02/11/2020 11:30 GMT+7

Không để lọt người cơ hội, xu nịnh vào Quốc hội

LÊ KIÊN thực hiện
LÊ KIÊN thực hiện

TTO - Phó trưởng Ban Tổ chức trung ương, Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy trả lời phóng viên Tuổi Trẻ về những vấn đề đặt ra cho công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Không để lọt người cơ hội, xu nịnh vào Quốc hội - Ảnh 1.

Trong nhiệm kỳ vừa qua, một số ĐBQH đã bị cho thôi nhiệm vụ, bãi nhiệm tư cách đại biểu vì nhiều lý do. Ngày 3-11, Quốc hội sẽ bỏ phiếu kín quyết định bãi nhiệm ĐBQH đối với ông Phạm Phú Quốc - Ảnh: TL

"Công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử lần này đã được tiến hành rất sớm. Từ tháng 6, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành chỉ thị số 45 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử. Quốc hội đã thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia và tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ quyết định ngày bầu cử toàn quốc" - ông Túy nói.

Ông Túy cũng dẫn lại những lưu ý quan trọng trong chỉ thị 45: "Kiên quyết không giới thiệu ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người sa sút về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, xu nịnh, kiêu ngạo, quan liêu, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước".

Có ít nhất 200 đại biểu chuyên trách

* Vậy cuộc bầu cử lần này có những điểm mới gì đáng lưu ý so với các cuộc bầu cử trước đây, thưa ông?

- Cuộc bầu cử lần này diễn ra trong bối cảnh rất đặc biệt. Đất nước ta đạt được nhiều thành quả to lớn sau 35 năm đổi mới, nhưng cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến kinh tế - xã hội. Các quy định mới vừa được Quốc hội sửa đổi, bổ sung tại Luật tổ chức Quốc hội (năm 2020) và Luật tổ chức chính quyền địa phương (năm 2019) sẽ tạo nên những điểm mới đáng chú ý trong công tác bầu cử.

Số lượng ĐBQH được giữ nguyên là 500, nhưng tỉ lệ ĐBQH chuyên trách được luật quy định tối thiểu 40% (tăng 5% so với trước), tức là Quốc hội sẽ có ít nhất 200 đại biểu chuyên trách. Luật cũng đã quy định rõ ĐBQH có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam. Các quy định này sẽ tác động đến công tác chuẩn bị bầu cử, từ khâu quy hoạch, lựa chọn nhân sự, giới thiệu người ứng cử.

Chúng ta đổi mới hoạt động, phương pháp làm việc của Quốc hội, chuyển từ nghị trường tham luận sang thảo luận, tranh luận, vì vậy cần những ĐBQH có đủ thời gian, tâm huyết, có kỹ năng. Tỉ lệ ĐBQH chuyên trách tăng lên thì tỉ lệ ĐBQH ở các cơ quan hành chính sẽ giảm xuống.

Đối với đại biểu HĐND, luật đã quy định theo hướng giảm từ 5-10% số đại biểu so với hiện nay. Do đó, trong công tác chuẩn bị nhân sự phải đảm bảo yêu cầu lấy chất lượng bù số lượng, phải chọn được những ứng cử viên ưu tú, nhiệt huyết nhất để đảm bảo quyền đại diện của cử tri không bị ảnh hưởng, trong đó cần chú trọng đến chất lượng đại biểu HĐND chuyên trách.

Vừa qua, Quốc hội đã ban hành các nghị quyết cho phép TP Hà Nội, TP Đà Nẵng thí điểm mô hình chính quyền đô thị. Kỳ họp này, Quốc hội cũng xem xét thông qua nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM. Các địa phương này cần lưu ý là khi thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử phải đảm bảo quyền lợi của cử tri ở những phường không tổ chức HĐND. 

Việc lựa chọn các ứng cử viên để bầu đại biểu HĐND cấp quận, cấp TP cần chú ý đến điều kiện, trách nhiệm phải bám sát cơ sở, thực sự đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền lợi của cử tri.

Có thể khẳng định rằng chất lượng đại biểu là nòng cốt và quyết định đến chất lượng hoạt động của cơ quan dân cử.

Ông Trần Văn Túy

Không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn người ứng cử

* Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị đã nêu rõ phải "lấy tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu làm trọng tâm, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn". Vậy vấn đề "cơ cấu" và "chất lượng" đại biểu dân cử nhiệm kỳ tới cần được lưu ý như thế nào?

- Đây cũng chính là điều được Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lưu ý. Với bản chất là cơ quan đại diện nên phải giải quyết hài hòa giữa cơ cấu và chất lượng người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND, đảm bảo cho hình ảnh đại diện của các dân tộc, giai tầng xã hội, các tôn giáo… là hình ảnh Việt Nam trong Quốc hội và hình ảnh mỗi địa phương trong HĐND địa phương đó. 

Vì vậy, ngay từ khâu lựa chọn, các bước hiệp thương phải chú trọng đến vấn đề này. Trong trường hợp phải lựa chọn thì không thể vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn, chất lượng.

Việc xây dựng cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thường trực HĐND các cấp. Tuy nhiên, lựa chọn con người cụ thể là việc của cộng đồng, của xã hội. 

Do đó, cần sự tham gia rộng rãi, ý thức trách nhiệm đến hành động thực tế của cả hệ thống chính trị trong việc phát hiện, giới thiệu, hiệp thương nhân sự cụ thể. Quyền quyết định cuối cùng thuộc về cử tri thông qua mỗi lá phiếu bầu cử.

* Trong nhiệm kỳ vừa qua, một số ĐBQH đã bị cho thôi nhiệm vụ, bãi nhiệm tư cách đại biểu vì các lý do khác nhau, đặc biệt là do bị kỷ luật. Xin ông đánh giá tình trạng này, qua đây rút ra bài học kinh nghiệm gì cho công tác hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu người ứng cử ĐBQH, xứng đáng với niềm tin của cử tri?

- Có thể nói đó là điều đáng tiếc xảy ra trong hoạt động của Quốc hội, ít nhiều cũng ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động chung của Quốc hội, đến niềm tin của cử tri, nhân dân với hình ảnh đại biểu dân cử. Nhưng mặt khác, chúng ta cũng thấy được sự kiên quyết, trách nhiệm của các cấp có thẩm quyền trong việc xử lý đối với một số đại biểu có vi phạm, sai phạm, không còn uy tín với cử tri và nhân dân.

Xét về nguyên nhân, chủ quan là do cá nhân đại biểu đó thiếu sự tu dưỡng đạo đức, thiếu bản lĩnh chính trị, không trung thực trong việc kê khai hồ sơ, còn khách quan là do cơ chế giám sát có lúc chưa chặt chẽ, chưa kịp thời thẩm tra, rà soát trong công tác cán bộ. Một con người có thể hôm qua họ tốt, có thành tích, được cử tri tín nhiệm nhưng quá trình công tác không giữ mình, phạm sai lầm khuyết điểm thì phải xử lý.

Bài học để lại là ngay từ quá trình hiệp thương giới thiệu người ứng cử phải tìm hiểu, thẩm tra, sàng lọc thật kỹ cả quá trình công tác, quan hệ thân nhân của người ứng cử. Tăng cường vai trò giám sát của nhân dân, trong đó chú trọng hiệu quả giám sát của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên để nhân dân thực hiện quyền làm chủ quyền lực nhà nước thông qua giám sát hoạt động của đại biểu dân cử. 

Đồng thời phải hoàn thiện cơ chế đánh giá hoạt động của ĐBQH, đại biểu HĐND để kịp thời phát hiện các dấu hiệu vi phạm ảnh hưởng đến uy tín và việc thực hiện nhiệm vụ của họ.

Đối với cá nhân người đại biểu, họ phải ý thức được trách nhiệm cao cả của mình trước cử tri, trước nhân dân, thường xuyên trau dồi kiến thức, tu dưỡng đạo đức, là tấm gương tuân thủ pháp luật, về lối sống, tận tụy phục vụ cử tri, đất nước. 

Tôi xin trích lại lời Hồ Chủ tịch đã nói: "Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân".

Theo dự kiến được Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, ngày bầu cử toàn quốc là ngày 23-5-2021.

Tiến hành thủ tục bãi nhiệm tư cách đại biểu của ông Phạm Phú Quốc

Ngay ngày đầu của đợt họp tập trung, hôm nay (2-11), Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bãi nhiệm tư cách ĐBQH đối với ông Phạm Phú Quốc. Các đoàn ĐBQH sẽ thảo luận về việc này, sau đó ông Phạm Phú Quốc được quyền phát biểu ý kiến, trước khi Quốc hội bỏ phiếu kín quyết định việc bãi nhiệm vào ngày mai (3-11).

Sẽ trình Quốc hội bãi nhiệm tư cách đại biểu với ông Phạm Phú Quốc Sẽ trình Quốc hội bãi nhiệm tư cách đại biểu với ông Phạm Phú Quốc

TTO - Theo quy định tại khoản 2 điều 7 Hiến pháp, "đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân bị cử tri hoặc Quốc hội, hội đồng nhân dân bãi nhiệm khi không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân".

LÊ KIÊN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên