Các nạn nhân phản đối thuốc OxyContin trước Bộ Tư pháp Mỹ ngày 3-12-2021 - Ảnh: AP
Trước đó, bảo tàng này và nhiều bảo tàng khác như Tate Modern ở Anh, Guggenheim ở New York, Louvre ở Pháp đã thông báo ngừng nhận mọi khoản tài trợ từ gia đình này.
Chạy đua đánh bóng tên tuổi
Gia đình Sackler thuộc giới thượng lưu New York, là một trong những gia đình làm từ thiện nổi tiếng suốt nửa thế kỷ qua ở Mỹ. Trong thập niên 1950, họ mua lại Công ty dược phẩm Purdue Pharma rồi ngày càng giàu thêm nhờ sản xuất OxyContin, một loại thuốc giảm đau cực mạnh thuộc nhóm opioid. Với lợi nhuận thu được từ kinh doanh dược phẩm, họ đã tài trợ nhiều triệu USD cho các bảo tàng nghệ thuật và các bảo tàng đã đặt tên của gia đình này cho một số phòng trưng bày.
Đồng tiền từ thiện không hẳn là đồng tiền sạch. OxyContin là thuốc gây nghiện cao nhưng trong những năm 1990 lại được kê đơn vô tội vạ. Gia đình Sackler bị cáo buộc đã đưa phong bì cho các bác sĩ để kê đơn OxyContin vô tội vạ, từ đó phát sinh thị trường kinh doanh trái phép dẫn đến hơn 500.000 ca tử vong do sử dụng OxyContin quá liều trong 20 năm qua ở Mỹ.
Gia đình Sackler đã lập kế hoạch phá sản nhưng ngày 16-12-2021, tòa án không chấp thuận kế hoạch. Sắp tới họ sẽ vướng vào nhiều vụ kiện đòi bồi thường với số tiền lên đến 4,5 tỉ USD.
Lịch sử hoạt động từ thiện quy mô lớn cho thấy bên cạnh nhiều nhà tài trợ có lòng vị tha như ông Chuck Feeney với triết lý "Cho đi khi còn sống" hoặc nữ tỉ phú MacKenzie Scott làm từ thiện theo cách ẩn danh, ngược lại vẫn có một số nhà tài trợ làm từ thiện chỉ để lấy tiếng chơi trội.
Nhà báo Anand Gridharas, nguyên cây bút bình luận của báo Time (Mỹ), đánh giá cuộc đua cạnh tranh từ thiện dẫn đến nhiều khoản tài trợ phô trương chỉ nhằm đánh bóng cá nhân. Rõ nét nhất là cuộc đua vào vũ trụ của ba tỉ phú Jeff Bezos (Công ty Blue Origin), tỉ phú Richard Branson (Công ty Virgin Atlantic) và tỉ phú Elon Musk (Công ty SpaceX). Họ vẫn thường dùng từ ngữ đao to búa lớn để mô tả nỗ lực thúc đẩy kinh doanh du lịch vũ trụ.
Sau khi trở thành tỉ phú đầu tiên bay lên vũ trụ hôm 11-7-2021, Branson đã tán dương chủ nghĩa bình đẳng: "Hãy tưởng tượng một thế giới nơi mọi người thuộc mọi lứa tuổi, mọi hoàn cảnh, ở mọi nơi, mọi giới tính, mọi sắc tộc đều có quyền bình đẳng tiếp cận không gian. Theo tôi, rồi sẽ đến lượt họ truyền cảm hứng cho chúng ta khi họ trở về trái đất".
Song như tạp chí Town & Country (Mỹ) nhận xét, các tỉ phú Mỹ không thể che giấu ý định mong muốn trở thành người đầu tiên và là người đi xa nhất trên vũ trụ nhiều hơn là hành động vì lý tưởng nhân đạo hay bình đẳng.
Ngay sau khi Jeff Bezos trở về trái đất ngày 20-7-2021 sau chuyến bay vào vũ trụ dài 11 phút, ông đưa ra thông báo bất ngờ: ông đã thành lập giải thưởng "Dũng cảm và Văn minh" và những người đoạt giải đầu tiên là đầu bếp nổi tiếng José Andrés cùng nhà phân tích tin tức truyền hình Van Jones. Mỗi người nhận được 100 triệu USD tiền thưởng.
Vì sao giải thưởng này được thông báo ngay sau chuyến bay lên vũ trụ của Bezos? Các nhà phân tích hoạt động từ thiện đánh giá đây là động thái quan hệ công chúng vội vàng nhằm đáp trả những lời phàn nàn cho rằng tỉ phú Bezos không tập trung tiền từ thiện vào các vấn đề mà thế giới đang đối phó.
Ngoài ra, cách làm của Bezos dường như muốn cạnh tranh với người vợ cũ MacKenzie Scott khi Bezos tuyên bố tiền thưởng 200 triệu USD không kèm theo bất kỳ điều kiện gì. Trước đó vào cuối năm 2020, báo New York Daily News đã từng viết: "Tính hào phóng của bà MacKenzie Scott đã làm hổ thẹn nhiều tỉ bạc của Jeff Bezos".
Nhiều tỉ phú đã sử dụng chiến lợi phẩm giàu có đáng ngờ để tẩy rửa danh tiếng và tạo cơ hội tiếp tục thực hiện những gì họ đang làm.
ANAND GRIDHARAS
Tỉ phú Jeff Bezos khui sâm banh sau chuyến bay lên vũ trụ ngày 20-7-2021 - Ảnh: Blue Origin
Giới siêu giàu mua ảnh hưởng
Những năm gần đây, nhà giàu ở Mỹ không tài trợ nhiều cho lĩnh vực văn hóa như trước mà chú trọng tài trợ cho các dự án công vốn thuộc trách nhiệm của nhà nước. Nhiều ý kiến chỉ trích đây có thể là kịch bản tạo tiền đề cho giới siêu giàu kiểm soát đời sống công cộng. Báo Time đã lấy thành phố Kalamazoo với 74.000 dân ở bang Michigan làm ca điển hình.
Cuối tháng 7-2021, tại cuộc họp báo trước tòa thị chính Kalamazoo, ông thị trưởng David Anderson đã vung tay lên trời hét lên: "Oa! bốn! trăm! triệu! USD!" khi thông báo Quỹ xuất sắc Kalamazoo đã nhận được khoản tài trợ ẩn danh 400 triệu USD. Quỹ này được sử dụng nhằm bù đắp cho các khoản thiếu hụt ngân sách, giảm thuế và tài trợ cho các dự án công. Tuy nhiên, đã có nhiều tai tiếng liên quan đến quỹ này.
Khi các nhà tài trợ William Parfet và William Johnston - hai trong số những người giàu nhất Kalamazoo - cam kết tặng 70 triệu USD cho thành phố làm cơ sở để Quỹ xuất sắc Kalamazoo ra đời năm 2017, họ đã yêu cầu thành phố phải hủy bỏ thuế thu nhập đã đề xuất và giảm thuế tài sản. Ngoài ra, tiền tài trợ không được chuyển một lần mà sẽ được chi nhiều năm.
Các ý kiến chỉ trích cho rằng hóa ra thành phố Kalamazoo đã trở thành con tin cho những bốc đồng của các nhà tài trợ giàu có. Johnston và Parfet cam kết huy động đủ tiền để duy trì Quỹ xuất sắc Kalamazoo hoạt động lâu dài, thế nhưng nếu họ không giữ lời thì thành phố có nguy cơ mất khả năng thanh toán.
Đặc biệt chỉ một số ít người biết khoản tài trợ 400 triệu USD được công bố vào mùa hè năm 2021 có nguồn gốc từ đâu. Quỹ xuất sắc Kalamazoo không tiết lộ các nhà tài trợ ẩn danh vì bị ràng buộc vào điều kiện quy định khoản tài trợ 400 triệu USD sẽ bị thu hồi nếu danh tính các nhà tài trợ bị lộ.
Ông Shannon Sykes-Nehring, nguyên ủy viên thành phố Kalamazoo, nhận xét: "Tôi sợ nhất là giờ đây họ có thể mua được ảnh hưởng của chính quyền thành phố... Vấn đề cần cân nhắc là liệu chúng ta có giữ vững thành phố nếu chúng ta làm phiền những người chi trả hóa đơn hay không?".
David Callahan - chủ biên chuyên trang từ thiện Inside Philanthropy, tác giả cuốn Các nhà tài trợ: Giàu có, quyền lực và lòng từ thiện trong kỷ nguyên vàng mới - nhận định các giao dịch như ở Kalamazoo có thể tạo ra tiền lệ hết sức nguy hiểm.
Ông giải thích: "Điều tệ hại có thể xảy ra nếu các tỉ phú không thích những gì thành phố làm và nói: chúng tôi sẽ không tiếp tục tài trợ trừ phi mấy ông làm khác đi. Trong một thành phố nhỏ không nhiều tài nguyên như Kalamazoo, quyền lực của các nhà tài trợ lớn cho hàng chục triệu USD lớn hơn rất nhiều".
Để đánh giá mức độ hoạt động từ thiện của các tỉ phú, tạp chí Forbes đã sử dụng thang điểm gồm năm mức: điểm 1 dành cho người làm từ thiện ít hơn 1% tài sản, điểm 2 từ 1% đến 4,99% tài sản, điểm 3 từ 5% đến 9,99% tài sản, điểm 4 từ 10% đến 19,99% tài sản và điểm 5 từ 20% tài sản trở lên.
Đối chiếu danh sách 400 người giàu nhất nước Mỹ năm 2021 với năm trước đó, kết quả cho thấy chỉ có 8 tỉ phú đạt được điểm 5 so với 10 người năm 2020, điểm 4 từ 19 người giảm còn 11 người, điểm 3 từ 56 người giảm còn 44 người, điểm 2 từ 120 người giảm còn 44 người. Ở điểm 1, con số 127 người của năm 2020 đã tăng lên 156 người trong năm 2021. Trong danh sách điểm 1 có hai tỉ phú Jeff Bezos và Elon Musk đã vung tiền chạy đua lên vũ trụ.
>> Kỳ tới: Tiền từ thiện bịp bợm
Một câu chuyện đầy ắp tình người được đăng lên mạng. Tiền từ các nơi gửi về giúp đỡ. Rốt cuộc những người bịa đặt câu chuyện đã dùng tiền quyên góp ăn chơi vung vít.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận