06/03/2023 10:06 GMT+7

Thoát khỏi 'lối mòn' khi chọn ngành học

Nhiều thí sinh hiểu lầm rằng muốn làm ngành nào thì phải chọn học đúng ngành đó. Trên thực tế, các em có thể chọn ngành học gần gũi về chuyên môn thì vẫn được cung cấp kiến thức, kỹ năng nền tảng cần thiết cho công việc mong muốn.

Ước tính có hơn 15.000 phụ huynh, học sinh dự ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp tại Trường đại học Cần Thơ - Ảnh: D.PHAN

Ước tính có hơn 15.000 phụ huynh, học sinh dự ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp tại Trường đại học Cần Thơ - Ảnh: D.PHAN

Sáng 5-3, ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp tại TP Cần Thơ đã thu hút hơn 15.000 học sinh, phụ huynh tham dự. Rất nhiều thắc mắc của học sinh đã được ban tư vấn giải đáp với nhiều lời khuyên giá trị về sự linh hoạt trong cách chọn ngành học, chọn nghề.

Chương trình do báo Tuổi Trẻ, Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ và Trường đại học Cần Thơ phối hợp tổ chức, với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup.

Diễn ra đồng thời với ngày hội tại Cần Thơ là buổi tư vấn dành cho học sinh miền Trung tại Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.

* TS BÙI QUANG HÙNG (phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM):

Không nên bó buộc vào tên gọi

Nhiều thí sinh hiểu lầm rằng muốn làm ngành nào thì phải chọn học đúng ngành đó. Chẳng hạn, nếu muốn làm trong lĩnh vực kinh doanh quốc tế thì phải chọn học đúng ngành kinh doanh quốc tế. Tuy nhiên trên thực tế, các thí sinh có thể học những ngành gần với kinh doanh quốc tế như quản trị kinh doanh, tài chính... vẫn được cung cấp kiến thức, kỹ năng nền tảng cho công việc trên.

Hiện nay ngành kinh doanh quốc tế ở các trường đại học thường lấy điểm chuẩn tương đối cao. Nếu cảm thấy khó cạnh tranh nhưng vẫn muốn làm việc trong ngành này, bạn nên nghĩ đến phương án chọn học những "ngành gần". Dù theo hướng đi nào, bạn cũng cần trau dồi ngoại ngữ để có thể làm việc trong môi trường quốc tế.

* PGS.TS BÙI HOÀI THẮNG (trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM):

Muốn học "rộng" hay "hẹp"?

Đào tạo lĩnh vực công nghệ thông tin ở các trường đại học hiện có hai xu hướng - đào tạo theo "hướng rộng" hoặc theo "hướng hẹp". Theo "hướng hẹp", các trường thường chuyên sâu vào một ngành cụ thể trong lĩnh vực công nghệ thông tin như về phần mềm, mạng máy tính, an toàn thông tin...

Còn có hướng đào tạo "rộng". Ví dụ tại Trường ĐH Bách khoa, trong ngành khoa học máy tính, sinh viên cũng được học những mảng kiến thức về trí tuệ nhân tạo, hệ thống thông tin, phần mềm; ngành kỹ thuật máy tính cũng có học về an toàn thông tin, thiết kế thông tin, an ninh mạng. Người học có thể biết "mỗi thứ một ít" nhưng trên nhiều mảng. Sau khi tốt nghiệp, họ có thể tự học hỏi để đào sâu vào một mảng nhất định theo yêu cầu công việc.

Tùy vào nhu cầu và sở thích, người học có thể lựa chọn ngành học rộng hay sâu. Mỗi hướng đều có mặt mạnh, mặt hạn chế riêng. Mỗi học sinh sẽ có thể phù hợp với một hướng nhất định.

* Trung tá NGUYỄN TRUNG DŨNG (trợ lý tuyển sinh Trường Sĩ quan lục quân 2):

Đừng quên sơ tuyển

Hằng năm vẫn có một số thí sinh mong muốn xét tuyển vào các trường quân đội nhưng chỉ tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD-ĐT. Đây là sai sót mà các bạn cần hết sức lưu ý. Nên nhớ, thí sinh đăng ký xét tuyển vào đào tạo đại học, cao đẳng quân sự phải qua sơ tuyển, có đủ tiêu chuẩn quy định của Bộ Quốc phòng. 

Thanh niên ngoài quân đội sẽ sơ tuyển tại ban tuyển sinh quân sự cấp quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh. Thời gian sơ tuyển thường sẽ từ giữa tháng 3 đến giữa tháng 5.

Nhiều thí sinh cũng thường có những băn khoăn như trường hợp sức khỏe của em như vầy, trường hợp gia đình em như vầy thì có thể qua vòng sơ tuyển không. Tôi khuyên các em nếu có đam mê và mong muốn vào học các trường quân đội thì hãy cứ mạnh dạn đến ban tuyển sinh quân sự cấp quận huyện. Ở đây sẽ có đội ngũ kiểm tra, đánh giá riêng và cho quyết định cho từng trường hợp cụ thể.

* TS NGUYỄN MẠNH HÙNG (chuyên viên chính, Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT):

Lưu ý thông tin khi bỏ sổ hộ khẩu

Khi không sử dụng hộ khẩu giấy, thông tin thí sinh phần lớn sẽ dựa vào căn cước công dân. Ngoài ra, cổng đăng ký sắp tới của Bộ GD-ĐT dành cho thí sinh cũng sẽ có những mục các bạn sẽ cần khai báo thêm một số thông tin cụ thể hơn về cư trú. Thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ có văn bản gửi đến các sở GD-ĐT địa phương hướng dẫn học sinh nhập các thông tin cá nhân trên hệ thống. Thí sinh hãy an tâm, bởi tinh thần chung sẽ là dù có bất kỳ thay đổi gì thì quyền lợi của thí sinh cũng sẽ được đảm bảo.

Hàng chục ngàn học sinh, phụ huynh chờ đợi chương trình

Tại lễ khai mạc ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp sáng 5-3, ông Nguyễn Thực Hiện - phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ - chia sẻ ngày hội luôn là sự kiện được hàng chục ngàn học sinh và phụ huynh quan tâm, chờ đợi trước mỗi mùa tuyển sinh.

Ngày hội này tạo cơ hội cho học sinh THPT nắm bắt đầy đủ thông tin về các ngành nghề, điều kiện xét tuyển, tìm hiểu về các trường đại học.

"Từ đó giúp các em chọn được ngành nghề phù hợp với năng lực, sở trường và nguyện vọng của bản thân, cũng như đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động" - ông Hiện nói.

TS Phạm Như Nghệ - phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT - cho rằng dù hiện đã có nhiều kênh thông tin cho thí sinh tiếp cận về thi cử, tuyển sinh nhưng các ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ vẫn có những ý nghĩa đặc biệt.

Tại ngày hội, học sinh phổ thông được đến gặp trực tiếp các chuyên gia tư vấn và đại diện của hàng trăm trường đại học, từ đó giải đáp nhiều thắc mắc, băn khoăn của các em về tuyển sinh, hướng nghiệp một cách chính xác nhất.

Trong khi đó, phát biểu tại buổi khai mạc, nhà báo Đinh Minh Trung - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - thông tin về học bổng Tiếp sức đến trường.

Mỗi năm học bổng từ nguồn đóng góp của bạn đọc báo Tuổi Trẻ này trao khoảng 1.000 suất, mỗi suất khoảng 15 triệu đồng, cho tân sinh viên cả nước. "Tân sinh viên khó khăn hãy gọi báo Tuổi Trẻ. Thầy cô có học sinh khó khăn hãy giới thiệu cho báo Tuổi Trẻ để chúng tôi cùng các bạn thực hiện ước mơ ở giảng đường đại học" - ông Trung nói.

Có "máy dịch", nghề phiên dịch còn cần?

Học sinh tham gia chương trình tư vấn tại Quảng Nam trải nghiệm làm bánh, chơi trò chơi ở các gian tư vấn - Ảnh: LÊ TRUNG

Học sinh tham gia chương trình tư vấn tại Quảng Nam trải nghiệm làm bánh, chơi trò chơi ở các gian tư vấn - Ảnh: LÊ TRUNG

Đó là câu hỏi do học sinh đặt ra cho ban tư vấn tại chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2023 diễn ra tại Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP Tam Kỳ, Quảng Nam) vào sáng 5-3.

Bạn Thu Duyên, học sinh Trường THPT Trần Cao Vân, đặt câu hỏi khá thú vị liên quan đến ngành ngôn ngữ Anh. Duyên muốn học ngoại ngữ nhưng lo ra trường sẽ mất việc vào tay trí tuệ nhân tạo vì hiện nay có nhiều nền tảng dịch thuật: "Hiện nay công nghệ thông tin khá phát triển, có nhiều nền tảng để dịch tiếng Anh tự động sang tiếng Việt. Nhu cầu đào tạo ngành này có còn cần hay không? Em theo đuổi ngành tiếng Anh phiên dịch thì nghề nghiệp đầu ra hiện giờ ra sao?".

TS Trần Đình Khôi Quốc - trưởng ban đào tạo ĐH Đà Nẵng - cho biết ngành ngôn ngữ Anh là một trong những ngành hot hiện nay, nhu cầu người biết tiếng Anh để sử dụng trong công việc ở tất cả các cơ quan có quan hệ với nước ngoài rất nhiều, vì vậy ngành này có sức hút rất lớn.

Thầy Quốc công nhận công nghệ thông tin, hệ thống dịch thuật tự động đang phát triển rất mạnh mẽ. Muốn có một văn bản chuyển từ tiếng Việt sang tiếng Anh, chúng ta chỉ cần copy dán vào Google dịch là sẽ ra một văn bản tương đối hoàn thiện.

"Tuy nhiên sẽ không ai dám sử dụng hoàn toàn văn bản phiên dịch tự động từ Google thành văn bản chính thức, vì vậy cần những người biết tiếng Anh, có chuyên môn, chuyên ngành mới chuẩn chỉnh lại văn bản đó. Vì vậy nhu cầu đào tạo về ngành ngôn ngữ Anh vẫn rất lớn, nhất là khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào thị trường lao động thế giới" - TS Quốc nói.

Theo dõi nhóm ngành kinh tế, bạn Quang Khải, học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, lo với việc trở thành nhóm ngành hot trong thời gian qua thì điểm tuyển ngành marketing ngày càng tăng. "Nhưng trong vài năm tới, liệu khi thế hệ em ra trường ngành này có bị bão hòa không?" - học sinh này hỏi.

TS Võ Thanh Hải - phó hiệu trưởng Trường đại học Duy Tân - cho rằng ngành này xuất hiện ở nước ta khá muộn so với thế giới do đặc thù phát triển kinh tế của đất nước có thời gian dài bị cấm vận. Tuy nhiên, khi hội nhập càng sâu rộng thì marketing lại phát triển rất nhanh trong những năm gần đây.

Đặc biệt, trong hai năm đại dịch COVID-19 thì xuất hiện một lĩnh vực marketing rất mới là digital marketing. Trong thông tư mới của Bộ GD-ĐT năm nay có đưa ngành mới là ngành digital marketing.

"Có thể nói trong điều kiện hiện nay, đây là một ngành có sức hút rất lớn đối với nguồn nhân lực trên thị trường Việt Nam, nhất là chuyên ngành trong lĩnh vực marketing số" - thầy Hải nói.

LÊ TRUNG - TRƯỜNG TRUNG

Điểm ngành marketing ngày càng tăng, liệu có bị bão hòaĐiểm ngành marketing ngày càng tăng, liệu có bị bão hòa

Đó là thắc mắc của nhiều học sinh đặt ra về xét tuyển cho ban tư vấn tại Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2023 tại tỉnh Quảng Nam sáng 5-3.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên