Trong không gian thân mật tại Hội quán Các bà mẹ trưa ngày 12-2, nhiều bạn bè thân hữu và độc giả thân thiết đã đến chung vui cùng nhà văn Đỗ Hồng Ngọc, trong đó có những độc giả đến từ tận Tiền Giang, Đà Nẵng, Quy Nhơn...
Tri ân những người bạn lớn
Buổi trò chuyện bắt đầu bằng những ca khúc nhạc Trịnh quen thuộc. Cái tên Áo xưa dù nhàu... cũng chính là lời đề từ mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng viết cho quyển sách Gió heo may đã về của nhà văn Đỗ Hồng Ngọc năm 1997. Đến nay, lại trở thành tên của quyển sách mới.
Áo xưa dù nhàu... là tập sách khắc họa chân dung 18 nhân vật qua góc nhìn riêng của nhà văn Đỗ Hồng Ngọc. Ông cho biết mình không phải chuẩn bị lâu vì những câu chuyện, những kỷ niệm cùng các nhân vật đều nằm sẵn trong tim. Đó là những người thầy, những người bạn lớn trong cuộc đời ông.
Những gì ông kể ra chỉ là một phần nhỏ về họ. Một góc nhìn rất dung dị, gần gũi, thậm chí là hài hước. Cách sắp xếp các nhân vật trong sách cũng đơn giản đi từ già đến trẻ, từ những người đã mất đến vẫn còn sống, không có ý cầu kỳ.
Ví như cách ông nhắc về "Võ Hồng - nỗi cô đơn uy nghi". Đỗ Hồng Ngọc nhớ mãi lần ghé thăm nhà văn ở Nha Trang, có con chó ùa ra sủa. Ông hỏi chó có dữ không? Nhà văn trả lời tỉnh queo: "Nó còn hiền hơn moa!". Rất tếu.
Khi được hỏi về thông điệp của Áo xưa dù nhàu..., tác giả Đỗ Hồng Ngọc chia sẻ giản dị: "Đó là lời tri ân và gợi nhắc những kỷ niệm xưa. Ví như tôi học cách sống, cách viết của ông Nguyễn Hiến Lê. Còn với cậu tôi, ông Ngu Í Nguiễn Hữu Ngư, lại là những ký ức khó quên về người đã nắm tay dắt tôi đến trường.
Có rất nhiều kỷ niệm mang đậm tính cá nhân riêng tư như thế, nên thật khó nói thông điệp hay bài học. Tôi nghĩ chỉ cần tri ân những người đã giúp đỡ ta, vậy là tốt rồi!".
"Nhà" nào cũng quyến rũ
Trong buổi trò chuyện, nhà văn Đỗ Hồng Ngọc cũng đùa vui về danh xưng "nhà thơ" của mình. Ông đã làm thơ đăng báo từ lúc 16 - 17 tuổi và có bút danh Đỗ Nghê (ghép từ họ của ba và mẹ) trước khi thi vào trường y và trở thành bác sĩ.
Những ngày đi thực tập đỡ đẻ ở Bệnh viện Từ Dũ, ông viết Thư cho em bé sơ sinh - một trong những bài thơ nổi tiếng nhất của ông. Hay bài thơ viết cho người mẹ đã mất nhân dịp Vu Lan, một bài thơ ngắn đầy xúc động của ông - cũng từng được nhiều người chia sẻ.
Nhưng khi được độc giả hỏi "anh có nhiều "nhà" quá: nhà văn, nhà thơ, nhà thiền học, nhà giáo..., sắp tới nếu viết về một "nhà", anh chọn "nhà" nào?"; tác giả Đỗ Hồng Ngọc cười: "Chắc là Nhà tôi!".
Tác giả Nguyên Cẩn bày tỏ sự ngưỡng mộ: "Nhà nào cũng vậy, Đỗ Hồng Ngọc luôn có thể viết đầy dung dị, hài hước, dễ hiểu và đầy quyến rũ".
Nhiều độc giả có cùng thắc mắc tại buổi trò chuyện: cái tứ 'áo xưa dù nhàu' dễ gợi nhắc về người nhà, người vợ. Khi nào thì Đỗ Hồng Ngọc viết về người bạn đời của mình? Hay viết về chân dung những nhân vật ít nổi tiếng hơn trong cuộc đời của ông?
"Để về coi kỹ áo có nhàu chưa thì mới viết được!" - nhà văn khiến cả khán phòng cười rộ. Nhưng với tác giả đã quá tuổi thất thập cổ lai hy mà vẫn đầy năng lượng này, đó là một lời hẹn rất đáng mong đợi.
Những chân dung được Đỗ Hồng Ngọc "vẽ" lại theo cách riêng
Áo xưa dù nhàu... là tác phẩm mới nhất của nhà văn - nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc, do Phanbook và NXB Đà Nẵng ấn hành.
Cuốn sách tập hợp những ghi chép về 18 chân dung nhân vật: Nguyễn Hiến Lê, Võ Hồng, Ngu Í Nguiễn Hữu Ngư, GS Trần Văn Khê, Dương Cẩm Chương, Trang Thế Hy, Quách Tấn, Huyền Chi, Tôn Nữ Hỷ Khương, Phạm Thiên Thư, Lưu Trọng Lư, Huy Cận, Võ Phiến, Nguyễn Bắc Sơn, Trần Vấn Lệ, Du Tử Lê, Khánh Minh, Cao Huy Thuần.
Nhà thơ Trần Thị Nguyệt Mai bình về Áo xưa dù nhàu...: "Ngoài là bác sĩ, Đỗ Hồng Ngọc còn là một nhà thơ (Đỗ Nghê), một họa sĩ của những bức ký họa được bạn bè yêu thích.
Nên những chân dung được ông "vẽ" lại theo cách rất riêng, không giống với một ai, bằng đôi mắt của người thầy thuốc yêu nghề, chọn lọc những góc cạnh độc đáo của họa sĩ và trải lòng với tâm cảm của nhà thơ, nên có những bài viết đẹp như thơ...".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận