Sư cô Nhuận Bình chia tay ban giám đốc Bệnh viện dã chiến số 12 vào sáng 31-10 - Ảnh: TỰ TRUNG
Nơi này đã gắn bó với cô hơn 100 ngày đêm, từ khi tình nguyện phục vụ tại tuyến đầu chống dịch ngay sau khi được tiêm vắc xin mũi 1.
Bao nhiêu cảm xúc đã cuộn quanh suốt cả trăm đêm, nay có thể buông xả được rồi. Lúc tối, ở đây đã diễn ra một sự kiện đặc biệt...
Lần đầu nhìn mặt
Một buổi tiệc rộn rã được tổ chức giữa các nhân viên y tế và tình nguyện viên ở giữa sân, nơi những ngày trước là chỗ tập kết bình oxy và giường bệnh. Rộn rã không chỉ bởi những tiếng cười mà còn bởi những lời giới thiệu tên tuổi, ồ à ngạc nhiên khi nhận ra nhau.
Đã sát cánh bên nhau bốn tháng trời nhưng rất nhiều người đến hôm nay mới lần đầu tiên "thoát" khỏi bộ đồ bảo hộ, nhìn thấy mặt nhau, trút được những căng thẳng, âu lo để cười nói một cách thật thoải mái...
Đoạn đời mà họ đã ghi dấu nơi đây, sôi nổi đi cùng lặng lẽ, hy vọng song hành với tuyệt vọng, đẹp đẽ nắm chặt lấy đau thương... sẽ không bao giờ quên được. Sư cô Nhuận Bình cũng vậy.
Ngày viết đơn tình nguyện gia nhập tuyến đầu, cô đã nghĩ: phải thực hiện tinh thần Bi - Trí - Dũng của Đức Phật, phải làm thêm những điều để thanh xuân của mình ý nghĩa hơn. Không biết đợt tình nguyện sẽ kéo dài tới 100 ngày, không nghĩ những ngày ở đây lại khốc liệt đến mức nào, cô chỉ một lời nguyện: "Hết dịch mới về".
Lúc tối, các y bác sĩ đã nhắc lại một vài khoảnh khắc khủng khiếp. Là khi hàng chục bệnh nhân thở mệt trong phòng cấp cứu, gương mặt tái dần, đôi môi tím dần mà oxy đã hết. Nhân viên y tế chạy hết tốc lực trên các lối đi để tìm lại một vài bình oxy vừa được chuyển sang khu khác, cửa phòng mở toang sẵn sàng, trông đợi xe tiếp viện từng giây từng khắc. Là khi bác sĩ trực phải bật khóc vì các cuộc điện thoại tìm nơi chuyển viện cho bệnh nhân đều bị từ chối vì quá tải...
Những lúc ấy, sư cô biết giá trị của mình. Không chỉ là chiếc hộp nhựa đựng dụng cụ y tế mà cô đã được tập huấn để đo lường tình trạng bệnh nhân, không chỉ là những viên thuốc cô mang theo y lệnh của bác sĩ... "Sống mỗi ngày như ngày cuối cùng", cô tự nhủ với mình và dấn thân.
Ánh mắt bình thản sau kính bảo hộ, nụ cười an nhiên sau lớp khẩu trang, giọng nói vui vẻ, cử chỉ điềm tĩnh, cô vào phòng bệnh trò chuyện với bệnh nhân, giúp thay quần áo, lau mặt, cắt móng tay, cắt tóc, đút ăn cháo ăn cơm...
Cô kéo bình oxy vào phòng cấp cứu, thành thạo cho bệnh nhân thở, làm tất cả để trợ giúp bác sĩ và khi họ ổn định lại thì cô nắm tay, chia sẻ những đúc kết cuộc đời trong trải nghiệm tu học của mình.
Có người khó thở, đau đớn toàn thân song chỉ chịu uống sữa mà cô Nhuận Bình đút. Có người rơi vào trầm cảm, quay quắt với những nỗi lo riêng đã chỉ chịu mở lòng với cô Nhuận Bình.
"Vắc xin tinh thần", các bác sĩ gọi sự có mặt của cô như vậy. Đếm làm sao hết những lời cảm kích bệnh nhân đã nhắn gửi với cô.
Chẳng ai muốn làm siêu anh hùng giữa đại dịch này cả. Cũng chẳng ai muốn đánh cược mạng sống của mình chỉ vì vài tiếng tôn vinh. Nhưng thẳm sâu bên trong sứ mệnh thiêng liêng cao cả ấy chính là tình thương, lòng trắc ẩn, sự tử tế mà con người dành cho nhau.
Sư cô THÍCH NỮ NHUẬN BÌNH
Một kiếp nhân sinh
"Lúc con sợ hãi, bất an nhất, sư cô đã ở bên con, tiếp thêm nguồn năng lượng tích cực để trong tối tăm, con vẫn nhìn thấy ánh sáng cuối con đường"; "Gặp được sư cô ở lằn ranh sinh tử này, chúng con như thấy mình được sống lại sau những hoảng loạn, hãi hùng, chết chóc của bệnh tật"...
Cô dõi theo mỗi bệnh nhân không may trở nặng và được chuyển lên tuyến trên; cô nhớ từng cử chỉ, lời nói và âm thầm cầu nguyện cho họ. Hội ngộ thì ngắn mà biệt ly thì dài, một đời người qua đi những gì còn lại?
Đêm đêm, sau những giờ vắt kiệt sức, sư cô Nhuận Bình lại viết, lại ghi chép - việc mà cô đã luyện thành thói quen, thành đam mê.
"Một kiếp nhân sinh", tập sách thứ 7 của cô viết về "tình người trong đại dịch COVID-19" ra đời ngay giữa chuỗi ngày tình nguyện dằng dặc. Cô mang tập sách lên phòng bệnh nhân, đọc cho họ nghe một vài đoạn, cùng thảo luận về một câu chuyện được ghi lại.
"Mồ hôi đã rơi, nước mắt đã chảy, máu đã đổ vì những hệ lụy mà COVID-19 đem đến cho cuộc đời. Trong tang thương, bi kịch, chúng ta chợt thấy tình người ngời sáng.
Virus corona rất sợ tình yêu thương của con người, tình thương là loại vũ khí mạnh mẽ có thể tiêu diệt tế bào COVID-19 tồn tại trong cơ thể.
Đất nước chúng ta tuy nhỏ, đời sống người dân còn nhiều lo toan nhưng chúng ta có tình thương, có tài năng, có sự đồng lòng, cống hiến, sẵn sàng hy sinh... thì chắc chắn ngày thắng dịch không còn xa nữa..." - những lời gan ruột được sư cô Nhuận Bình viết ngay tại gian phòng ở bệnh viện dã chiến.
"Cảm ơn cuốn sách của sư cô. Đọc nó, con vừa khóc vừa xúc động và tự nhắc bản thân phải sống thật tốt, thật tử tế để xứng đáng với sự hy sinh của đội ngũ tuyến đầu", một bệnh nhân - bạn đọc nhắn gửi.
Tuyến đầu - sư cô viết: "Có lẽ không còn gì đẹp hơn khi tình người nở hoa dù thế sự có ba đào phủ sóng. Cảm ơn những người đã hy sinh an nguy bản thân, tình cảm riêng tư để đổi lấy bình an của bao người. Thành phố có các bạn, nhân gian như nở thêm hoa, sự sống đã hồi sinh trở lại. Cảm ơn những bệnh nhân đã cho Nhuận Bình đủ duyên để được hiến tặng nụ cười, tình thương, sự vững chãi và thảnh thơi...".
Chúng tôi là đồng đội của nhau
"Những tình nguyện viên hết lòng hết sức như sư cô Nhuận Bình đã tiếp sức cho chúng tôi suốt cuộc chiến đấu, suốt chặng đường dài. Cô không chỉ dấn thân, cô còn kêu gọi nhà hảo tâm mang đến bệnh viện nào bình oxy, nào sữa, khẩu trang, đồ bảo hộ. Cô đến bệnh viện từ những ngày đầu và ở với chúng tôi cho đến ngày cuối - hôm nay - khi bệnh viện chỉ còn 5 bệnh nhân sắp ra viện. Sẽ rất khách sáo nếu chúng tôi nói lời cảm ơn. Chúng tôi đã là đồng đội của nhau..." - bác sĩ Phạm Đăng Trọng Tường, phó giám đốc Bệnh viện Da liễu TP.HCM, kiêm nhiệm giám đốc Bệnh viện dã chiến 12 - cảm kích nói khi bắt tay sư cô lần đầu sau hơn 100 ngày đồng đội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận