Sáng 16-4, chương trình tư vấn tuyển sinh dành riêng cho quý phụ huynh với chủ đề "Cùng con vào tương lai" được báo Tuổi Trẻ tổ chức tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup.
Con học lớp 9, phụ huynh đã đi tư vấn
Anh Nguyễn Ngọc Thu - có con đang học lớp 9 Trường THCS Phan Tây Hồ, quận Gò Vấp (TP.HCM) - đến tham dự chương trình mang theo nỗi băn khoăn liệu con không đi học thêm thì có đủ kiến thức để hoàn thành các kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học hay không.
Anh tâm sự với ban tư vấn mình đã nghe một số phụ huynh truyền tai nhau: Nếu chỉ học trong trường mà không học thêm thì chỉ có thể làm được 50% số câu hỏi trong đề thi tốt nghiệp THPT.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y Dược TP.HCM - nhận định các kỳ thi hiện nay luôn được thiết kế dựa trên những kiến thức mà học sinh được học tập trong trường.
Đặc biệt ở kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM, kiến thức trong các câu hỏi tập trung kiểm tra tư duy của thí sinh, xoay quanh những gì các em được học trong chương trình.
"Được ban tư vấn giải đáp, tôi phần nào yên tâm. Tôi rất quan tâm đến quá trình con phát triển. Năm nay con thi lớp 10, tôi dẫn con đến các trường THPT mà con muốn nộp đơn như Trường trung học Thực hành (Trường ĐH Sài Gòn), Trường THPT Hùng Vương... cho con cảm nhận thực tế xem có yêu thích môi trường học tập ở những nơi này hay không.
Tôi đến chương trình của báo Tuổi Trẻ hôm nay cũng để cho con hiểu thêm về những xu hướng chọn ngành, chọn nghề và cho con có những hiểu biết từ sớm" - anh Thu nói.
Tranh cãi đại học danh tiếng
"Nhiều người nói rằng tôi cứ cho con vào học ở các trường danh tiếng như Bách khoa, Tự nhiên, Nhân văn, Kinh tế, Ngoại thương... Học ngành gì sẽ tính sau, miễn là học được ở những trường "ngon" cái đã. Là những người làm tuyển sinh nhiều năm, các thầy nghĩ gì về xu hướng này?" - chị Thu Phượng, phụ huynh có con đang học lớp 12, đặt câu hỏi qua nền tảng livestream của kênh YouTube báo Tuổi Trẻ.
Trả lời câu hỏi, ThS Võ Ngọc Nhơn - phó trưởng phòng tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) - cho rằng một trong những vấn đề khiến phụ huynh chưa tìm được tiếng nói chung với con khi chọn ngành, chọn trường là do thiếu thông tin được cập nhật liên tục.
Phụ huynh thường dùng những trải nghiệm từ thời của mình từ khoảng 20 năm trước để dành lời khuyên cho thí sinh. Nhiều phụ huynh cũng không có đủ thời gian và điều kiện để cập nhật những diễn biến mới về các ngành học, trường học hiện nay.
"Những trường tư thục hiện đang nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo và mở rộng cơ hội tiếp cận với thị trường lao động cho thí sinh. Vì vậy, tôi nghĩ thay vì quá lăn tăn một trường top hay không, trước hết phụ huynh nên cùng con xác định xem đâu là ngành học phù hợp với mình. Khi đã xác định được ngành học, hãy xem xét liệu rằng mình nên học bậc học nào, đại học hay cao đẳng. Tiếp đó mới là quyết định xem bạn sẽ học trường nào" - ông Nhơn nói.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo - phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - nêu ra suy nghĩ ngược lại. Theo ông, việc chọn trường đại học danh tiếng là xu hướng không sai. Danh tiếng lâu đời ở một số trường đại học như "bảo hiểm" đầu ra cho cơ hội nghề nghiệp.
"Cá nhân tôi cho rằng điều quan trọng là bạn có thể vào được trường danh tiếng hay không? Nếu đã vào được các trường danh tiếng này, không có gì bạn sẽ phải cân nhắc nữa cả" - PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo khẳng định.
Xét tuyển đại học năm 2025 thế nào?
Một phụ huynh có con học lớp 10 tại Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (TP.HCM) gửi đến PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) - băn khoăn về cách xét tuyển đại học năm 2025, khi con ông đang học lớp 10 với chương trình phổ thông mới. Ông không biết 2 năm sau, việc xét tuyển đại học sẽ ra sao với chương trình mới.
Bà Thủy cho biết Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, dự kiến thí sinh sẽ thi bốn môn học bắt buộc là ngữ văn, toán, ngoại ngữ, lịch sử và hai môn học lựa chọn.
Theo bà, cơ bản kỳ thi tốt nghiệp năm 2025 vẫn không quá thay đổi. Trên cơ sở này, rất có thể các tổ hợp môn thi truyền thống vẫn được các trường đại học ưu tiên sử dụng trong quá trình xét tuyển.
"Tôi cảm thấy con đang xa tôi từng ngày"
Chị Tố Uyên (quận 3, TP.HCM) tìm đến chương trình ngoài việc được tư vấn cho ngành tâm lý học mà đứa con thứ hai đang học lớp 10 của chị đang theo học, còn rất muốn được chuyên gia tư vấn làm thế nào để dung hòa mối quan hệ với đứa con trai lớn đang học lớp 12.
"Tôi cảm thấy con đang xa tôi từng ngày. Những việc làm tôi quan tâm đến con, con đều cảm thấy khó chịu. Con tôi suốt ngày cắm đầu vào các clip nhảm trên YouTube, TikTok" - chị Tố Uyên bày tỏ.
Chia sẻ riêng với chị Uyên, GS.TS Huỳnh Văn Sơn - hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - gửi đến chị một số lời khuyên trong việc quản lý con cái khi con bắt đầu bước vào tuổi khôn lớn.
GS Sơn khuyên chị nên đặt lại những sự kỳ vọng của mình về con, khi con đã dần chuyển sang có những cuộc sống riêng. Phụ huynh không nên đặt "KPI" cho con về mọi mặt, quản lý từng li từng tí như những ngày còn nhỏ.
"Thay vào đó, tôi nghĩ rằng chị nên quản lý con bằng những kết quả "đầu ra". Có thể đặt những KPI cho con trong từng vấn đề, từ học tập, cuộc sống cá nhân đến quản lý bản thân.
Chị sẽ quan tâm hơn đến kết quả của con đạt được thay vì quá trình mà con thực hiện. Tôi nhìn thấy ở chị là một tình yêu con rất lớn. Đó là điều tốt, quan trọng là cách thể hiện tình yêu của chị có giúp một đứa trẻ đang tuổi trưởng thành cảm thấy được trân trọng hay không?" - GS Huỳnh Văn Sơn nói.
Cùng con đi nghe tư vấn
Hai mẹ con chị Lê Thị Ngọc Nga (Bình Dương) đến tham gia chương trình từ rất sớm. Con gái chị, Trần Lê Ngọc Hân (Trường THPT chuyên Hùng Vương), thi đánh giá năng lực đợt 1 với điểm hơn 800.
"Tôi biết đến chương trình tư vấn dành cho phụ huynh từ tuần trước và sáng nay đưa con cùng đi. Con tự tìm hiểu và lựa chọn ngành, trường dựa vào sở thích và năng lực của mình.
Tuy nhiên, điểm hiện tại của con có thể không trúng tuyển vào trường mà con kỳ vọng. Tôi đưa con đi cùng để cùng con tìm hiểu xem biết đâu có ngành, trường nào khác phù hợp. Hỏi trực tiếp các thầy sẽ tốt hơn là ngồi nhà tự tìm hiểu" - chị Nga nói về lý do tham gia chương trình.
Đây cũng là lý do nhiều phụ huynh khác đưa con cùng tham gia chương trình. Anh Phạm Minh Hải chở con trai Phạm Gia Huy (Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM) từ Thủ Đức lên nghe tư vấn.
Huy đã xác định chọn ngành công nghệ thông tin Trường ĐH Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) và kinh doanh quốc tế của Trường ĐH Kinh tế và Trường ĐH Ngoại thương. Anh Hải nói chọn ngành nào, trường nào là chủ ý của con, anh tôn trọng điều đó.
Tuy nhiên, lo ngại việc chọn ngành chọn trường của con còn chủ quan nên anh đưa con tham gia cùng để tìm hiểu thêm trước khi có quyết định cuối cùng.
Tương tự, chị Ngô Thị Hòa cũng tôn trọng quyết định chọn ngành tâm lý học và kinh tế của con gái Lê Phương Vy (Trường THPT Gò Vấp).
Chị là người chủ động nói con tham gia chương trình tư vấn cùng mình để hai mẹ con cùng tìm hiểu về ngành nghề con dự định học. Chị nói muốn định hướng nghề nghiệp cho con thì bản thân mình cũng phải hiểu về ngành nghề đó. Phương Vy còn đem theo hồ sơ học bạ để có thể nộp luôn vào trường phù hợp.
MINH GIẢNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận