05/09/2013 06:26 GMT+7

Chương trình "Vì ngày mai phát triển" lần thứ 352

MAI VINH - PHAN THÀNH
MAI VINH - PHAN THÀNH

TT - Có những bạn trẻ đã vượt lên trên bi kịch gia đình để bước đến cổng trường đại học.

56D0Eulk.jpgPhóng to
Nguyễn Bảo Lộc phụ mẹ nấu măng bán để kiếm tiền nhập học - Ảnh: MAI VINH

Đó là câu chuyện của tân sinh viên Đại học Nông lâm TP.HCM Nguyễn Bảo Lộc và Phan Thị Hoàng Lan, tân sinh viên Đại học Đà Lạt. Lộc là con của người mẹ mắc chứng tâm thần đã 18 năm, và Lan là con của nữ phạm nhân đã 10 năm thụ án.

“Ước gì mẹ biết để mẹ vui”

Căn nhà lụp xụp của Lộc ở sát bìa rừng, thuộc tổ dân phố 3, thị trấn Madagui, huyện Đạ Huoai, Lâm Đồng. Khi cậu bé Lộc vừa tròn ba tháng tuổi, cha của cậu đã đầu hàng cuộc sống khổ cực ở căn nhà hoang vu. Giữa đêm, ông ôm người anh của Lộc rời nhà ra đi biền biệt. Sau nhiều ngày không tìm ra chồng con, mẹ Lộc trở nên điên loạn. Bà ngẩn ngẩn ngơ ngơ và cũng có lúc trở nên dữ dằn với tia nhìn thù hằn thường trực. Một đêm, người mẹ mất kiểm soát và châm lửa đốt nhà. Cậu bé Lộc được hàng xóm cứu sống... Lộc ngân ngấn nước mắt kể nguồn cơn chứng tâm thần của mẹ.

Từ khi bắt đầu đi học, Lộc đã quá quen với những ngọn lửa bất chợt bùng lên trong nhà. Toàn bộ sách vở của cậu bị mẹ đốt sạch, người mẹ ngẩn ngơ bảo: “Đốt cho ấm nhà”. Khi tỉnh táo lại bà ôm Lộc mà khóc: “Thôi con nghỉ học, sống còn không ra sống sao mà học nổi con”. Cậu bé Lộc im lặng, lủi thủi đi mượn tiền hàng xóm mua sách vở rồi xin làm công trừ nợ. Năm Lộc học lớp 7, tủi cảnh nhà, cậu bỏ đi lang thang. Bác ruột là bà Lê Thị Kim Chúc đã bỏ công đi tìm cậu về. Lộc kể rằng cậu không thể quên được câu nói của bác trên đường chở cháu về: “Nhà cửa vậy, mẹ con vậy, con xem chỉ còn mỗi con là lành lặn, con mà không sống cho ra hồn thì cả gia đình con nát bươm. Ráng học đi con, không sau này con hư hỏng thì người ta lại đổ lỗi cho mẹ con đấy, mẹ con vậy là tận khổ rồi”. Với Lộc đó là thời điểm tạo nên bước ngoặt trong cuộc sống của mình, Lộc nói: “Em dồn hết sức để học, ngay từ lúc đó em hiểu mình không nên buông cho hoàn cảnh dẫn dắt”. Hằng ngày sau giờ học trên lớp, Lộc về nhà phụ bác đi hái hạt điều, vào rừng chặt củi để kiếm tiền học. Những lúc mẹ Lộc tỉnh táo, Lộc và mẹ lên rừng hái măng đem ra chợ bán.

Lộc bảo rằng từ nhỏ đến lớn cậu buồn nhất là lúc cậu cầm giấy báo đậu đại học trên tay. Cậu khoe với mẹ và bác. Bác mừng vui hớn hở, còn mẹ thì không có chút cảm xúc nào cả. “Mẹ đâu có biết đại học là gì, ước gì mẹ biết để mẹ vui” - Lộc nói mà mắt ngấn nước. Và mới đây bà Lê Thị Kim Chúc phải vay nóng giúp Lộc 5 triệu đồng để Lộc kịp về trường đóng học phí. Bà Chúc chỉ tay vào góc bàn học, ở đó có vài bộ quần áo đã xếp ngay ngắn: “Hàng xóm sợ Lộc không đủ mặc để đi học xa nên ghé cho đó”. Lộc thì cười: “Giờ khó khăn kiểu gì cũng phải ráng bám trụ Sài Gòn đi học, chớ không phụ lòng nhiều người lắm”. Chưa đi TP.HCM nhập học nhưng Lộc khoe là đã nhờ các anh chị học trước mình tìm được chỗ làm, một công việc bưng bê trong một quán ăn nhỏ ở làng đại học Thủ Đức. Lộc nói: “Vậy là không lo đói nữa rồi, ít nhất là thời gian đầu còn lạ nước lạ cái”.

HnINBnbe.jpgPhóng to
Phan Thị Hoàng Lan dạy kèm các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Lâm Đồng - Ảnh: PHAN THÀNH

Học chờ ngày đoàn tụ

Hơn 10 năm trước, một bi kịch khủng khiếp đã đổ ập xuống gia đình cô bé chưa tròn 8 tuổi Phan Thị Hoàng Lan: cha chết, mẹ vào tù vì tội giết người. Tiếp sau là chuỗi ngày ly tán, Lan được đưa đến sống tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Lâm Đồng. Cũng từ ngày đó cô bé thất lạc luôn hai đứa em trai, đến nay Lan cũng chỉ nghe phong thanh rằng các em mình đang sống với gia đình phía nội ở Quảng Nam, nhưng không rõ cụ thể là ở đâu.

Lan kể lúc cô bắt đầu hiểu chuyện, nghe mọi người kể lại chuyện gia đình mình mà lòng thấy hụt hẫng. Nhiều năm sống trong sự đùm bọc của thầy cô, anh chị ở trung tâm không làm Lan vơi nỗi nhớ về gia đình và những đứa em. “Mình cố gắng học phần lớn cũng vì những đứa em. Mình phải học mới có tiền để sau này đủ hiểu biết và có chút ít tiền đi tìm lại các em”.

Sau mỗi giờ học trên lớp, Lan về trung tâm phụ mọi người nấu ăn, rửa chén bát, dạy các em nhỏ học bài. Ban đêm, Lan tranh thủ móc len kiếm thêm lộ phí về trại giam Long Khánh (Đồng Nai) thăm nuôi mẹ. Và khi mọi người đã chìm vào giấc ngủ thì Lan ngưng làm việc để học bài. “Chắc mẹ sẽ vui lắm khi biết em đậu đại học. Lâu lắm rồi em không đi thăm mẹ nên giờ chắc mẹ cũng chưa hay biết gì về tin vui này. Mẹ em thích được ăn mì, uống cà phê do em mua lắm...” - Lan nghẹn ngào nói.

Chị Nguyễn Thị Liên, cán bộ trung tâm và là mẹ đỡ đầu của Lan, bảo Lan là một tấm gương nghị lực, biết vượt lên số phận. “Ngoài giờ học, Lan như người chị cả, quán xuyến được mọi việc khi thầy cô vắng nhà. Lẽ ra khi đủ 18 tuổi thì phải ra ở ngoài, nhưng do hoàn cảnh Lan quá đặc biệt nên trung tâm quyết định cho em ở lại đến khi học xong đại học” - chị Liên kể. Sau buổi dạy học cho các em nhỏ ở trung tâm, Lan tâm sự: “Khi vừa biết suy nghĩ về cuộc sống, mình đã nghĩ nhiều về mẹ. Khi sự oán trách mẹ vừa tan trong lòng thì mình nghĩ phải học thật tốt. Mình không muốn câu chuyện buồn cứ kéo dài, cuộc sống gia đình mình phải tươi sáng hơn”. Lan bấm đầu ngón tay và đôi mắt cô sáng rỡ, cô bảo rằng còn hơn bảy năm nữa là mẹ mãn hạn tù, lúc đó Lan đã đi làm được ba năm. Cô sẽ đi đón mẹ và cùng mẹ đi tìm lại những đứa em. “Vậy là gia đình đoàn tụ rồi, đâu còn khổ đau gì nữa, hết bi kịch rồi” - cô cười.

“Tiếp sức đến trường” đến 5 tỉnh Tây nguyên

Tối 6-9, tại hội trường Tỉnh ủy Lâm Đồng, báo Tuổi Trẻ sẽ phối hợp với tỉnh đoàn, sở GD-ĐT các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum tổ chức lễ trao học bổng “Tiếp sức đến trường” cho 170 tân sinh viên khu vực Tây nguyên (5 triệu đồng/suất). Chương trình do Giải golf gây quỹ “Tiếp sức đến trường” (Công ty CP phân bón Bình Điền, báo Tuổi Trẻ, VTV tổ chức) và Công ty TNHH chế biến trà Trân Nam Việt (Bảo Lâm, Lâm Đồng) tài trợ với tổng giá trị là 850 triệu đồng.

Dịp này, Trường ngoại ngữ Dalat Academy (TP Đà Lạt) phối hợp với báo Tuổi Trẻ cấp 50 suất học tiếng Anh miễn phí với tổng trị giá 150 triệu đồng (3 triệu đồng/suất) cho tân sinh viên cao đẳng, đại học có hoàn cảnh khó khăn đỗ vào các trường tại Đà Lạt. FPT Shop và Nokia cũng trao tặng 20 điện thoại di động cho các tân sinh viên.

Lễ trao học bổng được truyền hình trực tiếp trên Đài phát thanh truyền hình Lâm Đồng và tiếp sóng trên Đài phát thanh truyền hình Đắk Lắk, Đắk Nông.

MAI VINH - PHAN THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên