12/04/2020 10:22 GMT+7

Không để 'ngày dài lắm mộng'

DIỆU NGUYỄN
DIỆU NGUYỄN

TTO - Bỗng dưng cả gia đình ở cùng nhau suốt 24 giờ mỗi ngày, nhiều nhà còn mệt mỏi trong gánh nặng áo cơm nên không tránh khỏi khủng hoảng. Nhưng cũng nhiều cặp đôi mà thời gian trở thành chất keo quý giá để họ dành cho nhau.

Không để ngày dài lắm mộng - Ảnh 1.

Minh họa: ĐẶNG HỒNG QUÂN

Làm sao để cân bằng giữa thái độ đối diện những áp lực với việc xây dựng không khí ấm áp cho gia đình trong những ngày đáng nhớ này - vốn dĩ hầu hết chúng ta đều chưa từng nếm trải và cũng không thể hình dung ra?

Gia đình khủng hoảng vì "kỳ nghỉ COVID"

Tính đến hiện tại, thu nhập trong 3 tháng qua của anh Trần Văn H. (39 tuổi) đã giảm không phanh, từ 150 triệu đồng/tháng còn 6 triệu đồng/tháng, khiến anh H. luôn rơi vào tâm trạng bức bối, khó chịu. 

Vợ thông cảm vì anh đang stress, nhưng chị lại mang thai ở tháng thứ 8, người nhiều mệt mỏi, vợ chồng nảy sinh nhiều mâu thuẫn khi thời gian chạm mặt nhau tại nhà chiếm 90% trong thời gian cách ly xã hội.

"Tình trạng khủng hoảng" của gia đình anh H. ngày càng leo thang: "Mỗi lần đến bữa cơm vợ chồng lại cãi nhau. Cãi nhau chán, vợ mang con về nhà ngoại ở vài hôm, tôi mới thấy bớt căng thẳng" - anh H. than thở.

Còn chị K. - vợ anh - than phiền dù thu nhập bị mất đi hẳn 80% nhưng gia đình vẫn chưa rơi vào tình trạng khó khăn về kinh tế, vậy mà vợ mua bó hoa hồng chưng cho nhà cửa cũng bị chồng phàn nàn tiêu xài phung phí. 

"Vợ đang mang thai mà chỉ nhận được thái độ hằn học từ chồng, có khi điên tiết muốn đâm đơn ly hôn vì không thể sống với một người chồng vô tâm, ích kỷ, khó chịu mà suốt gần chục năm chung sống mình đã phớt lờ bỏ qua" - chị K. nói trong bực bội.

Với anh Nguyễn Thành Đ. (42 tuổi, kỹ sư) trong những ngày nghỉ bất đắc dĩ này, kinh tế gia đình chật vật hơn, nợ ngân hàng mỗi tháng 2 lần phải trả cho khoản mua nhà và xe nhắc đều đặn. Người giúp việc nghỉ, vợ vẫn đi làm nhưng con nghỉ học nên anh đảm nhiệm công việc trông hai con, lo cơm nước, giặt giũ hằng ngày. 

"Giờ tôi mới hiểu con phá như giặc là gì, đứa 6 tuổi vùi vào game, bắt tắt điện thoại thì chọc thằng em 4 tuổi khóc ầm, cơm nước tắm rửa đã bở hơi tai còn phải nhức đầu để phân xử, con khóc la, gào thét đủ thứ lý do..." - anh Đ. nói.

Có nhiều thời gian để thấu cảm

Tuy nhiên, với nhiều gia đình khác, đây lại là dịp vợ chồng có nhiều thời gian ở cùng nhau, cơ hội để thấu cảm cho nhau nhiều hơn, bù đắp những khoảng thời gian chỉ dành cho công việc trước đây.

Anh Nguyễn Thành Trung, bác sĩ, cho hay những ngày ở nhà nên mới cảm nhận hết nỗi vất vả của việc ở nhà nội trợ. Đôi khi ít ai nhận ra những việc đơn giản trong cuộc sống hằng ngày cũng làm mất đi bao thời gian quý báu của chúng ta. 

Anh chia sẻ: "Ví dụ một việc tưởng nhỏ là rửa chén, ước tính một ngày chúng ta sẽ mất 1 - 2 tiếng trong khi rất cần thời gian nghỉ ngơi, thư giãn. Thế là tôi quyết định mua máy rửa chén để vợ có thời gian rỗi nhiều hơn. Vài bữa nay, từ lúc có máy rửa chén, gia đình tôi đã có thêm nghỉ ngơi và làm được nhiều việc khác".

Trên các diễn đàn xã hội cũng không ít chị vợ khoe có nhiều thời gian chăm chút cho gia đình, nấu nhiều món ăn ngon yêu thích mà trước nay không có thời gian, hay có chị run run xúc động khi chồng sau nhiều ngày nghỉ đã hiểu nỗi khổ nghỉ thai sản của vợ. 

"Khi thấy chồng nói rằng "làm việc ở nhà mới mấy ngày anh mới phục sao em có thể nghỉ thai sản 6 tháng ở nhà, vừa chăm con vừa cơm nước vừa làm việc nhà và giải quyết việc cơ quan từ xa", tôi mới cảm nhận hết là giờ đây chồng đã hiểu vợ hơn" - chị Quỳnh Nga (35 tuổi, nhân viên PR) chia sẻ.

Thật sự dù có nhiều nhà thuận hòa nhưng việc "đá thúng đụng nia" của những gia đình khác, hoặc có khi êm đềm hoặc khi dậy sóng, vào thời gian này là điều dễ hiểu.

Theo chuyên gia tâm lý Trương Thị Bích Phượng, có quá nhiều sự thay đổi trong thời gian ngắn nên những mâu thuẫn phát sinh là tất yếu. Mọi người thấy ngột ngạt. Nhưng mỗi người vợ người chồng cần bình tâm một chút, nhìn lại thực tế đang biến động thế nào, gia đình cần sắp xếp ra sao. Ngay cả nỗi vất vả kinh tế hôm nay cũng trở thành bài học quý cho ngày mai và hoạch định hướng đi mới trong tương lai...

Cũng theo bà Phượng, vợ chồng cần quan tâm, chăm chút cảm xúc, tâm lý của mình - của nhau, gia đình mới dễ dàng vượt qua những khúc mắc. Có thể bắt đầu từ những việc như xem đây là thời điểm thích hợp để tìm và làm những điều chưa từng làm. Chồng trồng cây, đọc sách, coi phim, đánh cờ... Vợ nấu món mới, chăm chút sắc đẹp, nữ công gia chánh. Con cũng cần không gian riêng để chơi, để khám phá.

Kế tiếp là không gian chung, dạy con học, chỉ con chơi, hướng dẫn cho con kỹ năng. Vợ chồng cùng nhau làm việc, con cái giúp cha mẹ hoàn thành việc nhà. Cả nhà cùng nhau tập thể dục vừa tăng cường sức khỏe vừa kết nối dễ hơn.

"Chúng ta đừng để mình nhàn rỗi, cần vận động như trước, chỉ là thay đổi công việc này thành việc khác mà thôi" - bà Bích Phượng nhấn mạnh.

Nói càng ít càng tốt

Theo TS tâm lý Phạm Thị Thúy, dưới sự ức chế tâm lý của các cặp vợ chồng trong giai đoạn này về tiền bạc, công việc, con cái... các cặp vợ chồng rất dễ nảy sinh mâu thuẫn, dẫn tới bạo hành trong gia đình.

Để tránh các xung đột, cả vợ lẫn chồng càng ít nói càng tốt. Nhất là người vợ, thông thường là nạn nhân của bạo lực, phải biết kiềm chế, đừng "kích hoạt" sự bạo lực của người chồng bằng những lời nói lúc nóng nảy của mình. Một lần đánh được rất có thể tạo tiền đề để hành vi lặp lại, dù thời gian "kỳ nghỉ dịch" đã qua.

Người chồng cũng nên học cách kiểm soát cảm xúc, kiềm chế cơn nóng giận.

Cách đơn giản nhất là đặt mình vào vị trí người khác để tìm hiểu nguyên nhân gây ra những cảm xúc đó. Không nên phản ứng vội, giữ bình tĩnh, bắt đầu bằng "tôi cảm thấy...", "tôi nghĩ là..."... Kế đến là khả năng đáp lại cảm xúc của người khác. "Chúng ta cần biết chăm chú lắng nghe, đặt câu hỏi mở, kiên nhẫn đợi câu trả lời, nhờ họ giải thích chỗ chưa hiểu..." - bà Thúy chia sẻ.

Cách ly xã hội - thời gian tuyệt vời dành cho gia đình Cách ly xã hội - thời gian tuyệt vời dành cho gia đình

TTO - "Thời gian này, tôi thấy mình may mắn khi có cơ hội ở bên gia đình và thời gian để thử nghiệm nhiều cái mới" - bạn đọc nước ngoài đã chia sẻ câu chuyện của gia đình anh trong những ngày cách ly xã hội.

DIỆU NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên