Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Trần Lưu Quang trả lời cử tri - Ảnh: TRUNG NIÊN
Ngày 1-10, tổ đại biểu Quốc hội TP.HCM - đơn vị số 1 đã có buổi tiếp xúc cử tri của ba quận 1, 3, 4.
Cử tri Đặng Quốc Hùng (quận 1) lo lắng khi trẻ lớp 1 mới 6 tuổi mà đã phải học đến 20 quyển sách. Bộ GD-ĐT đã trả lời trên báo là không ép buộc, mà do các trường, giáo viên chủ động. “Bộ GD-ĐT nói vậy nhưng thực hư thế nào, đề nghị các vị đại biểu Quốc hội hãy trực tiếp tìm hiểu để đánh giá chính xác mức độ “tăng tải” của chương trình học mà các cháu đang chịu”, ông Hùng đề nghị.
Đề cập đến đề xuất cho học sinh dùng điện thoại trong trường học, cử tri Hoàng Ngọc Hải (quận 1) băn khoăn: “Mỗi gia đình có 2 đứa con, giám sát chúng sử dụng điện thoại thế nào đã khó, huống chi một giáo viên phải quản mấy chục học sinh, sao cho xuể”, ông Hải nói.
Cũng theo ông Hải, cho xài điện thoại trong lớp học dễ dẫn tới tình trạng học sinh học thì ít mà chơi game thì nhiều, chưa kể quay phim, chụp hình, rất phức tạp, khó quản lý. Do vậy, ông Hải đề nghị trước mắt chưa nên đưa thiết bị này vào môi trường học đường.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt (cử tri quận 4) cũng lo lắng khi học sinh xài điện thoại trong trường. Hiện nay đang có dấu hiệu xuất hiện một lớp người trẻ chỉ biết cắm đầu vào điện thoại bất kể khi đang ở đâu, làm gì. Ngoài ra, môi trường mạng có quá nhiều thông tin không hay, khó kiểm soát.
Theo bà Nguyệt, môi trường học đường cần phải trong lành, để học sinh tiếp thu kiến thức và điều hay, lẽ phải từ thầy cô.
Đại biểu Quốc hội Lâm Đình Thắng tại buổi tiếp xúc - Ảnh: TRUNG NIÊN
Trả lời cử tri, đại biểu Lâm Đình Thắng cho biết các ý kiến cử tri về chuyện “tăng tải”, tăng sách, chương trình học nặng nề... sẽ là cơ sở thực tiễn để đại biểu phát biểu trong kỳ họp Quốc hội. “Dự kiến chúng tôi sẽ chất vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về nội dung này”, ông Thắng nói.
Bàn về việc lập TP Thủ Đức, cử tri Nguyễn Hữu Châu (quận 3) cho rằng đây là việc quan trọng, mang tầm ảnh hưởng sâu rộng, cần có sự chuẩn bị chu đáo. Do vậy, ông Châu đề xuất nên đợi sau khi xong đại hội Đảng các cấp hãy bắt tay thực hiện.
Giải tỏa sự băn khoăn của cử tri, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Trần Lưu Quang cho biết TP đã có thời gian chuẩn bị khá lâu cho đại hội Đảng các cấp. Song song với quá trình lập TP Thủ Đức, thành phố vẫn sẽ tiếp tục xử lý công việc đang tồn đọng tại 3 quận 2, 9, Thủ Đức.
Lý giải tại sao phải lập TP Thủ Đức, ông Quang cho biết do là trung tâm đầu tàu của cả nước, TP.HCM có trách nhiệm đi đầu trong việc phát triển theo xu thế phát triển của thế giới.
“TP Thủ Đức sẽ là vùng đất có mô hình phát triển mới, nơi đó tích hợp nhiều lĩnh vực đang là thế mạnh của TP như giáo dục đào tạo, logistic”, ông Quang thông tin. Các ngành nghề sẽ có sự kết nối tương tác nhau rất cao, như đào tạo sẽ gắn với nghiên cứu, sản xuất gắn với logistic để bán hàng ra thế giới và mua về nguyên liệu sản xuất...
Cũng theo ông Trần Lưu Quang, đến khoảng tháng 5-2021 sẽ tổ chức bầu Quốc hội khóa mới. Do tính chất cấp bách, hiện TP.HCM đang tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của các bộ ngành trung ương và các ủy ban của Quốc hội, không chờ xong đại hội Đảng mới làm vì sẽ không kịp tiến độ.
Áp dụng công nghệ 4.0 vào Đại hội Đảng TP.HCM
Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM cho biết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM có phiên trù bị vào ngày 14-10 và kết thúc vào ngày 18-10.
TP.HCM sẽ tổ chức một đại hội mẫu mực, có áp dụng công nghệ 4.0. Có đến số 2/3 tài liệu sẽ gửi bản mềm cho đại biểu. Khâu kiểm phiếu sẽ làm bằng máy. Ngoài ra, một số thông tin khác sẽ được cung cấp kịp thời cho đại biểu tại các kiot thông tin kết nối trong suốt thời gian diễn ra đại hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận