13/01/2022 13:06 GMT+7

Khi nhà giàu cho tiền - Kỳ 1: Chuck Feeney với triết lý 'cho đi khi còn sống'

DẠ THẢO
DẠ THẢO

TTO - Những tỉ phú đôla như Chuck Feeney hay MacKenzie Scott... đem phần lớn tài sản làm từ thiện giúp người và không muốn nêu danh tính.

Khi nhà giàu cho tiền - Kỳ 1: Chuck Feeney với triết lý cho đi khi còn sống - Ảnh 1.

Ông Chuck Feeney (giữa), vợ ông và ông Christopher Oechsli - Ảnh: news.cornell.edu

Ngược lại, cũng có những tỉ phú bỏ tiền ra tài trợ vì thích người khác làm theo ý mình hoặc muốn đánh bóng tên tuổi. Đồng tiền từ thiện không chỉ có mặt phải tốt đẹp...

Khiêm tốn, có đầu óc chiến lược, thương người, có sức lôi cuốn, phức tạp... là những từ ngữ được dùng để mô tả ông Charles F. Feeney (Chuck Feeney) - người sáng lập quỹ từ thiện Atlantic và là người luôn tin rằng cách sử dụng tài sản tốt nhất là mang phần lớn tài sản giúp đỡ người khác.

Nếu bạn muốn cho đi, hãy cho đi ngay từ bây giờ. Điều đó thú vị hơn nhiều so với khi bạn đã qua đời.

CHUCK FEENEY

Làm từ thiện không phô trương

Chuck Feeney sinh năm 1931 tại Elizabeth (bang New Jersey) trong một gia đình Mỹ gốc Ireland. Mẹ ông làm y tá, còn cha ông là nhân viên thẩm định bảo hiểm. Từ nhỏ, ông đã xúc tuyết và bán thiệp Giáng sinh tận nhà để kiếm tiền. 

Lớn lên trong thời kỳ Đại suy thoái ở Mỹ (năm 1929 - 1933), hình ảnh những người đói khát đã tác động đến quyết tâm làm từ thiện của ông sau này.

Năm 17 tuổi, ông tình nguyện nhập ngũ. Sau bốn năm làm lính thông tin vô tuyến điện cho lực lượng tình báo không quân Mỹ tại Nhật, ông theo học Đại học Cornell bằng tiền trợ cấp cựu quân nhân. 

Nhiều sinh viên đã gọi ông là "anh bán bánh mì kẹp thịt", vì ngay năm học đầu tiên ông đã kiếm tiền bằng cách bán bánh mì bologna (bánh mì kẹp nướng ăn với giò xắt lát) cho các bạn học. Trong số người mua bánh mì có người bạn cùng lớp Robert W. Miller.

Năm 1958, Feeney hợp tác với Miller thành lập Công ty kinh doanh hàng miễn thuế Duty Free Shoppers (DFS). 

Từ các cửa hàng miễn thuế ở Honolulu và Hong Kong, dần dà DFS trở thành nhà kinh doanh hàng cao cấp, xì gà và rượu lớn nhất thế giới và đưa Feeney và Miller lên hàng tỉ phú. 

Theo tạp chí Forbes, năm 1967 DFS đã chia cho Feeney cổ tức trị giá 12.000 USD. 10 năm sau, con số này tăng lên 12 triệu USD mỗi năm.

Dù kinh doanh thành công, Feeney lại cảm thấy không thoải mái với khối tài sản kếch xù. Noi gương tính hay giúp người khó khăn của mẹ, ảnh hưởng lòng bác ái trong thời gian học tại trường trung học Đức mẹ lên trời tại Elizabeth và say mê bài "Phúc âm của sự giàu có" của doanh nhân Andrew Carnegie (nêu trách nhiệm làm từ thiện của tầng lớp nhà giàu tự lập thân), năm 1982 ông thành lập quỹ từ thiện Atlantic.

Sau những bước đi đầu tiên trong hoạt động từ thiện và sau khi cân nhắc nhu cầu của bản thân và gia đình, Feeney quyết tâm dành hầu hết tài sản để làm từ thiện. 

Năm 1984, ông bí mật chuyển nhượng toàn bộ cổ phần trong DFS (được định giá lên tới hàng trăm triệu USD) cho quỹ Atlantic với hình thức không thể thu hồi. Tài sản riêng của ông giảm xuống còn chưa tới 5 triệu USD.

Điều đặc biệt nơi Feeney là ông mong muốn nguồn tài trợ từ quỹ Atlantic phải mang tính chất ẩn danh. Trong hơn 10 năm, quỹ Atlantic đã bí mật nắm giữ 38,75% cổ phần của DFS. 

Danh tính của ông và quỹ Atlantic không bao giờ xuất hiện trên các tấm biển trước các tòa nhà hay trong các chương trình từ thiện. Rất nhiều tổ chức nhận tiền tài trợ của quỹ Atlantic nhưng không biết đến từ đâu. Một số người có biết cũng thề giữ bí mật.

Ông Christopher G. Oechsli - nguyên chủ tịch kiêm giám đốc điều hành quỹ Atlantic từ năm 2011 - nhận xét: "Mong muốn ẩn danh là sự kết hợp giữa tính khiêm tốn của Chuck với ước muốn làm việc thầm lặng và khôn khéo. Ông ấy muốn gặp gỡ mọi người, trò chuyện, học hỏi và hành động mà không cần thu hút nhiều chú ý hay được mọi người công nhận".

Khi nhà giàu cho tiền - Kỳ 1: Chuck Feeney với triết lý cho đi khi còn sống - Ảnh 3.

Ông Feeney, 90 tuổi, trong căn hộ thuê tại San Francisco - Ảnh: Instagram

Triết lý "Cho đi khi còn sống"

Tương tự cách làm ăn của các doanh nghiệp, Chuck Feeney luôn tìm kiếm cơ hội đầu tư tiền tài trợ vào các địa phương có tiềm năng ngầm và các nhà lãnh đạo mong muốn thay đổi (như một trường đại học hoặc một khoa điều trị tim mới mở). Ông chọn địa điểm và quyết định cần tài trợ những gì.

Trong 8 vùng nhận tài trợ lớn từ quỹ Atlantic, ông đều có mối quan hệ hoặc mong muốn tạo khác biệt. Ông chú trọng đầu tư cho giáo dục vì tin rằng giáo dục là động lực cần thiết để cá nhân và xã hội phát triển. 

Năm 2015, quỹ Atlantic thành lập chương trình quản trị giáo dục Atlantic Fellows với cam kết tài trợ hơn 600 triệu USD hỗ trợ cho hàng ngàn nghiên cứu sinh trên toàn cầu trong hai thập niên tới và sau đó.

Năm 1996, Feeney muốn chuyển nhượng cổ phần trong chuỗi cửa hàng miễn thuế DFS cho Công ty thời trang cao cấp Louis Vuitton Moët Hennessy (LVMH) ở Pháp. Người bạn Robert W. Miller - đối tác của ông - phản đối. 

Sự việc được đưa ra tòa, nghĩa là tính ẩn danh trong hoạt động từ thiện của Feeney sẽ sớm được tiết lộ. Feeney bèn gọi cho báo The New York Times. Số báo ra ngày 23-1-1997 đã đăng bài viết với tựa đề "Ông ấy đã chi 600 triệu USD không ai hay biết". 

Từ đó, bí mật ẩn danh của quỹ Atlantic không còn nữa và mọi người đã gọi Feeney là "James Bond từ thiện".

Năm 2002, quỹ Atlantic thông báo kết thúc tài trợ vào năm 2016 và giải thể vào năm 2020. Vào thời điểm ngừng hoạt động hoàn toàn, tính ra quỹ Atlantic đã tài trợ hơn 8 tỉ USD, góp phần thực hiện nhiều thay đổi mang tính lịch sử như tạo thuận lợi cho tiến trình hòa bình ở Bắc Ireland, thúc đẩy hình thành kinh tế tri thức ở Ireland và Úc, thúc đẩy xóa bỏ án tử hình đối với người chưa thành niên và kéo giảm số trẻ em không có bảo hiểm y tế ở Mỹ, bảo đảm thuốc điều trị cứu sống nhiều triệu người nhiễm HIV/AIDS ở Nam Phi, giúp Việt Nam phát triển các dự án giáo dục và chăm sóc sức khỏe.

Do không còn ẩn danh nữa, Feeney đã tích cực quảng bá triết lý "Cho đi khi còn sống". Bản thân ông chỉ để dành lại khoảng 2 triệu USD cho cuộc sống hưu trí của vợ chồng ông. 

Ông khuyến khích các tỉ phú như Jeff Bezos (người sáng lập Công ty công nghệ Amazon): "Hãy chọn một vấn đề thế giới mà bạn quan tâm rồi đầu tư tài sản vào đó".

Ông luôn kêu gọi: "Hãy sử dụng tài sản giàu có của bạn để giúp đỡ mọi người. Hãy sử dụng tài sản giàu có của bạn để lập ra các tổ chức giúp đỡ mọi người". Ông tóm tắt động lực thúc đẩy ông làm từ thiện bằng một câu đơn giản: "Cuối cùng, đó luôn là con người".

Sống đạm bạc không nhà cửa, xe sang

Ông Chuck Feeney có năm người con (bốn gái, một trai) với người vợ đầu Danielle. Mùa hè, các con ông đều phải làm thêm công việc phục vụ bàn hoặc phục vụ phòng. Năm năm sau ly hôn, ông đi bước nữa với bà Helga - nguyên là thư ký của ông vào năm 1995.

Ông Oechsli kể Feeney đã từng cố sống như đại gia nhưng nhận thấy không hợp: "Ông ấy không sở hữu nhà cửa, không có xe hơi. Chuyện ông ấy sống tiết kiệm là có thật. Ông ấy có cái đồng hồ Casio giá 10 USD và thường đựng giấy tờ trong túi nhựa.

Đó là điều ông ấy cảm thấy thoải mái và đó thực sự là con người của Chuck". Feeney thường đi máy bay với hạng vé phổ thông dù người trong gia đình và đồng nghiệp ngồi ghế hạng thương gia trên cùng chuyến bay.

Mặc dù từ chối mọi thừa nhận công khai đối với hoạt động từ thiện của mình và quỹ Atlantic, ông vẫn nhận được nhiều giải thưởng danh giá, trong đó có bằng tiến sĩ danh dự đầu tiên và duy nhất từ chín trường đại học của Ireland vào năm 2012.

*******

Nỗ lực lớn nhất thế giới nhằm thúc đẩy nhà giàu làm từ thiện là sáng kiến "Cam kết cho đi". Các tỉ phú đã viết gì trong thư cam kết tham gia sáng kiến này?

>> Kỳ tới: Sáng kiến dành cho người có tỉ đô

Cô giáo mê làm từ thiện Cô giáo mê làm từ thiện

TTO - Đọc báo lưu lại những trường hợp cần giúp đỡ, những câu chuyện về học sinh khó khăn, trẻ mồ côi... là việc cô Cao Thị Đan Thanh - nhà giáo ưu tú, nguyên tổ trưởng tổ văn Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (quận Tân Bình, TP.HCM) - thường làm.

DẠ THẢO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên