18/01/2022 12:30 GMT+7

Khi nhà giàu cho tiền - Kỳ 6: Còn kêu gọi quyên góp, còn có lừa đảo

DẠ THẢO
DẠ THẢO

TTO - GS luật Lloyd Hitoshi Mayer tại Đại học Notre Dame (Mỹ) nhận định sau khi thảm họa xảy ra, mọi người đều muốn tìm cách giúp đỡ các nạn nhân nhanh nhất, và đây chính là cơ hội cho bọn lừa đảo ra tay.

Khi nhà giàu cho tiền - Kỳ 6: Còn kêu gọi quyên góp, còn có lừa đảo - Ảnh 1.

Nữ diễn viên Celeste Barber tham gia buổi hòa nhạc cứu trợ cháy rừng tại sân vận động ANZ ở Sydney ngày 16-2-2020 - Ảnh: AAP

Trong vòng 24 tiếng sau khi lốc xoáy kinh hoàng tấn công sáu bang nước Mỹ vào tháng cuối năm 2021, ông Andy Beshear - thống đốc bang Kentucky - đã thành lập Quỹ cứu trợ lốc xoáy đội Tây Kentucky.

Chừng nào còn chuyện gây quỹ từ thiện thì vẫn còn khả năng xảy ra lừa đảo.

GS LLOYD HITOSHI MAYER

Còn quyên góp từ thiện là còn lừa đảo

Lâu nay các khoản quyên góp huy động từ cộng đồng đã trở thành nguồn cứu trợ thiên tai chủ yếu và thường quyên được khoản tiền cứu trợ đáng kể.

Năm 2017 ở Mỹ, ngôi sao bóng bầu dục J.J. Watt đã nhanh chóng quyên góp hơn 40 triệu USD giúp đỡ các nạn nhân bão Harvey. Năm 2020, sau hàng loạt vụ cháy rừng ở Úc, nữ nghệ sĩ hài Celeste Barber đã kêu gọi quyên góp, cuối cùng thu được hơn 50 triệu đôla Úc và chuyển tiền cho quỹ quyên góp của lực lượng cứu hỏa nông thôn bang New South Wales.

Đến nay, Quỹ CDC (Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật Mỹ) đã quyên góp được hơn 51 triệu USD trong chiến dịch "Nghiền nát COVID".

GS luật Lloyd Hitoshi Mayer tại Đại học Notre Dame (Mỹ) nhận định sau khi thảm họa xảy ra, mọi người đều muốn tìm cách giúp đỡ các nạn nhân nhanh nhất, và đây chính là cơ hội cho bọn lừa đảo ra tay.

Do đó, không có gì ngạc nhiên khi thống đốc bang Kentucky lập ngay quỹ từ thiện cộng đồng (gây quỹ trực tiếp từ người dân) để bổ sung cho nguồn cứu trợ nhà nước.

GS Mayer phân tích, có hai yếu tố trong quá trình quyên góp từ thiện cộng đồng rất dễ dẫn đến lừa đảo. Một là từ thiện liên quan đến đám đông.

Cuối năm 2017, cặp đôi Katelyn McClure và Mark D'Amico ở hạt Burlington (bang New Jersey) đã đăng trên trang web GoFundMe (trang chuyên kêu gọi từ thiện) một câu chuyện đầy ắp tình người. Vào một đêm giá lạnh tháng 10-2017, ôtô của cô McClure hết xăng ở Philadelphia và một cựu binh hải quân vô gia cư tên Johnny Bobbitt Jr. đã móc túi đưa cho cô 20 USD cuối cùng để cô đổ xăng về nhà.

Cặp đôi nêu trên đã mở chiến dịch "Đáp đền tiếp nối" (Paying it Forward) kêu gọi giúp đỡ Bobbitt. Khoảng 14.000 người hảo tâm ở Mỹ và các nước đã đóng góp hơn 400.000 USD. Cặp đôi McClure và D'Amico cùng cựu binh Bobbitt vui vẻ chụp ảnh lưu niệm tại nơi xảy ra câu chuyện. Ba người còn xuất hiện trên đài truyền hình quốc gia, thậm chí tính chuyện ký hợp đồng viết sách và làm phim.

Cuối cùng câu chuyện cảm động nêu trên chỉ là trò bịp bợm. Cặp đôi nọ mua một chiếc xe-nhà di động cho Bobbitt và chuyển khoản cho 25.000 USD rồi dùng số tiền còn lại đi nghỉ mát, mua xe sang, ăn chơi vung vít như ở Las Vegas.

Sau đó, Bobbitt tiếp tục cuộc sống vô gia cư, nghiện ma túy, đi ăn xin rồi khai ra hết với cảnh sát và báo chí. Ba người bị truy tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. McClure và Bobbitt nhận tội vào năm 2019 và chờ ngày ra tòa. Đến cuối tháng 11-2021 D'Amico mới nhận tội.

Hai là kẻ lừa đảo có thể kêu gọi quyên góp từ cộng đồng bằng cách khai thác tình cảm chính trị hơn là tình người. Năm 2020, các công tố viên liên bang đã buộc tội Steve Bannon - cựu cố vấn cấp cao của tổng thống Trump và ba người khác vì đã lừa đảo hàng ngàn người đóng góp tiền cho chiến dịch xây dựng bức tường dọc biên giới Mỹ - Mexico. Bốn người này đã xà xẻo tiền quyên góp để chi trả cho các chi phí cá nhân.

Các chiến dịch quyên góp cộng đồng theo kiểu truyền thống trước đây thường gửi thư và gọi điện thoại nên tốn rất nhiều thời gian. Còn hiện nay, quyên góp từ thiện rất nhanh chóng, rẻ tiền và không cần phải tạo trang web riêng. Chỉ cần mở chiến dịch quyên góp trên nền tảng GoFundMe, chỉ trong vài phút ai cũng biết. Nền tảng GoFundMe còn cho phép mọi người kêu gọi quyên góp cho nhu cầu cá nhân như trả tiền viện phí cho bản thân.

Từ năm 2015 - 2020, khoảng 45 triệu người ở Mỹ đã sử dụng Facebook để quyên góp hoặc gây quỹ từ thiện với số tiền hơn 3 tỉ USD.

Khi nhà giàu cho tiền - Kỳ 6: Còn kêu gọi quyên góp, còn có lừa đảo - Ảnh 3.

Cựu binh Johnny Bobbitt Jr. (trái) cùng cặp đôi Kate McClure và Mark D'Amico tại trạm xăng ở Philadelphia ngày 17-11-2017 - Ảnh: AP

Mỹ chưa có luật về quyên góp từ thiện ở cấp liên bang

Theo GS Lloyd Hitoshi Mayer, đến nay Mỹ chưa ban hành các quy định điều chỉnh các cá nhân mở chiến dịch quyên góp và các nền tảng huy động tiền quyên góp từ cộng đồng.

Nguyên do từ nhiều thập niên trước, các bang đã ban hành quy định pháp luật về từ thiện trong giai đoạn các tổ chức từ thiện thường quyên tiền trực tiếp hoặc thông qua luật sư. Vì vậy luật không nói gì đến cá nhân quyên tiền cho bản thân hoặc quyên tiền cho tổ chức từ thiện, cũng như bỏ qua các nền tảng kêu gọi từ thiện mới xuất hiện gần đây.

Đến cuối năm 2021, Mỹ chưa có quy định pháp luật nào điều chỉnh vấn đề quyên góp từ thiện ở cấp liên bang. Bang California đã trở thành bang đầu tiên thông qua luật điều chỉnh vấn đề quyên góp tiền từ thiện từ cộng đồng sau khi Thống đốc Gavin Newson ký dự luật Quốc hội bang số 488 vào tháng 10-2021 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2023). Luật mới yêu cầu ba điều:

*Các tổ chức từ thiện quyên góp trực tuyến và các nền tảng tổ chức quyên góp cho các tổ chức từ thiện phải đăng ký và gửi báo cáo thường xuyên với Cơ quan Đăng ký quỹ từ thiện của bang.

* Các tổ chức từ thiện và các nền tảng quyên góp từ thiện phải công khai thông tin tài chính và biên nhận sao kê nếu có yêu cầu.

* Các nền tảng quyên góp từ thiện phải nhanh chóng phân phát các khoản quyên góp được cho các tổ chức từ thiện theo chỉ định và phải được tổ chức từ thiện đồng ý bằng văn bản trước khi mở chiến dịch quyên góp cho tổ chức đó.

GS Mayer đánh giá các nhà làm luật của bang California mong muốn điều chỉnh vấn đề quyên góp từ thiện để bảo đảm mọi khoản quyên góp được chuyển đến các cá nhân và tổ chức từ thiện mà người quyên góp mong muốn.

Ngoài ra, họ không muốn luật hóa quá đáng công việc quyên góp từ thiện đến mức các cá nhân hảo tâm và các tổ chức từ thiện hợp pháp ngần ngại kêu gọi quyên góp, bởi phải lo đối phó với gánh nặng pháp lý.

Nói cách khác, mọi đạo luật và quy định mới không chỉ nhằm ngăn chặn gian lận trong quyên góp tiền từ thiện từ cộng đồng mà còn phải khuyến khích mọi người mở lòng ra đóng góp từ thiện. Song cần phải có thời gian để xem liệu ngăn chặn lừa đảo từ thiện bằng các công việc đăng ký, báo cáo, cung cấp thông tin và nhiều yêu cầu khác nữa đã đủ sức xây dựng tính minh bạch và trách nhiệm giải trình mà không tạo thêm gánh nặng cho các tổ chức từ thiện và các nền tảng quyên góp hợp pháp hay không.

Các vụ trừng phạt tổ chức từ thiện lừa đảo ở Mỹ rất ít. Trường hợp ngoại lệ xảy ra vào năm 2015. Ủy ban Thương mại liên bang (cơ quan phụ trách giám sát và bảo vệ người tiêu dùng đối với các hành vi kinh doanh chống cạnh tranh, lừa đảo hoặc không công bằng) đã xử lý bốn tổ chức từ thiện gồm Quỹ ung thư Mỹ, Dịch vụ hỗ trợ bệnh nhân ung thư, Quỹ ung thư trẻ em Mỹ và Hội Ung thư vú.

Theo điều tra, bốn tổ chức phi lợi nhuận hoạt động từ thiện nêu trên do James Reynolds Sr., vợ cũ, con trai và một số bạn bè lập ra. Thay vì sử dụng 187 triệu USD tiền quyên góp để giúp đỡ những người mắc bệnh ung thư, nhóm này đã dùng tiền mua xe hơi, đi du lịch hạng sang, đi du thuyền, trả học phí...

Cuối cùng, bốn kẻ lừa đảo tiền từ thiện đạt thỏa thuận ngừng hoạt động từ thiện và phải nộp một khoản tiền phạt cao.

**********

Đại dịch COVID-19 gây khốn đốn cho nhiều tỉ người nhưng tài sản của nhà giàu vẫn tăng với mức kỷ lục. Nhiều ý kiến đòi đánh thuế tài sản nhà giàu để rút ngắn khoảng cách giàu - nghèo.

>> Kỳ tới: Nhà giàu vẫn tiếp tục giàu trong đại dịch

Khi nhà giàu cho tiền - Kỳ 5: Nhà giàu đánh bóng tên tuổi Khi nhà giàu cho tiền - Kỳ 5: Nhà giàu đánh bóng tên tuổi

TTO - Cuối năm 2021, Bảo tàng Mỹ thuật Metropolitan ở New York (Mỹ) thông báo đã đạt được thỏa thuận với gia đình Sackler về việc rút tên gia đình này khỏi bảy phòng trưng bày.

DẠ THẢO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên