21/02/2019 09:36 GMT+7

Khi nhà trường 'huy động' tiền bằng mọi giá

TRUNG TÂN
TRUNG TÂN

TTO - 'Huy động' tiền của học sinh nghèo để xây dựng cơ sở vật chất, cắt xén chia nhau... nhiều trường học ở Đắk Lắk làm sai nhưng giáo viên không lên tiếng còn cơ quan quản lý chỉ biết khi có đơn tố cáo.

Khi nhà trường huy động tiền bằng mọi giá - Ảnh 1.

100% học sinh của Trường THCS 719 (xã Ea Kly, Krông Pắk) phải đi học thêm - Ảnh: TR.TÂN

Dù đã có nhiều văn bản của Nhà nước về huy động nguồn lực xã hội hóa, nhận tài trợ để xây dựng nhà trường minh bạch, công bằng, tự nguyện... nhưng tại Đắk Lắk vẫn xảy ra tình trạng thu cả tiền của học sinh nghèo sử dụng vào mục đích riêng.

Bà Hoàng Thị Bích Trâm, trưởng Phòng GD-ĐT huyện Buôn Đôn, cho biết tại Trường Lê Quý Đôn (huyện Buôn Đôn), hiệu trưởng nhà trường đã trả lại hơn 150 triệu đồng huy động sai. Hiện phòng đang chờ kết luận của UBND huyện về xử lý các sai phạm trong vụ việc bất chấp quy định để huy động tiền đóng góp ở trường này.

Theo bà Trâm, cách thức huy động tiền tại Trường Lê Quý Đôn là nhà trường lên danh sách học sinh được nhận hỗ trợ của Nhà nước theo nghị định 116 năm 2016 của Chính phủ (quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn). Sau đó, trường "vận động" phụ huynh trích lại tiền này để hỗ trợ nhà trường xây dựng cơ sở vật chất. 

Phụ huynh ký vào một biên lai "tự nguyện" đóng góp, rồi nhận phần còn lại trong tổng số tiền được hưởng. "Cách làm bất thường, bất chấp quy định này đã gây bức xúc cho phụ huynh học sinh và dư luận" - bà Trâm nói.

Cũng huy động tiền của học sinh nghèo được hỗ trợ theo nghị định 116 nhưng nghiêm trọng hơn, hiệu trưởng Trường tiểu học Yang Hăn (xã Cư Đrăm, Krông Bông, Đắk Lắk) lại "cắt xén để... chia cho giáo viên, quản lý của mình". 

Với các sai phạm này, UBND huyện Krông Bông đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác bà Vũ Thị Sơn, hiệu trưởng nhà trường, để phục vụ công tác điều tra của công an.

Trước đó, phụ huynh học sinh thuộc diện được nhận tiền hỗ trợ của Chính phủ theo nghị định 116 phản ảnh nhà trường đã huy động đóng một phần kinh phí được hỗ trợ cho nhà trường phục vụ công tác giảng dạy. 

Cụ thể, trong năm học 2016-2017, Trường tiểu học Yang Hăn có 93 học sinh thuộc diện được nhận tiền hỗ trợ của Chính phủ theo nghị định 116 với tổng số tiền hơn 506 triệu đồng. Sau khi nhận tiền về, trường chỉ trả 371 triệu đồng cho học sinh, bà Sơn tự ý giữ lại 135 triệu đồng để chia cho các cán bộ, giáo viên trong trường.

Được biết, Trường tiểu học Yang Hăn có 40 cán bộ giáo viên được nhận tiền từ quyết định của bà Sơn. Tuy nhiên, có 3 giáo viên và 1 kế toán không nhận số tiền này và có người làm đơn tố cáo hành vi nêu trên của hiệu trưởng. Hiện số tiền huy động sai cũng đã được trả lại cho học sinh nghèo.

Ông Phạm Đăng Khoa, giám đốc Sở GD-ĐT Đắk Lắk, cho biết đơn vị vừa có văn bản chấn chỉnh trong toàn ngành sau sự cố huy động bất chấp quy định, thiếu nhân văn vừa qua tại huyện Buôn Đôn và Krông Bông. 

Theo ông Khoa, hằng năm sở đều có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn để ngăn chặn tình trạng lạm thu, lạm dụng việc huy động nguồn lực xã hội hóa.

"Chính sách đầu tư cho giáo dục luôn ưu tiên các trường vùng sâu vùng xa nên không thể lấy lý do cơ sở vật chất thiếu thốn để rồi huy động tràn lan, bất chấp" - ông Khoa nhấn mạnh. 

Đáng buồn là số tiền bớt xén của học sinh nghèo mà số đông giáo viên cũng "vô tư, im lặng" nhận luôn (như ở Trường Yang Hăn có 40 giáo viên nhận, chỉ 3 giáo viên và 1 kế toán không nhận).

Gần nhất, sự việc 100% học sinh Trường THCS 719 (xã Ea Kly, Krông Pắk) phải đi học thêm dưới "chiêu" tổ chức dạy phụ đạo cho học sinh yếu và bồi dưỡng cho học sinh giỏi có thu tiền cũng chỉ được phát hiện khi các giáo viên tại trường này làm đơn phản ánh đến các cấp yêu cầu hiệu trưởng nhà trường phải chi trả đầy đủ số tiền, số tiết mình đã dạy thêm trong năm học 2017-2018. 

Nghĩa là các giáo viên cũng có thể biết rõ 100% học sinh nhà trường phải đi học thêm nhưng vẫn "vô tư" đi dạy, chỉ đến khi quyền lợi bị ảnh hưởng thì mọi việc mới vỡ lở.

Đối với giáo viên vùng sâu vùng xa tuy gặp nhiều khó khăn hơn các nơi khác nhưng cũng được hỗ trợ tăng thêm thu nhập từ Nhà nước. Vậy nên cả 3 sự việc kể trên là việc làm không thể chấp nhận và rất đáng suy nghĩ, dù có thể rất đau lòng hoặc vẫn còn ý kiến khác.

Cuối cùng, nên nhớ rằng cả 3 vụ việc trên được đưa ra ánh sáng đều từ việc tố cáo, nghĩa là có thể có nhiều câu hỏi dành cho công tác quản lý, kiểm tra từ chính ngành giáo dục của tỉnh này.

Hiểu sai để... lạm thu? Hiểu sai để... lạm thu?

TTO - Đầu năm học, nhiều trường đã viện dẫn việc làm đúng quy định của thông tư 29 (thông tư 29/2012/TT-BGD-ĐT) để vận động phụ huynh hỗ trợ trường sửa chữa, mua sắm thiết bị.

TRUNG TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên