Sự lôi cuốn của tác giả Dương Thành Truyền, theo tôi, vẫn là từ một sự việc cụ thể, không chỉ miêu tả, anh còn liên tưởng và suy ngẫm về nó.
Tôi tin rằng nhiều người thích bài viết tản mạn mà đắng đót về sự thay đổi địa danh, nếu Ngã Bảy (Hậu Giang) đổi thành Tân Hiệp, có lẽ anh chàng tình si bán chiếu trong câu vọng cổ của NSND Viễn Châu sẽ thất vọng xiết bao, từ đó, ta nghe có tiếng thốt lên:
"Mẹ ơi, những Lai Hòa, Cái Tràm. Láng Dài, Láng Tròn, Xóm Lung. Trà Kha, Đìa Chuối. Vĩnh Mỹ, Vĩnh Hưng, Cầu Số Hai, Cầu Sập, Cầu Quay... là mồ mả ông bà, là máu mủ ruột rà, là kỷ niệm, là ký ức của một thời có thể nào chia xa... Hay vì lòng ta cạn, không đủ yêu, không đủ thương, không đủ hãnh diện về cái tiếng quê mình?". (Ơi Gành Hào!). Day dứt quá!
Thế đó, những câu chuyện tưởng nhỏ, phiếm đàm cho vui nhưng ẩn ở đó còn biết bao trăn trở. Cũng như lúc chúng ta được tiếp cận với những nhân vật có thể nổi tiếng, có thể bình dị nhưng tất cả đều đọng lại và lấp lánh một vẻ đẹp lạ thường.
Tôi tâm đắc với Tài sản của một người phá sản tác giả viết về cha mình, với tôi chính là bài học của một con người lúc sa cơ thất thế: "Nhưng không, không đổ lỗi cho hoàn cảnh, không trút giận vào thời cuộc... ông gan lì đối diện với số phận, bình tâm vượt qua nghịch cảnh bằng một sức mạnh nội tâm phi thường". Tính cách này nói như ngôn ngữ cởi mở của người miền Nam, chính là "dân chơi thứ thiệt". Thật đáng ngưỡng mộ.
Cái làm nên hồn vía của một tạp bút, dù văn chương chữ nghĩa bộn bề đến đâu cũng chẳng là gì, nếu ở đó không có sự chiêm nghiệm, suy ngẫm, liên tưởng về vấn đề đang đặt ra nhằm đạt đến một "triết lý" khái quát. Bắt đầu bằng để lại đã có yếu tố này, tuy nhiên mức độ đậm nhạt có khác nhau.
Khó phai, khó quên đối với tôi vẫn là lúc anh thể hiện câu chữ trên trang viết tựa như đang khề khà cùng bạn đọc đối ẩm, lúc ấy sự mở lòng của anh mới thật sự hấp dẫn, hơn là lúc áo quần chỉnh tề như phát biểu trong cuộc họp.
Mà, tạp văn cần cái sự khề khà ấy, cần mở lòng khiến người nghe/ đọc cảm thấy thân mật và đôi lúc "ngứa miệng" muốn phát biểu chen vào. Ấy là tri kỷ giữa người viết và người đọc trên cùng một quyển sách. Muốn thế, người viết phải có "duyên ngầm", bằng không, đừng hòng.
Nếu "định vị" sự hấp dẫn này, từ Dương Thành Truyền, tôi nghĩ còn do anh biết phát huy thế mạnh của một tư duy nhà báo có nghề. Như khi anh bàn qua nghịch lý của tiếng Việt, tưởng rằng khó cười nổi, nhưng ta lại tủm tỉm thích thú với: "Chị bán ve chai được gọi là kinh doanh phế liệu, nên anh tài xế là cán bộ đường lối, anh thợ rèn là cán bộ luyện kim, ông thầy bói trở thành chuyên gia tư vấn tâm lý và bà bán thịt quay đầu hẻm là nhà kinh doanh thực phẩm chế biến" (Nức lòng hay nhức lòng).
Chất liệu của đời sống ùa vào khiến trang viết nhộn hẳn lên cũng như lúc anh "công bố" hàng loạt "Ca dao mới thời cách ly", "Test... đi vào thơ". Để cuối cùng dẫn tới cú "làm bàn" cực hóm:
"Trong khi công lý đòi hỏi phải được thực thi, công luận đang dùng sức mạnh ngôn từ để bày tỏ thái độ không dung thứ: Dân ta gọi chúng là bọn Việt ác (theo cách cấu tạo từ hệt như Việt gian), là lũ "ăn" kít (theo cách chơi chữ của sự đồng âm) (Ngữ văn... cập nhật mùa corona). Thú vị quá.
Tôi hiểu, dù có khề khà, cà kê gì đi nữa vẫn là "vinh danh những giá trị tốt đẹp của cuộc sống và của con người" - điều cốt lõi tác giả mong muốn đạt tới - vui thay, tôi tin bạn đọc cũng nhận ra. Từ "Chuyện người", "Chuyện sách" tới "Chuyện đời" cũng không ngoài ý nghĩa nhân sinh này, chỉ cần thế đã là một tập sách đáng đọc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận