Ngày 3-9, Tổng thống Nga Vladimir Putin có cuộc gặp với Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh tại Ulaanbaatar, nhân chuyến thăm chính thức đầu tiên của ông tới một nước là thành viên của Tòa án hình sự quốc tế (ICC) - tổ chức trước đó đã phát lệnh bắt ông Putin.
Vì sao Mông Cổ không bắt ông Putin theo lệnh của Tòa án hình sự quốc tế? - Nguồn: AFP - Bloomberg Television
Cuộc xung đột Nga - Ukraine và câu chuyện của ICC đã phủ bóng lên chuyến thăm của ông Putin trên mặt báo phương Tây. Mông Cổ trở thành tâm điểm của dư luận phương Tây khi trải thảm đỏ tiếp đón ông Putin thay vì phải bắt giữ và bàn giao cho tòa án ở Hague (Hà Lan) xét xử.
Ukraine chỉ trích Mông Cổ
Từ tháng 3-2023, ICC đã phát lệnh bắt ông Putin, cáo buộc nhà lãnh đạo Nga về tội ác chiến tranh liên quan việc "trục xuất" hàng trăm trẻ em khỏi Ukraine.
Về nguyên tắc, 124 nước thành viên ICC sẽ phải bắt ông Putin nếu ông đặt chân tới nước họ và điều này ảnh hưởng không nhỏ tới các chuyến công du của ông Putin thời gian qua. Thực tế Mông Cổ là thành viên ICC đầu tiên đón ông Putin trong suốt 18 tháng kể từ lệnh bắt giữ nêu trên.
Hồi cuối tháng 8, ICC đã yêu cầu Mông Cổ thực hiện nghĩa vụ bắt ông Putin. Ukraine cũng kêu gọi Ulaanbaatar làm điều tương tự. Trên mạng xã hội X ngày 3-9 sau khi ông Putin tới Mông Cổ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Heorhii Tykhyi cho rằng Mông Cổ phải chia sẻ trách nhiệm và đi xa hơn nữa với cảnh báo: "Chúng tôi sẽ phối hợp với các đối tác nhằm đảm bảo điều này sẽ mang tới hậu quả cho Ulaanbaatar".
Đã có nhiều ý kiến nói rằng Mông Cổ có thể bị ICC truy cứu vì không tuân thủ nghĩa vụ. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Tamás Hoffmann của Viện Nghiên cứu pháp lý (TILS), cùng lắm Ulaanbaatar sẽ bị lên án chứ không đối diện hậu quả gì thực sự nghiêm trọng.
Năm 2015, Nam Phi đã không bắt tổng thống Sudan Omar al-Bashir theo yêu cầu của ICC nhưng cũng không bị ICC đưa lên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Về phần Nga, Matxcơva nhấn mạnh không lo lắng gì về khả năng lãnh đạo bị bắt, mọi vấn đề liên quan tới việc này đều đã được trao đổi xong xuôi với Mông Cổ. Nga không phải thành viên ICC, Matxcơva nhấn mạnh lệnh bắt giữ cũng như cáo buộc chống lại Tổng thống Putin đều chỉ là sản phẩm mang động cơ chính trị.
Dấu gạch nối Nga - Trung
Nga đã chịu sự trừng phạt kinh tế và cô lập của nhiều nước phương Tây kể từ lúc triển khai "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine vào tháng 2-2022. Một số ý kiến cho rằng các chuyến thăm nước ngoài của ông Putin thời gian qua là một cách củng cố hình ảnh ngoại giao của ông.
Và quan trọng hơn, Nga vẫn tiếp tục các nỗ lực kinh tế đan xen với việc vun đắp quan hệ song phương cùng những đối tác chiến lược quan trọng.
Có nhiều lý do để Mông Cổ "kháng lệnh" ICC. Ulaanbaatar theo đuổi đường lối đối ngoại cởi mở với hầu như mọi bên. Tính tới thời điểm này của năm 2024, Mông Cổ đã đón lãnh đạo và quan chức ngoại giao từ Mỹ, Slovenia, Philippines, Belarus, Anh và Đức.
Trong năm 2023, Thủ tướng Mông Cổ Luvsannamsrain Oyun-Erdene đã tới Mỹ gặp Phó tổng thống Kamala Harris và cũng tới Trung Quốc gặp gỡ Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Cường.
Hiện nay Nga là nguồn cung điện quan trọng cũng như nhà cung cấp năng lượng chủ yếu cho Mông Cổ. Nằm kẹp giữa Nga và Trung Quốc, sẽ rất khó để buộc Mông Cổ phải "chọn phe". Ngược lại, nước này luôn cần giữ mối quan hệ thân thiết và đóng vai trò cầu nối kinh tế Nga - Trung, cũng như giữa Trung Quốc với châu Âu.
Về mặt kinh tế, chuyến đi của ông Putin cũng gây chú ý khi Mông Cổ nằm trên tuyến đường dẫn năng lượng được lên kế hoạch để kết nối Nga và Trung Quốc. Dự án Power of Siberia 2 này là một phần trong chiến lược bù đắp thị trường của Nga, khi Matxcơva chứng kiến sụt giảm doanh số ở châu Âu vì cuộc xung đột với Ukraine.
Từ góc nhìn của phương Tây, việc Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau đang là dấu hiệu của bức tranh địa chính trị mới, trong một trật tự thế giới mới và đang thay đổi.
Trong khi đó, Mông Cổ đang nỗ lực duy trì sự độc lập thông qua việc nhấn mạnh lập trường trung lập, làm bạn với tất cả. Điều này khiến Mông Cổ trở thành một đối tác tự nhiên, một dấu gạch nối hoàn hảo cho Nga và Trung Quốc.
Mỹ cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine
Chuyến thăm Mông Cổ của Tổng thống Nga Putin diễn ra trong lúc chiến sự Nga - Ukraine leo thang với các đợt tấn công vào lãnh thổ đối phương. Ukraine tiếp tục dốc sức cho chiến dịch ở vùng Kursk của Nga, trong khi Matxcơva đẩy mạnh hỏa lực ở miền đông Ukraine.
Hôm 3-9, Reuters dẫn lời quan chức Mỹ cho biết Washington đang tiến gần tới thỏa thuận cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine tấn công vào lãnh thổ Nga. Tuy nhiên Ukraine phải đợi vài tháng vì Mỹ cần thông qua một số vấn đề kỹ thuật trước lúc giao hàng.
Theo Reuters, ba nguồn tin khẳng định dù quyết định cuối cùng chưa được đưa ra, gói vũ khí này sắp được công bố trong mùa thu và nhiều khả năng bao gồm hệ thống tên lửa hành trình tấn công tầm xa JASSM.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận