Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc - Ảnh: NGỌC HIỂN
Mỗi khi bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc có sách mới "trình làng", bạn đọc luôn tìm thấy chi tiết thật đặc biệt. Lần này là từ câu nói của André Maurois, rằng "khi nào trong đầu mình nảy ra cái ý "Để làm gì", lúc đó mình đã già thiệt rồi". Từ cái ý của Maurois về "nghệ thuật già" ấy, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc thú nhận rằng lâu nay ông biết mình già, nhưng quả thật ông vẫn đang nghĩ là mình đang "già giả" thôi.
Cái ý đó đặc biệt và gợi ra một hình ảnh thú vị: Tác giả vừa cảm nhận tuổi già của chính mình, vừa lục soạn lại mớ gia tài trước tác bấy lâu nay trong ý niệm thường trực "để làm gì", rồi gạn lọc lại, hình thành thêm một quyển sách nữa, chính là những trang sách dẫn bạn đọc theo bước ông về lại không gian sống của nhiều "cảnh giới".
Câu hỏi ở nhan đề sách thật hóc hiểm, do lẽ không chỉ viết lách để làm gì, mà ghi nhớ chuyện nọ chuyện kia, tâm đắc thứ này thứ khác, buồn vui hờn giận, cay đắng nhục vinh... bao nhiêu chìm nổi đã trải qua trong tám chục năm sống ở đời, rốt lại là để làm gì?
Câu hỏi còn nguyên đó, bởi không dễ tìm ra lời đáp. Chỉ có những trang sách bắt đầu một công việc khác: đặt ra trước mỗi người đọc hôm nay những câu chuyện chân chất, thiệt tình mà đầy cảm xúc, ý vị của chính tác giả.
Đỗ Hồng Ngọc có cách kể chuyện như sực nhớ lại chuyện hay hay của chính mình, tiện chỗ bạn bè nên kể lại cho vui, vậy mà người đọc bị cuốn theo lúc nào không biết. Đến chừng nhận ra mới thấy dường như đã có một thời, người ta sống với nhau chan hòa quá, giao hảo đối đãi nhau ý nhị tinh tế quá, tâm đắc và sâu sắc đến nỗi dư vị còn mãi trong nhiều trang sách hôm nay.
Đó là tình bạn tình thơ với Nguyễn Bắc Sơn, Từ Thế Mộng; là kỷ niệm nơi Bình Tuy, Phan Thiết quê nhà; và quan trọng hơn là ở tinh thần "học bạn" của chính tác giả.
Dường như với người bạn nào, Đỗ Hồng Ngọc đều nhìn ra cái hay để học, từ ông bạn Hai Trầu với câu thơ tuy chợ búa mà vẫn ý đạo: Đạo cang thường chẳng phải cá tôm / Đang mua mớ nọ, chạy chồm mớ kia; đến ý tưởng "thy đạo" của Nguyễn Bắc Sơn như một điểm bấu víu trong những tháng ngày chông chênh tuổi tác; rồi Hoài Khanh lúc cuối đời vẫn kịp nhắc ông chữ trơ vơ khác với chơ vơ; hay cũng chính bạn bè cắt nghĩa cho ông những địa danh mang phương ngữ Chàm xưa: Tà là núi (Tà Zôn, Tà Cú, Tà Pao), La là sông (La Ngâu, La Ngà, La Gi), Hàm là ruộng (Hàm Tân, Hàm Thuận, Hàm Cường)...
Bạn đọc thấy mình trôi theo biết bao điều thú vị qua câu chữ, ngoảnh lại nhìn cái nhan đề sách, bừng tỉnh nhận ra: thì chỉ cần vậy thôi chứ đâu cần phải hỏi "để làm gì?".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận