Ý kiến về phụ nữ được nhà văn đưa ra trong buổi giao lưu chủ đề Để yêu thương cất lời diễn ra vào sáng 4-3 tại đường sách TP.HCM. Buổi trò chuyện có sự tham dự của bốn diễn giả - tác giả nữ: Phạm Thị Ngọc Liên, Hoàng My, Cao Bảo Vy và Hồ Yên Thục.
Nữ quyền là làm những gì mình muốn
Trong buổi trò chuyện, bên cạnh những chia sẻ về tác phẩm, bốn tác giả nữ đã cùng bạn đọc thảo luận về những vấn đề xung quanh người phụ nữ.
Có mặt dưới tư cách độc giả, tiến sĩ Hà Thanh Vân cho rằng có nhiều người Việt đang hiểu sai cụm từ nữ quyền:
"Mọi người đặt vấn đề đàn ông phụ nữ phải làm việc như nhau, nhưng tôi cho rằng bình đẳng giới ngày nay phải được định nghĩa theo một khía cạnh hiện đại hơn. Hãy để phụ nữ phát huy mọi khả năng theo mong muốn của họ, chứ không phải phụ nữ phải cố gắng bằng đàn ông.
Ở Việt Nam hiện nay có rất nhiều người nói về nữ quyền, nhưng họ không đọc qua lý thuyết về nữ quyền. Họ không hiểu nữ quyền đang trải qua rất nhiều giai đoạn, nhiều thời kỳ lịch sử”.
Về vấn đề này, nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên diễn giải ngắn gọn: "Theo tôi, nữ quyền có nghĩa là mình có quyền làm những gì mình muốn, kể cả những công việc của nam giới, hoặc công việc của nữ giới nếu thích thì tôi làm, không thích tôi có quyền không làm".
Bên cạnh đó, nhà thơ cũng cho rằng người phụ nữ đẹp nhất khi họ là phụ nữ. Bà không tự hào về việc là nhà văn, nhà thơ nổi tiếng, mà tự hào vì là một người phụ nữ, một người mẹ được các con yêu quý, một người bà được các cháu tin cậy.
"Trước khi tôi là nhà văn, tôi là phụ nữ. Vì thế nếu hỏi tôi muốn lựa chọn giữa sự nổi tiếng hay là làm người phụ nữ của gia đình, chắc chắn tôi sẽ chọn làm người phụ nữ của gia đình. Bởi vì làm người phụ nữ của gia đình thì tôi có tất cả, nhưng nếu là người phụ nữ cầm bút tôi mất rất nhiều, nhiều khi tôi thiếu sót vai trò với con cái và gia đình.
Nhưng mặt khác, cái mà tôi được khi cầm bút là được cất lên tiếng nói của rất nhiều người phụ nữ khác mà họ không thể viết giống như mình" - bà Liên chia sẻ.
Khi đã cầm bút, không phân biệt nam nữ
Tại buổi trò chuyện, bốn tác giả giới thiệu đến độc giả bốn quyển sách với phong cách viết và bối cảnh khác nhau, nhưng tựu trung đều mang theo dáng dấp của những người phụ nữ trên từng cột mốc cuộc đời.
Đó là người phụ nữ trong công việc, người phụ nữ trong gia đình, trong mối quan hệ với cha mẹ, người yêu, và con cái.
Nhận xét về những ngòi bút nữ, nhà thơ Lê Minh Quốc nhắc lại lời của nhà thơ Hàn Mặc Tử nói rằng: "Làm thơ viết văn đó là một sự phi thường". Và theo ông, phụ nữ viết văn phi thường hơn ở chỗ họ phải vượt qua rất nhiều định kiến, vượt qua rất nhiều công việc hằng ngày, vượt qua chính họ, tất cả mọi thứ để có thể trình bày mình trên trang giấy.
Nói về điều này, nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên nhận định: "Theo tôi, khi đã cầm bút thì không phân biệt nam nữ bởi vì phụ nữ cầm bút họ có thể viết về nhiều vấn đề, từ chính trị, xã hội cho đến kinh tế, hôn nhân, gia đình. Và những đóng góp của họ cho nền văn học không khác gì nam giới.
Khi phụ nữ viết, đừng mong họ sẽ yếu mềm đi. Về bản chất tôi chỉ đơn giản là một người cầm bút. Tôi viết về một sự kiện hay chủ đề nào đó sẽ viết làm sao để đưa đến bạn đọc một thông điệp chính xác nhất".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận