06/03/2013 15:23 GMT+7

Khoảng trống ở Mỹ Latin sau khi ông Chavez ra đi

HẢI MINH
HẢI MINH

TTO - Việc Tổng thống Venezuela Hugo Chavez qua đời ngày 5-3 để lại khoảng trống lớn trong phong trào cánh tả ở Mỹ Latin.

Sự kiện này cũng nêu ra những câu hỏi về việc các khoản tài trợ rộng rãi bằng tiền dầu mỏ mà ông vẫn phân phát ở vùng này có còn được tiếp tục?

Venezuela kêu gọi đoàn kết sau khi ông Hugo Chavez ra điHugo Chavez: người mang hy vọng hay kẻ chuyên quyền?Tổng thống Venezuela Hugo Chavez đã qua đời

Zm5ndsjd.jpgPhóng to

Từ trái sang: các nhà lãnh đạo cánh tả của Mỹ Latin, cố tổng thống Venezuela Hugo Chavez, Tổng thống Ecuador Rafael Correa và Tổng thống Bolivia Evo Morales - Ảnh: chinasouthamerica.com

Ảnh hưởng của ông Chavez

Những đồng minh của ông Chavez như Tổng thống Bolivia Evo Morales thề sẽ tiếp tục giấc mơ của ông Chavez về một cộng đồng xã hội chủ nghĩa “Bolivaria” ở tây bán cầu. Đối với Cuba, nước nhận nhiều viện trợ và cả dầu mỏ trực tiếp từ Venezuela, thì những lo lắng là không nhỏ khi có tin ông Chavez qua đời.

Ông Chavez để lại một di sản nhiều tranh cãi với các vấn đề kinh tế và chính trị phức tạp ở quê nhà, nhưng với nhiều nước Mỹ Latin và Caribê, ông là một người hùng thật sự, một tiếng nói khác đầy cảm hứng vượt ra ngoài hơn một thế kỷ ảnh hưởng của Mỹ bao trùm vùng này.

Ảnh hưởng của nhà lãnh đạo 58 tuổi ở vùng này, từ những hòn đảo nhỏ ở vùng Caribê tới Nicaragua nghèo khó ở Trung Mỹ và những nền kinh tế mới nổi lớn hơn như Ecuador và Bolivia, thậm chí là những cường quốc Nam Mỹ Brazil và Argentina, là rất lớn.

Không có sự hiện diện về mặt tư tưởng của Chavez, ảnh hưởng của Venezuela trong vùng sẽ giảm bớt. Ông Chavez để lại một di sản nhiều tranh cãi với các vấn đề kinh tế và chính trị phức tạp ở quê nhà, nhưng với nhiều nước Mỹ Latin và Caribê, ông là một người hùng thật sự, một tiếng nói khác đầy cảm hứng vượt ra ngoài hơn một thế kỷ ảnh hưởng của Mỹ bao trùm vùng này.

“Ông ấy dùng tiền dầu mỏ để xây dựng quan hệ tốt với mọi người” - Javier Corrales, một nhà phân tích chính trị Mỹ và chuyên gia về Venezuela tại Đại học Amherst, nhận định. Sự giàu có nhờ dầu mỏ của Venezuela khiến nước này là một nhà nhập khẩu hàng hóa lớn trong vùng. “Nhập khẩu lớn khiến Venezuela trở thành một đối tác thương mại quan trọng. Đó là lý do họ có quan hệ tốt với các nước”, Corrales nói.

Từ năm 2008 tới quý 1-2012, Venezuela đã cung cấp 2,4 tỉ USD viện trợ tài chính cho Nicaragua, theo Ngân hàng Trung ương Nicaragua, một con số choáng ngợp với nền kinh tế Nicaragua, có GDP chỉ 7,3 tỉ USD trong năm 2011.

Trong sáng kiến Petrocaribe, Venezuela còn cung cấp dầu mỏ và nhiều lợi ích vật chất cho 17 nước. Caracas cũng có các dự án sản xuất và lọc dầu ở các nước như Ecuador và Bolivia. Ông Chavez góp sức viện trợ giúp Argentina thoát khỏi khủng hoảng kinh tế nhờ mua hàng tỉ USD trái phiếu chính phủ của nước này.

"Ông ấy đã chìa tay ra với chúng tôi..."

“Khi cuộc khủng hoảng năm 2001 đe dọa 150 năm xây dựng nền tảng chính trị ở Argentina, ông ấy là một trong số ít người đã chìa tay ra với chúng tôi”, Anibal Fernandez, một cựu chánh Văn phòng Chính phủ Argentina, nói trên Twitter.

Cuba nhận hai phần ba lượng dầu sử dụng từ Venezuela đổi lấy việc phục vụ của 44.000 chuyên gia, hầu hết trong lĩnh vực y tế. Điều đó kết hợp với đầu tư rộng rãi từ Venezuela giúp Cuba thoát khỏi tình hình kinh tế khó khăn sau khi Liên Xô tan rã năm 1991.

Ông Chavez là bạn thân và đồng minh chính trị của nhà cựu lãnh đạo Cuba Fidel Castro. Họ chia sẻ ý tưởng về một châu Mỹ Latin của những người cánh tả và có kẻ thù chung về mặt ý thức hệ: Mỹ. Ngoài dự án Petrocaribe, ông Chavez đã thúc đẩy thành lập khối cánh tả ALBA hay Liên minh các dân tộc châu Mỹ Bolivaria, và CELAC hay Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latin và Caribê. Cả hai đều nỗ lực tăng cường sự hội nhập vùng và giảm bớt ảnh hưởng của Mỹ ở tây bán cầu.

“Chavez là một nhà lãnh đạo tầm khu vực với ALBA và CELAC, nhưng ALBA đã hoạt động yếu dần theo sức khỏe của ông” - Frank Mora, phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng về các vấn đề tây bán cầu trong chính phủ nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Mỹ Barack Obama, bình luận - Khó tin là những người như (tổng thống Ecuador) Rafael Correa hay (chủ tịch Cuba) Raul Castro có thể đảm nhận những gì mà Chavez để lại”.

Tuy nhiên, chính sách rộng rãi với nước ngoài của ông Chavez cũng để lại những hệ quả. Năm 2010, công ty dầu khí nhà nước Venezuela PDVSA không được trả tiền cho 43% các sản phẩm dầu thô và dầu qua chế biến của họ. Đồng tiền Venezuela cũng đã bị phá giá năm lần trong một thập kỷ qua.

HẢI MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên