"Xin dành một niệm lành cho những người chúng tôi có cơ hội chăm sóc, nhưng đã không thể giữ lấy sinh mệnh trong đại dịch COVID-19, và cho những ai may mắn có đủ phước báu và nhân duyên để hôm nay còn hiện hữu nơi đây", sư cô Nhuận Bình nghẹn ngào nói trong buổi ra mắt sách diễn ra tại đường sách Nguyễn Văn Bình chiều 26-2.
Mỗi ký ức, một bài học
Một kiếp nhân sinh là tựa sách chứa đựng tất cả những trăn trở, suy tư và ký ức của sư cô Nhuận Bình trong 90 ngày tham gia tuyến đầu chống dịch.
Ngày ký đơn tình nguyện ra "tiền tuyến", sư cô nói mình đủ tỉnh táo và trưởng thành để biết rằng đã có rất nhiều người nằm xuống ở phương Tây vì dịch bệnh, trong khi bản thân chưa chích mũi vắc xin nào.
Đêm cuối trước khi rời chùa đến Bệnh viện dã chiến số 12 (TP Thủ Đức), sư cô Nhuận Bình mất ngủ. Cô chỉ có cách ra bàn Phật, lạy Phật, ngồi thiền, rồi lại đi kinh hành.
"Tôi không cần ai tôn vinh mình. Tôi chỉ mong có thể được trở về bình an, để cha mẹ yên lòng", sư cô chia sẻ.
"Chăn tâm như chăn trâu", đó là câu nói mà dù ở hoàn cảnh nào, sư cô vẫn dặn mình.
Tâm con người ta luôn "động", vẫn hay chạy theo những suy nghĩ tiếp nối nhau như những cơn sóng. Bởi vậy, việc chiến thắng được cái "tâm" của mình, vẫn luôn là điều khó hơn bất cứ thứ gì.
"Tôi hiểu rằng đó là lúc tôi cần chánh niệm, cần bình tĩnh nhất. Để tôi có thể hiên ngang bước vào trận chiến và trở về", sư cô Nhuận Bình trải lòng.
Mỗi hình ảnh, nhân vật, câu chuyện trong sách, không chỉ là một ký ức. Đó là bài học cho chính sư cô và cho bất kỳ ai ở lại. Nhiều bệnh nhân may mắn thoát khỏi cửa tử, nhưng trở về đơn độc, không còn người thân bên cạnh.
Bệnh viện là nơi lằn ranh giữa cái chết và sự sống gần như bị xóa nhòa. Đó là lúc ý nghĩa của hai chữ "vô thường" càng trở nên đậm nét hơn bao giờ hết.
"Có ngày, chúng tôi nghe tiếng bác sĩ ở bệnh viện la thất thanh khi bệnh nhân mới đêm trước đã không qua khỏi dù mình đã nỗ lực cứu chữa", sư cô Nhuận Bình nghẹn ngào kể và bật khóc khi nhắc đến các bệnh nhân, những người mà cô xem như "người thân".
Chăm bẵm, thay tã, thay quần áo, chăm sóc đời sống tinh thần và giúp họ kết nối với gia đình...
Phía sau cánh cửa phòng bệnh, mạng sống mỗi con người chỉ còn là những ánh chớp lập lòe, vì thế tình thương khiến họ xem nhau như người thân, nơi nương tựa khi bên mình không còn ai.
Hạt mầm đã nảy
Khi trận chiến cam go chống dịch COVID-19 qua đi, là lúc những người còn lại ngẫm nghĩ. Nghĩ về một kiếp nhân sinh, về những hạt mầm, dù nhỏ bé, đã nảy lên từ trong dông bão.
Bìa sách Nơi khát vọng nảy mầm với bìa trước là bảo tháp trên quê hương Đức Phật, và bìa sau là hình ảnh sư cô Nhuận Bình cùng bác sĩ Lưu Ngọc Đông, phó giám đốc Bệnh viện dã chiến số 12, như lời nhắn nhủ, mong muốn khép lại những ngày tháng đau thương của người dân thành phố, và mở ra hành trình mới bình yên cho mọi người.
"Đó cũng là hình ảnh nhắc nhở tôi đã từng trải qua những ngày tháng thập tử nhất sinh, bình an từ tuyến đầu trở về, phải lấy đó làm động lực để tiếp tục sống và cống hiến cho đến khi không còn nhân duyên trên cõi đời này nữa", sư cô trải lòng.
Nhập viện điều trị COVID-19 cùng chồng, chị Hồng Lệ may mắn hơn khi thoát khỏi cửa tử. Người chồng cũng "trở về", nhưng là trong hũ tro cốt được đặt trang nghiêm trên tháp cốt ở chùa Phước Long (huyện Củ Chi).
Sau những ngày tháng giằng xé, chị Lệ trở thành phật tử. Chị tham gia nấu những bữa cơm 0 đồng cho người khó khăn. Hành động này như một cách tri ân cuộc sống đã cho mình cơ hội thứ hai.
"Hãy đến với nhau bằng tình thương, tình người. Chúng ta không ai biết được, ai sẽ là người ra đi trước. Dù với ai, hãy đối đãi bằng cả tấm chân tình. Chính vì chúng ta chỉ sống có một lần nên hãy sống đàng hoàng, tử tế. Hãy hân hoan, vui vẻ, có năng lượng tích cực, mang những điều tốt đẹp đến cho mình và cho mọi người.
Suy cho cùng, hãy sống và biết cho đi nhiều hơn. Sống thế nào cho bản thân mình và những người xung quanh đều hạnh phúc, thì mình mới hạnh phúc được", sư cô Nhuận Bình nhắn nhủ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận