12/09/2013 06:20 GMT+7

Không gục ngã

THÂN HOÀNG
THÂN HOÀNG

TT - Mồ côi, nhà nghèo, nhiều tân sinh viên ở các tỉnh miền núi phía Bắc nhận giấy báo đại học mà vừa mừng vừa lo...

aNQMvKn3.jpgPhóng to
Sầm Văn Thuộc phụ việc trong một xưởng xẻ gỗ - Ảnh: Thân Hoàng

Nhiều bạn khi cầm giấy báo trong tay đã đôn đáo tính chuyện làm thêm để có tiền ăn học.

Làm thuê kiếm tiền nhập học

Cả tháng nay, cậu tân sinh viên Trường đại học Công nghiệp Việt Trì Sầm Văn Thuộc (thôn Là 1, xã Võ Lao, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai) phải làm thuê đủ thứ công việc. Buổi sáng Thuộc phụ làm công việc xẻ gỗ cho một xưởng gỗ gần nhà, buổi chiều lại xin đi làm phụ hồ cho các công trình xây dựng trong xã. “Ai thuê việc gì em cũng làm nhưng chỉ đủ tiền mua gạo, chi tiêu hằng ngày cho cả gia đình. Trước ngày xuống trường nhập học mà trong nhà không có nổi một trăm ngàn” - Thuộc tâm sự.

Mẹ Thuộc, bà Sầm Thị Thời (41 tuổi), bị bệnh chậm phát triển trí tuệ từ nhỏ. Bà mang thai và sinh Thuộc trong vô thức. Sinh ra không biết mặt bố, thiếu sự chăm sóc của mẹ, Thuộc lớn lên nhờ vào mấy sào ruộng và mấy con lợn mà bà ngoại sớm hôm tần tảo. Thường xuyên bụng đói đến trường thế nhưng Thuộc vẫn học rất giỏi.

Năm Thuộc học lớp 9, bà ngoại lúc ấy gần 80 tuổi thường xuyên ốm đau nên không thể làm lụng nuôi hai mẹ con em. Nhìn cảnh gia đình khốn quẫn, Thuộc cắn răng, nuốt nước mắt xin nghỉ học, xếp sách vở vào thùng để đi làm kiếm tiền nuôi gia đình. Ban đầu Thuộc đi đánh giày trên huyện, sau Thuộc xách vữa, bê gạch để kiếm mỗi ngày vài chục ngàn đồng mua gạo nuôi bà, nuôi mẹ. Cuộc đời cơ cực đã khiến Thuộc có suy nghĩ trưởng thành hơn bạn bè: “Đó là lựa chọn duy nhất của em lúc bấy giờ. Lúc đấy em tự nhắc mình chỉ tạm thời nghỉ học, khi nào có tiền sẽ tiếp tục”.

Trong những ngày đi làm thuê, Thuộc tích lũy, cóp nhặt từng đồng với khát khao trở lại trường học. Sau hai năm gián đoạn, Thuộc tiếp tục việc học tại Trường THPT số 2 Văn Bàn, Lào Cai. Hằng ngày Thuộc vừa đi học, vừa đi làm thuê để có tiền nuôi gia đình. Sau vì thương hoàn cảnh của Thuộc, một xưởng gỗ gần nhà đã nhận em vào phụ việc và trả lương 120.000 đồng/ngày. Nhiều lần cuộc sống gia đình rơi vào bế tắc, không có tiền nên Thuộc định bỏ học. Được sự động viên của thầy cô giáo, bạn bè, Thuộc tiếp tục đến lớp và luôn đạt thành tích học tập tốt. Bây giờ vào đại học, Thuộc đã phải bán con trâu là tài sản lớn nhất của gia đình.

Ngay ngày đầu nhập học, Thuộc thấy cạnh xóm trọ có khu đất bỏ trống nên xin chủ nhà cho mượn trồng rau. Thuộc phạt cỏ, cuốc đất và trồng được sáu luống rau để có thể tự lo thức ăn và có rau bán lấy tiền. “Em vừa được một bác gần trường thuê san đất hai ngày và kiếm được 300.000 đồng. Số tiền này đủ em ăn cả tháng nên trước mắt ít nhất em vẫn theo học được một tháng nữa. Bây giờ cứ biết là đi học đã, được đến đâu hay đến đó, em tin mình sẽ không gục ngã”.

LRAd2f5U.jpgPhóng to
Hồng Anh cùng bà hái rau ngót mang ra chợ bán - Ảnh: Thân Hoàng

Hoàn cảnh éo le

Cả tháng nay, nhận được tin cô cháu nội Phạm Thị Hồng Anh đỗ Đại học Sư phạm Hà Nội, bà Nguyễn Thị Soạn (70 tuổi, thôn Đầm Vông, xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái) cứ mừng mừng tủi tủi.

Hồng Anh sinh ra được hai ngày thì mẹ mất vì băng huyết. Bà nội đón Hồng Anh từ Lào Cai về Yên Bái nuôi. Sức khỏe yếu nhưng hằng ngày bà Soạn vẫn cần mẫn hái rau, bẻ chuối trong vườn rồi gánh ra chợ. Trong nghèo khó thiếu thốn là vậy, Hồng Anh luôn chăm ngoan và học giỏi. Mười hai năm liền Hồng Anh đều là học sinh giỏi, những năm học cấp III em còn liên tục đoạt giải nhất và giải ba môn lịch sử trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh.

Trong kỳ thi đại học vừa rồi Hồng Anh đã đỗ vào khoa lịch sử Trường đại học Sư phạm Hà Nội. Ngay khi nhập học, cô gái nhỏ bé này tiếp tục đăng ký dự thi và đỗ vào lớp tài năng của trường. “Nó thích học lắm, lúc nào cũng thủ thỉ sợ bà không có tiền cho đi học. Cũng có lúc túng quẫn, không có tiền mua gạo, nó định nghỉ học để đi làm thuê nhưng tôi không cho. Tôi sẽ cố đi chợ, đi làm thêm để có tiền cho cháu học” - bà Soạn tâm sự.

Trước ngày lên trường nhập học, Hồng Anh vẫn cặm cụi ngoài vườn cuốc đất trồng rau, ra chợ cùng bà. “Sau khi xuống trường em sẽ xin làm gia sư, đi bán hàng thuê để lo cho việc học vì bà em tuổi đã cao, sức khỏe đang yếu dần. Bà muốn em trở thành cô giáo để sau này tự lo cho cuộc sống của mình, em sẽ cố gắng để thực hiện ước mơ lớn lao này”, Hồng Anh bộc bạch.

“Tiếp sức đến trường” 150 tân sinh viên Tây Bắc

Tối 18-9, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Sơn La, chương trình “Tiếp sức đến trường” của báo Tuổi Trẻ sẽ trao học bổng cho 150 tân sinh viên học giỏi vượt khó sáu tỉnh Tây Bắc gồm Hòa Bình, Yên Bái, Lai Châu, Lào Cai, Điện Biên, Sơn La (mỗi tỉnh 25 suất) với kinh phí 750 triệu đồng (5 triệu đồng/suất). Chương trình do báo Tuổi Trẻ phối hợp với Tỉnh đoàn, Sở Giáo dục & đào tạo sáu tỉnh Hòa Bình, Yên Bái, Lai Châu, Lào Cai, Điện Biên, Sơn La tổ chức. Kinh phí trao học bổng do Quỹ khuyến học Vinacam tài trợ.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Phải đi tiếp ước mơ...Chương trình “Vì ngày mai phát triển” lần thứ 352Cuộc hội ngộ 150 ý chí vượt khó đất Tây nguyênĐồng vốn của mẹ, tương lai cho con...Tiếp sức đến trường cho 50 tân sinh viên Bình ĐịnhNhững cây xương rồng nở hoa

THÂN HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên