14/09/2018 08:41 GMT+7

Đến lượt trường đại học, cao đẳng lạm thu

MINH GIẢNG
MINH GIẢNG

TTO - Sinh viên trúng tuyển nhiều trường đại học, cao đẳng phải đóng cả chục loại phụ phí khác nhau khi nhập học năm 2018. Cộng lại, nhà trường thu tới tiền tỉ.

Đến lượt trường đại học, cao đẳng lạm thu - Ảnh 1.

Theo thông báo nhập học của các trường, nhiều trường đại học chỉ thu hai khoản bắt buộc là học phí và bảo hiểm y tế, tuy nhiên không ít trường lại thu đến cả chục khoản khác nhau với nhiều khoản "thu lạ" và mức phí cũng chênh lệch khá lớn giữa các trường.

Thu tiền tỉ từ phí nhập học

Trong số các khoản phụ phí mà tân sinh viên phải đóng, lệ phí nhập học hay tiền đón tiếp là khoản mơ hồ và cao nhất.

Tại Trường ĐH Y Hà Nội, tiền đón tiếp và thủ tục nhập học 100.000 đồng, phí hoạt động áp dụng công nghệ sinh trắc học 90.000 đồng, phí phục vụ thư viện ngoài giờ 180.000 đồng, cùng các loại phụ phí khác có giá từ 20.000 - 40.000 đồng tùy khoản thu như tiền chuyển phát nhanh giấy báo nhập học, tiền hồ sơ ký túc xá, tiền hỗ trợ dạy học trực tuyến...

Không ít trường triệt để thu lệ phí nhập học với mức rất cao. Sinh viên trúng tuyển Trường ĐH Dược Hà Nội phải đóng tiền tài liệu và phí đón tiếp nhập học lên đến 378.000 đồng, Trường ĐH Thủ Dầu Một với mức thu lệ phí nhập học 370.000 đồng/sinh viên.

Trường ĐH Kinh tế kỹ thuật Bình Dương thu lệ phí nhập học lên đến 700.000 đồng/sinh viên, Trường CĐ Xây dựng TP.HCM cũng thu phí nhập học và sinh hoạt đầu khóa 250.000 đồng, Trường CĐ Sư phạm Nghệ An thu 100.000 đồng, Trường ĐH An Giang thu 50.000 đồng...

Như Trường ĐH Thủ Dầu Một, với tổng chỉ tiêu tuyển sinh 3.850 sinh viên, nếu sinh viên nhập học đủ, chỉ riêng lệ phí nhập học đã thu gần 1,5 tỉ đồng; 

ĐH Ngân hàng TP.HCM thu hơn 500 triệu đồng, ĐH Kinh tế kỹ thuật Bình Dương thu hơn 660 triệu đồng, ĐH Dược Hà Nội thu hơn 200 triệu đồng, ĐH Y Hà Nội thu hơn 100 triệu đồng...

Đại diện một trường giải thích lệ phí nhập học được trang trải cho các chi phí trang trí, bố trí sinh viên hỗ trợ, văn nghệ và các chi phí liên quan đến tài liệu hướng dẫn tân sinh viên nhập học. 

Với các trường công, chi phí cho các hoạt động này rất hạn chế nên buộc phải thu từ sinh viên để chi trả.

Đến lượt trường đại học, cao đẳng lạm thu - Ảnh 2.

Đủ loại phụ phí khác

Bên cạnh lệ phí nhập học, các khoản phụ phí khác cũng được các trường khai thác triệt để. Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM thu rất nhiều khoản phí khác nhau. Trong đó, phí thư viện toàn khóa 600.000 đồng/sinh viên, lệ phí kiểm tra tiếng Anh, tin học 300.000 đồng/sinh viên.

Trường CĐ Kinh tế TP.HCM thu phí chương trình học kỹ năng mềm tại tuần sinh hoạt công dân đầu khóa lên đến 675.000 đồng/sinh viên. Với 1.500 chỉ tiêu, chỉ tính riêng phí học kỹ năng mềm đầu khóa, Trường CĐ Kinh tế TP.HCM đã thu hơn 1 tỉ đồng.

Trường CĐ Lý Tự Trọng lại thu phí thư viện 50.000 đồng/học kỳ, giấy thi - giấy nháp 40.000 đồng/học kỳ, niên giám và giáo dục định hướng 100.000 đồng.

Không ít trường đã tận thu đủ các khoản phí rất lạ. Học viện Chính sách phát triển thu 300.000 đồng/sinh viên cho các khoản phí hồ sơ sinh viên, sổ ngoại trú, giấy chứng nhận tuần sinh hoạt công dân đầu khóa, phiếu khảo sát tuần sinh hoạt công dân đầu khóa; giấy chứng nhận ngày công tác xã hội (khi tốt nghiệp ra trường), sổ tay sinh viên và tài liệu học tập tuần lễ công dân đầu năm học...

Học viện Ngân hàng thu 140.000 đồng/sinh viên cho các khoản lệ phí nhập học, túi hồ sơ in sẵn, thẻ sinh viên và dây đeo, sổ tay sinh viên. Trường CĐ Sư phạm trung ương thu phí thẻ sinh viên, thẻ thư viện, hồ sơ sinh viên, an ninh xung kích... 290.000 đồng/sinh viên.

Ở nhiều trường khác, sinh viên phải đóng tiền cơ sở vật chất hay phí vệ sinh, nước uống, thậm chí lệ phí xét tuyển dù sinh viên đã đóng khi đăng ký xét tuyển. Trường ĐH Dệt may Hà Nội lại thu tiền vệ sinh công cộng 100.000 đồng/năm, nước uống 100.000 đồng/năm.

Tương tự, Trường ĐH Buôn Ma Thuột cũng thu 100.000 đồng/sinh viên tiền nước uống cho mỗi năm học. Trường ĐH Yersin, CĐ Công thương thu lệ phí xét tuyển 30.000 đồng/sinh viên, ĐH Công nghệ Đông Á thu đến 150.000 đồng/sinh viên...

Ngoài học phí, sinh viên Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật TP.HCM phải đóng phí cơ sở vật chất phục vụ học tập. Sinh viên khối văn hóa, du lịch đóng 200.000 đồng/năm học; khối âm nhạc, sân khấu, mỹ thuật đóng 450.000 đồng/năm học.

Chưa hết, sinh viên trường này còn phải đóng phí thẻ thư viện, mượn và tra cứu tài liệu 200.000 đồng/khóa học...

Một loại thu, chênh lệch cả chục lần

Khám sức khỏe là điều kiện bắt buộc đối với tất cả tân sinh viên. Tuy nhiên mức phí ở các trường lại chênh nhau cả chục lần.

Trong khi mức phí được áp dụng phổ biến tại nhiều trường là 30.000 - 40.000 đồng thì ở Trường ĐH Dược Hà Nội thu phí khám sức khỏe lên đến 340.000 đồng, Học viện Chính sách phát triển thu 300.000 đồng, Trường ĐH Lao động xã hội (cơ sở 2) 260.000 đồng, Học viện Ngân hàng 200.000 đồng, Trường ĐH Buôn Ma Thuột thu 178.000 đồng...

Một khoản khác là bảo hiểm tai nạn (tự nguyện) cũng có mức phí rất chênh lệch giữa các trường.

Trong khi nhiều trường thu từ 40.000 - 60.000 đồng/năm thì nhiều trường thu 100.000 đồng/năm, Trường ĐH Kiên Giang thu đến 150.000 đồng/năm.

Lệ phí kiểm tra tiếng Anh, tin học, nhiều trường cũng thu phí rất cao, từ 150.000 - 300.000 đồng/môn.

Bức xúc chuyện bạo hành, lạm thu Bức xúc chuyện bạo hành, lạm thu

TTO - Không phải ngẫu nhiên mà nhiều đại biểu đã cố ý nhấn mạnh những vấn đề trên tại Hội nghị chuyên đề về công tác chuẩn bị năm học mới 2018-2019 do Ủy ban MTTQ VN TP.HCM tổ chức sáng 15-8.

MINH GIẢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên