề trong tay, những lao động này chỉ làm được các công việc phổ thông với mức thu nhập không cao.
"Nên thành thạo một nghề trước khi ra nước ngoài lao động. Nhiều trường cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp có quan hệ với các nước để đưa sinh viên có nguyện vọng xuất khẩu lao động" - ông Ngọc nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận