Học bổng “Tiếp sức đến trường” 2013 dành cho tân sinh viên 3 tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định * Tổ chức: báo Tuổi Trẻ, Tỉnh đoàn và sở GD-ĐT 3 tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định * Tài trợ: Quỹ khuyến học Vinacam, Quỹ khuyến học khuyến tài tỉnh Khánh Hòa, Công ty Incomex Sài Gòn và nhiều nhà hảo tâm khác.
Phóng to |
Ngô Tấn Hiền giúp ba mẹ vác lúa đi phơi - Ảnh: Duy Thanh |
Đó là Ngô Tấn Hiền (24 tuổi, ở xã Hòa Mỹ Đông, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên) và Nguyễn Thị Ngọc Oanh (21 tuổi, ở thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa).
Làm thuê, đi lính rồi mới học tiếp!
"Tôi trở lại việc học đầy khó khăn, có lúc tưởng phải bỏ cuộc" NGÔ TẤN HIỀN |
Ở tuổi 24 Ngô Tấn Hiền mới bước chân vào giảng đường đại học. “Học cùng mấy em thua mình 5-6 tuổi ban đầu cũng hơi ngượng, nhưng được ngồi trong giảng đường là mơ ước cháy bỏng cả đời tôi” - Hiền tâm sự khi sắp xếp hành trang đến TP Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) nhập học ngành xây dựng Trường đại học Xây dựng miền Trung.
Hiền là con thứ ba trong gia đình có năm anh em, cha mẹ là nông dân. Ngay từ lúc còn học cấp II, Hiền đã cùng hai anh trai hằng ngày đạp xe hàng chục cây số lên rừng Suối Phẩn để chặt củi về bán. Cuộc sống cơ cực của gia đình tiếp nối năm này sang năm khác nên có một “mặc định” là những đứa con cứ học xong lớp 9 là phải nghỉ, tìm việc mưu sinh. Không ngoại lệ, năm 2004 tốt nghiệp THCS, Hiền vào Sài Gòn kiếm sống. Ở đấy hai năm đầu Hiền đi bán vé số, hai năm sau làm phục vụ bàn cho các quán xá, giữ xe mướn, phụ hồ...
Đầu năm 2008, Ngô Tấn Hiền trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, đóng tại xã Hòa Kiến (TP Tuy Hòa). “Bốn năm làm thuê khổ cực ở Sài Gòn và 18 tháng quân ngũ, trong tôi luôn thôi thúc ý nghĩ phải tiếp tục đến trường để thoát khổ nghèo mới đổi đời được” - Hiền hạ quyết tâm.
Ra quân, Hiền lại tiếp tục theo bà con làm phụ hồ, rồi học nghề thợ xây. Đến năm 2010, Hiền nộp đơn vào Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Phú Yên. Hằng ngày Hiền vừa phụ chạy hàng tạp hóa để kiếm tiền tối đổ xăng vượt 20km đến trường. “Sáu năm không cầm đến cây bút, cuốn vở, mọi kiến thức trước đây đã “đổ sông đổ biển”, tôi trở lại việc học đầy khó khăn, có lúc tưởng phải bỏ cuộc” - Hiền tâm sự.
Nhưng nỗ lực và quyết tâm của Hiền rồi cũng được đền đáp. Không chỉ học khá trong ba năm THPT, Hiền còn đoạt giải cuộc thi giải toán trên máy tính Casio cấp tỉnh, là học sinh giỏi cấp tỉnh hai môn toán và hóa học, tốt nghiệp THPT với 46,5 điểm.
“Ngày cầm giấy báo đỗ đại học mắt tôi cay xè. Tôi đã đặt bước chân đầu tiên vào hành trình ước mơ trở thành một kỹ sư xây dựng, tôi đang vượt qua số phận” - Hiền nói.
Phóng to |
Nguyễn Thị Ngọc Oanh trong ký túc xá Trường cao đẳng Sư phạm trung ương Nha Trang - Ảnh: Tiến Thành |
Học để lo cho mẹ, cho em
"Tiếp tục đi học sau này mới có cơ hội thoát nghèo, mới chăm sóc cho mẹ, cho em được" NGUYỄN THỊ NGỌC OANH |
Như Ngô Tấn Hiền, năm nay 21 tuổi, Nguyễn Thị Ngọc Oanh mới là tân sinh viên ngành giáo dục mầm non Trường cao đẳng Sư phạm trung ương Nha Trang.
Oanh là con giữa trong gia đình có ba anh em. Năm 1996, khi Oanh lên 4, cả gia đình từ tỉnh Hưng Yên chuyển vào tỉnh Khánh Hòa lập nghiệp. Mẹ Oanh mắc bệnh viêm cầu thận mãn tính, sức khỏe rất yếu, không làm được việc nặng. Nguồn sống của cả nhà chỉ trông vào công thợ xây hằng ngày của bố.
Không ngờ tháng 11-2008 bố qua đời vì bệnh ung thư gan. Trụ cột của gia đình đổ sụp, cả bốn mẹ con hoang mang tột độ. Họa vô đơn chí, cả em và em trai (SN 1998) đi xét nghiệm đều mắc virút viêm gan siêu vi B.
Năm 2009, khi Oanh vừa bước vào lớp 12 được một tháng thì người mẹ gửi lại người con trai cả đang học trung cấp y tại Khánh Hòa nhờ người em gái ở Khánh Sơn nuôi hộ, rồi dắt díu đứa con trai út đang dặt dẹo vì bệnh tật và Oanh về quê Hưng Yên nương nhờ nhà chồng. “Trong hoàn cảnh đó em không thể đến trường được nữa, mà xin làm công nhân cho một doanh nghiệp may mặc ở thị trấn Ân Thi với lương tháng 1,6 triệu đồng” - Oanh kể.
Mỗi khi thấy các nữ sinh mặc áo dài trắng đạp xe ngang qua, Oanh lại ngẩn ngơ thoáng chốc rồi quay mặt giấu vội những giọt nước mắt chực trào. Rồi điều bất ngờ cũng đến với Oanh vào tháng 8-2012: Oanh tiếp tục được đến trường học lớp 12. “Ngày làm hồ sơ gửi vào Trường THPT Lê Quý Đôn ở thị trấn Ân Thi, em như đi trên mây vì hạnh phúc. Mẹ và cô em gửi gắm rằng hai người chịu khổ để em tiếp tục đi học, sau này mới có cơ hội thoát nghèo, mới chăm sóc cho mẹ, cho em được” - Oanh thổ lộ.
Bốn năm gián đoạn chuyện sách đèn, Oanh vẫn nỗ lực để học xong chương trình THPT. Oanh chỉ nộp hồ sơ thi vào Trường cao đẳng Sư phạm trung ương Nha Trang vì muốn làm cô dạy trẻ và được miễn học phí.
Những ngày về trường nhập học, Oanh chỉ có vỏn vẹn 2 triệu đồng mà mẹ và cô tích cóp. Đóng xong các khoản chi phí đầu năm học chỉ còn 600.000 đồng để lo tiền ăn. Oanh nói ký túc xá bán cơm ngày hai buổi nhưng Oanh không ăn vì giá 15.000 đồng/đĩa, mà ra bên ngoài mua cơm giá 10.000 đồng/hộp để mỗi ngày tiết kiệm được một bữa ăn, tiếp tục nuôi sống hành trình tìm chữ của mình.
“Tiếp sức đến trường” 100 tân sinh viên Nam Trung bộ Sáng mai 14-9, chương trình “Tiếp sức đến trường” của báo Tuổi Trẻ sẽ trao học bổng cho 100 tân sinh viên học giỏi vượt khó ba tỉnh Khánh Hòa (60 suất), Phú Yên (20 suất) và Bình Định (20 suất) với tổng kinh phí 500 triệu đồng (5 triệu đồng/suất). Chương trình do báo Tuổi Trẻ phối hợp với tỉnh đoàn, sở giáo dục & đào tạo ba tỉnh Khánh Hòa-Phú Yên-Bình Định và Quỹ khuyến học khuyến tài tỉnh Khánh Hòa phối hợp tổ chức. Kinh phí trao học bổng do Quỹ khuyến học Vinacam, Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư xuất nhập khẩu tổng hợp Sài Gòn (Incomex Sài Gòn), Công ty cổ phần Nha Trang Bay, Công ty cổ phần truyền thông tiếp thị Mekong, Công ty dịch vụ quảng cáo và truyền thông Nghinh Phong, Tổng công ty Khánh Việt, Công ty Yến sào Khánh Hòa và Công ty cổ phần Chế biến lâm thủy sản Khánh Hòa tài trợ. THÁI BÌNH |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận