14/02/2015 17:09 GMT+7

Không lẽ cứ Tết đến là phải say, xỉn quắc cần câu?

TRÀ TRƯƠNG - PHẠM ĐỖ BÌNH AN
TRÀ TRƯƠNG - PHẠM ĐỖ BÌNH AN

TTO - Vì sao hễ Tết đến là cánh đàn ông, thanh niên quê tôi hầu như ai cũng say? Bao nhiêu tai nạn đau thương vì tình trạng quá chén... mỗi dịp Tết là bài học cũ nhưng không ai thuộc.

Tranh minh họa

Sáng, họ ăn mặc bảnh bao tươm tất lắm, chở vợ con đi thăm và chúc Tết bà con họ hàng nhưng chiều quay về là trong tình trạng ngược lại, áo quần lại xốc xếch, tướng đi xiêu vẹo và người cầm lái là… vợ.

Cũng dễ hiểu, ngoài tách trà, bánh mứt ra thì chén rượu (giờ có cả bia) đầu xuân cũng là thứ không thể thiếu trong ba ngày Tết sum vầy này.

Quê tôi ngày thường đa phần thanh niên đều rời quê lên các thành phố lớn làm việc, đến gần Tết họ mới trở lại quê nhà sum họp cùng gia đình vài hôm rồi sau đó quay lại thành phố để làm việc tiếp. 

Quần quật làm ăn cả năm người ta mới gặp nhau một lần, cũng có khi là vài ba năm người ta mới gặp và ăn tết cùng nhau, hiếm ai từ chối chén rượu đầu năm người khác mời mình.

Hãy tưởng tượng, bạn chỉ cần viếng thăm năm đến mười nhà, mỗi nhà uống chừng vài ly (hoặc nhiều hơn tùy tửu lượng), đến chiều xác suất bạn say hay không còn tỉnh táo là khá cao.

Hơn nữa tâm lý cả năm mới có một lần, rồi Tết thì chả phải làm công việc gì nên chuyện có quá chén vào dịp đặc biệt như thế này cũng không có gì ngạc nhiên.

Những năm gần đây người ta hay khuyến cáo nên ăn Tết một cách văn minh, tiết kiệm, và nhất là việc hạn chế rượu bia nhưng tôi e là khó thay đổi trong một sớm một chiều được.

Vì thói quen bia rượu không chỉ đến vào dịp lễ Tết, mà là tất cả những ngày còn lại trong năm.

Rồi hậu quả lâu dài là sức khỏe, hậu quả nhãn tiền là tai nạn... 

Thế nên nếu muốn thay đổi, hãy bắt đầu từ hôm nay. Một tách trà cũng vui ngày tết... đâu nhất thiết phải bia, phải rượu?

TRÀ TRƯƠNG

Dân ở xóm tôi gần như đại đa số là làm nông, nhà ai cũng trồng lúa, rau màu, cà phê, tiêu… Cả năm ít thời gian rảnh rỗi, cánh đàn ông cũng không có thời gian nhậu nhẹt nên đa phần các gia đình đều thuộc diện khá giả. Tình hình an ninh trật tự trong thôn xóm được bảo đảm, tình làng, nghĩa xóm rất đậm đà, thân mật…

Nhưng từ ngày 23 tháng Chạp trở đi, lúc mọi thứ nông sản đã được thu hoạch hết, sẵn có tiền nhà nào nhà nấy đều tổ chức cúng tất niên linh đình gọi là “xả hơi”.

Kéo dài từ ngày đó đến tận ngày mồng chín tháng Giêng gần như không ai đụng đến cây cuốc, cây xạc mà chỉ lo tổ chức uống rượu.

Ngày nào cũng như ngày ấy, đi tới đâu cũng thấy cỗ làm to, thịt thà, bánh trái dư thừa, cánh đàn ông cho tới thanh niên hè nhau “chén chú, chén anh” ngày 3-4 bữa. Thậm chí phụ nữ cũng mời nhau uống rượu như là bù đắp lại cả năm trời lao động vất vả.

Nhưng, rượu mà, lạm dụng quá không hề tốt chút nào, uống bữa trưa chưa kịp tỉnh đã có người khác mời. Không ít người chẳng đoái hoài gì đến thời gian, đắm chìm trong men say đến nỗi ngày 30, mùng 1 tết qua lúc nào không hay.

Thường thì đàn bà dễ bị mất ngủ trong những ngày này, bởi ngóng chồng, trông con và luôn phập phồng lo chồng con say xỉn.

Nhiều chị bấm bụng van vái thời gian qua mau hết cái tết cho rồi để đàn ông thôi nhậu nhẹt, bởi cũng vì rượu mà gần như cái tết nào ở trong địa phương có ít cũng xảy ra mươi vụ tai nạn giao thông, nhẹ cũng sứt đầu, mẻ trán, gãy tay, gãy dò; nặng thì đi nằm nhà thương, đã từng có người chết đúng vào dịp tết.

Giá như dân quê tôi “xả hơi” đừng quá đà để đón năm mới trên tinh thần hoàn toàn tỉnh táo thì mọi gia đình đều vui biết mấy!

PHẠM ĐỖ BÌNH AN

Ngày Tết, bên cạnh những nét hay, nét đẹp vẫn còn đó những điều còn phiền lòng, thậm chí gây nên những tác hại lớn cho bản thân, cho gia đình, cho cộng đồng.

Diễn đàn Ngày tết giá mà... của Tuổi Trẻ Online mong nhận được những bài viết, ý kiến chia sẻ trao đổi về những câu chuyện này.

Hãy gửi email đến tto@tuoitre.com.vn hoặc qua phần Ý kiến bạn đọc dưới bài viết.

TRÀ TRƯƠNG - PHẠM ĐỖ BÌNH AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên