17/09/2013 09:32 GMT+7

Không dễ phát hiện vũ khí hóa học

SƠN HÀ
SƠN HÀ

TT - Xét nghiệm tìm dấu vết của vũ khí hóa học chưa bao giờ là một nhiệm vụ dễ dàng đối với các nhà khoa học quốc tế

N1xo6POK.jpgPhóng to
Các chuyên gia LHQ thu thập mẫu xét nghiệm vũ khí hóa học ở một địa điểm tại ngoại ô Damascus - Ảnh: Reuters

Theo trang web của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (www.opcw.org), các chuyên gia OPCW và Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã thu thập rất nhiều mẫu xét nghiệm từ các nạn nhân Syria bị tình nghi thiệt mạng do vũ khí hóa học trong vụ tấn công gần Damascus hồi tháng 8-2013.

Các mẫu xét nghiệm bao gồm đất, mô, máu, nước tiểu, tóc, mảnh quần áo... Các thanh sát viên cũng quét vỏ các mẩu đạn tại hiện trường vụ tấn công để tìm dấu vết của chất hóa học.

Tất cả mẫu xét nghiệm đều được đánh dấu, chụp ảnh và giữ trong các bao đóng kín. Sau đó, nhóm thanh sát viên gửi các mẫu xét nghiệm này tới OPCW. Tổ chức này chuyển chúng đến 18 phòng thí nghiệm tại Bỉ, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Hà Lan, Phần Lan, Nga, Singapore, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Anh và Mỹ.

Quá trình xét nghiệm bao gồm rất nhiều bước kiểm tra để đảm bảo các mẫu xét nghiệm không bị lẫn lộn và kết quả kiểm tra là hoàn toàn chính xác.

Kiểm tra đối chiếu nhiều lần

Các xét nghiệm trên đất và quần áo hiếm khi tìm thấy chất độc thần kinh sarin - loại chất hóa học được cho là dùng phổ biến của chính quyền Syria. Nguyên nhân do sarin phân hủy rất nhanh khi gặp nước, dù là hơi ẩm trong không khí hoặc mồ hôi nạn nhân.

Các chuyên gia OPCW phải tìm những sản phẩm xuất phát từ quá trình phân hủy của sarin. Bằng chứng rõ nhất là sự hiện diện của chất có tên isopropyl methylphosphonic acid (IMPA). Sarin luôn phân hủy thành hóa chất này đầu tiên và nó không thể xuất phát từ bất cứ nguồn nào khác.

Trao báo cáo về vụ tấn công vũ khí hóa học

Phát biểu tại Hội đồng Bảo an hôm qua, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon lên án việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria là một “tội ác chiến tranh” và kêu gọi có hành động nếu Syria không tuân thủ kế hoạch giao nộp vũ khí hóa học, theo tin tức đến 0g ngày 17-9 (giờ Việt Nam).

Trước đó, theo AFP, trưởng đoàn thanh sát Liên Hiệp Quốc Ake Sellstrom đã trao cho ông Ban Ki Moon báo cáo về vụ tấn công vũ khí hóa học ở Damascus hôm 21-8. Bức ảnh trao tài liệu khi phóng lớn lên có thể nhìn thấy nội dung trang đầu như sau: “Dựa trên cơ sở các bằng chứng thu thập được, kết luận là vũ khí hóa học đã được sử dụng trong cuộc xung đột ở Syria nhằm vào dân thường trên quy mô tương đối lớn”.

Ngoại trưởng Pháp Laurant Fabius nói báo cáo trên chứng minh rằng không còn nghi ngờ việc chính quyền Damascus đứng sau vụ tấn công.V.P.

OPCW cho biết xét nghiệm dương tính với IMPA là sự khẳng định rõ ràng rằng chất độc thần kinh sarin đã được sử dụng.

Tuy nhiên các cuộc kiểm tra nhằm tìm chất IMPA trong các mẫu xét nghiệm có tuổi đời trên một tuần cũng sẽ không đem lại kết quả rõ ràng, bởi bản thân chất IMPA cũng bị phân hủy thành các chất khác.

Một trong số đó là chất methylphosphonic acid (MPA). Các chất độc thần kinh khác như VX, soman hay cylcosarin cũng có thể phân hủy thành MPA.

Một xét nghiệm với mảnh quần áo của các nạn nhân diễn ra như sau: các chuyên gia nhúng mảnh vải này vào nước để chiết xuất hóa chất có thể hòa tan trong nước rồi nhúng vào một dung môi hữu cơ để chiết xuất các chất khác.

Sau đó, họ sẽ xét nghiệm hơi nước bốc lên từ mẫu vải này bằng các phương pháp khác nhau. Nếu tìm thấy dấu hiệu của chất độc thần kinh, phòng thí nghiệm phải lập tức thực hiện xét nghiệm thứ hai bằng các thiết bị khác.

Nếu xét nghiệm này cũng cho kết quả dương tính, phòng thí nghiệm phải tạo ra hóa chất mà các thiết bị đã tìm thấy để xét nghiệm lần cuối cùng.

Mỗi kết quả xét nghiệm phải được hai phòng thí nghiệm độc lập khác kiểm chứng.

Nếu các kết quả không khớp nhau, phòng thí nghiệm thứ ba sẽ thực hiện một cuộc xét nghiệm mới. Ngoài các xét nghiệm, nhóm thanh sát viên của LHQ và OPCW cũng dựa vào việc phỏng vấn nạn nhân và các báo cáo đánh giá y tế.

Tiêu hủy như thế nào?

Xét nghiệm tìm kiếm dấu vết vũ khí hóa học là nhiệm vụ khổ công nhưng tiêu hủy chúng là công việc còn tốn nhiều thời gian hơn.

Trên trang web www.cdc.gov, Trung tâm Phòng chống và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết Chính phủ Mỹ sử dụng hai phương pháp là đốt cháy và trung hòa.

Mỹ có tổng cộng chín địa điểm để chứa và tiêu hủy vũ khí hóa học. Theo CDC, đốt cháy là phương pháp mà Bộ Quốc phòng Mỹ ưu tiên sử dụng để tiêu hủy vũ khí hóa học.

Năm 1984, Hội đồng Nghiên cứu quốc gia Mỹ cũng đánh giá đốt cháy là phương pháp xử lý vũ khí hóa học an toàn và hiệu quả. Từ đó đến nay, Lầu Năm Góc đã tiêu hủy hàng ngàn tấn vũ khí hóa học bằng phương pháp này. Các chuyên gia Mỹ sử dụng thiết bị công nghệ cao để rút chất độc hóa học ra khỏi các hệ thống vũ khí, đốt chúng một cách an toàn.

Ngay cả khói bốc lên từ lò đốt cũng phải được lọc. Vỏ đạn cũng có thể chứa chất độc hóa học và cũng được xử lý trong lò đốt. CDC khẳng định đến nay các chiến dịch tiêu hủy vũ khí hóa học bằng phương pháp đốt cháy chưa hề gây ra bất kỳ vụ rò rỉ nào ảnh hưởng đến môi trường bên ngoài ở các cơ sở chứa và tiêu hủy vũ khí hóa học ở Mỹ.

Phương pháp thứ hai là trung hòa. Năm 2002, Bộ Quốc phòng Mỹ bắt đầu chọn phương pháp này để tiêu hủy vũ khí hóa học ở một số cơ sở tại các bang Maryland, Indiana, Colorado và Arkansas.

Các chuyên gia Mỹ phá hủy chất độc hóa học bằng nước nóng lên đến 374OC và hóa chất ăn mòn như NaOH. Chất thải từ quá trình này được xử lý ở các cơ sở khác. Tháng 3-2005, cơ sở Aberdeen ở Maryland đã tiêu hủy thành công kho khí độc mù tạt tại đây. Khí độc VX được xử lý thành công tại cơ sở Newport ở Indiana.

Từ năm 1997 đến nay, Mỹ đã tiêu hủy 90% kho vũ khí hóa học 31.500 tấn của nước này với chi phí lên đến hơn 35 tỉ USD. Suốt 23 năm qua, hoạt động này ở Mỹ vẫn tiếp diễn.

SƠN HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên