07/11/2018 10:07 GMT+7

Không đặc xá với tội phản quốc, gián điệp, bạo loạn…

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Dự thảo Luật đặc xá sửa đổi quy định không đề nghị đặc xá với người bị kết án các tội như phản bội Tổ quốc, gián điệp, bạo loạn, khủng bố, phá hoại hòa bình, tội phạm chiến tranh…

Không đặc xá với tội phản quốc, gián điệp, bạo loạn… - Ảnh 1.

Hội trường Quốc hội - Ảnh: Quochoi.vn

Thảo luận dự án Luật đặc xá sửa đổi sáng nay 7-11, các đại biểu Quốc hội tập trung phân tích các nội dung như điều kiện đặc xá, đặc xá đối với người nước ngoài…

Bổ sung các tội danh không được đặc xá

Một số ý kiến cho rằng không nên đề nghị đặc xá đối với người "trước đó đã được đặc xá" hoặc "có từ hai tiền án trở lên". Vấn đề này Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình: Luật đặc xá hiện hành quy định không đề nghị đặc xá đối với 2 trường hợp này, được cho là phù hợp, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật và qua thực tiễn thi hành không phát sinh vướng mắc, khó khăn.

Do đó, điều 12 dự thảo luật giữ lại 2 trường hợp không đề nghị đặc xá nêu trên.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các điều kiện đặc xá là nhằm tạo động lực cho người chấp hành án phấn đấu cải tạo, đồng thời bảo đảm đồng bộ với các luật về tư pháp mới được Quốc hội ban hành.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung rà soát và bổ sung các tội không đề nghị đặc xá, chủ yếu thuộc chương về các tội xâm phạm an ninh quốc gia và chương về các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh.

Cụ thể, dự thảo Luật đặc xá sửa đổi quy định không đề nghị đặc xá với người bị kết án về một trong các tội: phản bội Tổ quốc, hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, gián điệp, xâm phạm an ninh lãnh thổ, bạo loạn và khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân, phá hoại hòa bình chống loài người và tội phạm chiến tranh, và khủng bố.

Nộp xong án phí, tiền phạt mới xem xét đặc xá

Trong nội dung quy định các điều kiện để được đề nghị đặc xá có quy định về chấp hành án phí, các khoản tiền phạt. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết nhiều ý kiến đại biểu đề nghị phải thi hành xong tiền phạt và án phí mới được xét đặc xá. Đồng thời đề nghị không quy định Chủ tịch nước xem xét miễn chấp hành hình phạt tiền, án phí.

Một số ý kiến khác đề nghị giữ như quy định hiện hành, nghĩa là chỉ bắt buộc thực hiện điều kiện này đối với người phạm tội tham nhũng và một số tội phạm khác do Chủ tịch nước quyết định.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ ra so với Luật đặc xá hiện hành, dự thảo sửa đổi quy định điều kiện "chấp hành xong hình phạt bổ sung là phạt tiền và án phí" là bắt buộc để được xem xét đặc xá đối với mọi loại tội phạm.

Quy định này một mặt tiếp tục kế thừa luật hiện hành, mặt khác tăng cường trách nhiệm, sự tự giác của người bị kết án phải chấp hành nghiêm nghĩa vụ thi hành các khoản tiền phạt và án phí đã tuyên trong bản án, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định.

Tuy nhiên, quy định này lại chưa bao quát hết các trường hợp được tòa án có thẩm quyền miễn chấp hành hình phạt tiền, miễn nộp án phí theo quy định của Bộ luật hình sự và Luật thi hành án dân sự.

Vì vậy, tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu và để bảo đảm đồng bộ với các quy định khác của hệ thống pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chỉnh lý dự thảo theo hướng: "Đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, đã nộp án phí hoặc có quyết định của tòa án có thẩm quyền miễn chấp hành hình phạt tiền, miễn nộp án phí".

'Phạm tội lần đầu' không còn là điều kiện hưởng đặc xá

TTO - Theo các quy định hiện hành, một trong những điều kiện để được tha tù trước thời hạn là "phạm tội lần đầu". Dự thảo Luật Đặc xá sửa đổi không quy định điều kiện này nữa.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên