>> Giao lưu trực tuyến xét tuyển ĐH, CĐ: Nộp vào trường nào, ngành nào?
Thế nhưng hỡi ơi, vào thời điểm Bộ GD-ĐT chính thức công bố điểm thi, các địa chỉ của bộ đều không thể truy cập (báo là máy chủ không thể vào).
Còn các trang tra cứu điểm thi của các báo điện tử hoặc bị tê liệt hoặc cho nhập thông tin cá nhân nhưng không thể truy vấn.
Ban đầu, các trang tra cứu của các báo điện tử xuất hiện dòng thông báo rằng “Bộ GD-ĐT đang cập nhật dữ liệu...” và “Đề nghị các thí sinh và nhân dân tiếp tục theo dõi”. Sau đó, mỗi lần nhấn nút tra cứu, thông báo “đang tra cứu...” lại xuất hiện.
Cho tới nhiều giờ sau, tình hình vẫn không khá hơn, mặc cho hàng triệu thí sinh và phụ huynh như ngồi trên lửa.
Không cần phải đợi tới giờ G để được chứng thực, ngay sau khi nghe bộ thông báo cách công bố điểm tập trung về một mối Bộ GD-ĐT, những người am hiểu tình hình đã dự báo sẽ xảy ra tình trạng vỡ mạng. Với khoảng 1 triệu thí sinh kèm thêm phụ huynh, người thân, bạn bè đều hăm hở “xung trận” ngay thời khắc đầu tiên thì chẳng có hệ thống mạng nào có thể chịu nổi.
Thực tế là ngay trong ngày 21-7, tức một ngày sau khi có tin là tất cả điểm thi đã được các cụm chuyển về cho bộ, hai địa chỉ trang web của Bộ GD-ĐT là http://thi.moet.gov.vn và http://moet.gov.vn đều bị tê liệt vì quá tải! Kể cả trang web của tám trường ĐH khác tình trạng cũng tương tự, may mắn thì chập chờn lúc vào được lúc không.
Tại sao Bộ GD-ĐT lại muốn “ôm rơm nặng bụng” như vậy? Tại sao bộ không phân quyền cho các cụm thi tự công bố kết quả điểm thi cho thí sinh trên website của mình để tránh tình trạng quá tải và nghẽn mạng?
Những câu hỏi ấy đã khiến cho dư luận không khỏi thắc mắc, thậm chí cảm thấy khó hiểu.
Có lẽ bộ chỉ nên tập trung điểm thi về để kiểm tra sai sót và quản lý, rồi sau đó trả về cho các cụm thi công bố kết quả của cụm mình trên trang web của trường ĐH hay sở GD-ĐT. Các trang web của bộ lúc đó chỉ làm nhiệm vụ kiểm chứng.
Ngay cả việc các báo điện tử cùng tham gia giúp thí sinh tra cứu như năm nay thực tế cũng không giúp phân tán số người tra cứu.
Bởi lẽ sau khi nhận được yêu cầu tra cứu, các trang báo này cũng phải kết nối với trang của bộ để lấy kết quả chứ không phải được bộ cung cấp dữ liệu.
Ngoài ra, trong thời công nghệ số cũng cần khai thác thế mạnh của các mạng di động. Bộ chỉ liên kết và cung cấp dữ liệu cho tất cả nhà mạng chứ không nên với các đầu số.
Các nhà mạng là dân kinh doanh, họ cung cấp dịch vụ thì phải có phí, nhưng cần thỏa thuận mức phí vừa phải, không thể để họ lợi dụng cơ hội này “chém đẹp” thí sinh.
Có lẽ sẽ hạnh phúc cho khách hàng của các nhà mạng biết bao, nếu như nhà mạng coi đây là một hoạt động tri ân đối với các thuê bao của mình để không thu lợi nhuận từ dịch vụ tra cứu điểm thi này.
Mời bạn xem thêm: Giao lưu trực tuyến xét tuyển ĐH, CĐ: Nộp vào trường nào, ngành nào?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận