12/11/2018 11:17 GMT+7

Khi hồi chuông vang lên

MINH TRUNG (từ Paris)
MINH TRUNG (từ Paris)

TTO - Lễ tưởng niệm 100 năm kết thúc Thế chiến thứ nhất vừa diễn ra long trọng tại thủ đô Paris của Pháp. Từng hồi chuông vang lên tưởng niệm 17 triệu sinh mạng mất trong chiến tranh.

Khi hồi chuông vang lên - Ảnh 1.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (bìa phải), Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Đức Angela Merkel (thứ hai và ba từ trái sang) dự lễ tưởng niệm 100 năm kết thúc Thế chiến thứ nhất tại Paris, Pháp ngày 11-11 - Ảnh: Reuters

Hôm qua (11-11), tại thủ đô Paris của Pháp đã long trọng diễn ra lễ tưởng niệm 100 năm kết thúc Thế chiến thứ nhất với sự tham gia của nhiều lãnh đạo hàng đầu thế giới như Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Giữa trưa, chuông nhà thờ khắp châu Âu đồng loạt vang lên tưởng niệm 17 triệu sinh mạng đã mất trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. Đấy là hồi chuông "kêu gọi sự thấu hiểu và hòa giải xuyên quốc gia" như cách nó được mô tả.

Tôi hốt hoảng bởi sự tương đồng giữa thời kỳ chúng ta đang sống và khoảng thời gian giữa hai trận đại thế chiến.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron

Năm nay, hai sự kiện tưởng niệm thế chiến lớn nhất châu Âu đồng diễn ra tại thủ đô Paris của Pháp và thủ đô London của Anh. Phần lớn các quốc gia từng gửi binh lính hoặc nhân lực đến mặt trận phía tây trong Thế chiến thứ nhất đều cử đại diện cấp cao đến châu Âu dự tưởng niệm. Đông Nam Á có ba nước là Thái Lan, Lào và Campuchia.

100 năm trôi qua từ ngày Thế chiến thứ nhất kết thúc (1918-2018), thế giới đã không biết bao lần cần "sự thấu hiểu" để thoát khỏi vũng lầy của xung đột và chiến tranh. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng thế giới hiện nay cũng đang cần lắm sự cảm thông.

Trả lời phỏng vấn báo Ouest-France cách đây vài ngày, ông Macron cảnh báo châu Âu đang có nguy cơ quay lại thập niên 1930 vì "căn bệnh chủ nghĩa dân tộc đang lan khắp châu lục".

"Châu Âu đang bị chia rẽ bởi sợ hãi, chủ nghĩa dân tộc quay lại, hậu quả khủng hoảng tài chính... Có thể thấy gần như tất cả biểu hiện của châu Âu thời kỳ sau kết thúc Thế chiến thứ nhất và cuộc khủng hoảng tài chính 1929" - ông Macron nhận xét.

Đó cũng là một âu lo được chia sẻ trong giới trí thức châu Âu, "thời kỳ đen tối trước Hitler" là cụm từ họ dùng để so sánh.

Năm ngoái, khi chính trị gia ôn hòa Emmanuel Macron đắc cử tổng thống Pháp trong cơn dư chấn của "Brexit" và "Donald Trump", thế giới tưởng có thể nhẹ nhõm rằng chủ nghĩa đa phương và các giá trị cấp tiến vẫn còn hi vọng. Chỉ có điều đến bây giờ hi vọng đó không lớn lên nổi.

Brexit không có dấu hiệu đảo ngược, Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa có một cuộc bầu cử giữa kỳ "thành công" với tỉ lệ ủng hộ cá nhân chẳng kém ông Barack Obama hồi năm 2010 là bao (44% so với 46%) trong khi ông chưa hề được sự tin cậy hoàn toàn của thế giới. 

Bằng chứng là Sở Cảnh sát Paris cho biết một cuộc biểu tình phản đối Tổng thống Mỹ Donald Trump với sự tham gia của hàng ngàn người đã được cảnh sát cho phép tổ chức lúc 13h ngày 11-11 tại quảng trường La République, dù ông Trump đang là khách quý trên đất Pháp.

Tại Đức và Pháp, khuynh hướng chính trị cực hữu đang trồi lên mạnh mẽ. Trong bức tranh chung còn có Ý, Áo, Hungary, Ba Lan, Bulgaria, Slovakia... Nói như học giả Jan Rovny thuộc Viện Nghiên cứu chính trị Paris thì châu Âu đang ở trong một kỷ nguyên chính trị mới được định hình bởi bản sắc, chứ không phải các vấn đề kinh tế.

Có một chuyện lùm xùm lan nhanh trên mạng xã hội Pháp hai tuần qua. Một phụ nữ nông thôn tên Jacline Mouraud đăng đàn Facebook chỉ trích kế hoạch tăng giá dầu diesel nhằm bảo vệ môi trường của chính phủ. Cô nức nở rằng chi phí đi làm hằng ngày bằng môtô đã gần bằng tiền lương, hỏi những người như cô sống làm sao?

Chỉ trong một ngày có đến 5 triệu lượt xem nội dung trên và dân lái môtô ở Pháp đã lên kế hoạch biểu tình chặn các con đường vào ngày 17-11 sắp tới. Phản ứng của ông Macron? Ông tuyên bố sẽ không lùi bước.

Khai mạc Diễn đàn Paris về hòa bình lần 1

Sự kiện được xem là "đứa con tinh thần" của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vừa khai mạc trưa 11-11, dự kiến kéo dài trong 3 ngày tại Trung tâm văn hóa Grande Halle de la Villette ở thủ đô Paris.

Là năm đầu tiên được tổ chức, Diễn đàn Paris về hòa bình hứa hẹn trở thành một sự kiện thường niên với tham vọng "hồi sức" cho chủ nghĩa đa phương và hợp tác quốc tế, bằng cách thúc đẩy các giải pháp quản trị tốt trên toàn cầu trong 5 lĩnh vực: hòa bình và an ninh, môi trường, phát triển, công nghệ mới và kinh tế toàn diện.

Bằng cách kết nối các tổ chức xã hội và giới lãnh đạo quốc gia, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế..., Diễn đàn Paris hướng đến tăng cường hiệu quả của các tổ chức đa phương, trong đó chủ yếu là Liên Hiệp Quốc và đẩy nhanh tốc độ triển khai Các mục tiêu phát triển bền vững do Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua hồi năm 2015.

Diễn đàn Paris và lễ tưởng niệm 100 năm kết thúc Thế chiến thứ nhất chốt lại một tuần ngoại giao căng thẳng của ông Macron, nhằm vận động cử tri trong nước trước thềm bầu cử Nghị viện châu Âu năm tới và kêu gọi quốc tế đoàn kết chống lại chủ nghĩa dân túy đang trỗi dậy.

100 năm Thế chiến thứ nhất: ta còn nhớ gì? 100 năm Thế chiến thứ nhất: ta còn nhớ gì?

TTO - Hôm nay (11-11), lãnh đạo thế giới tề tựu về Paris và London để kỷ niệm 100 năm ngày kết thúc Thế chiến thứ nhất. Đây là sự kiện khơi mào cho tất cả biến động lịch sử diễn ra sau đó trong thế kỷ 20 và cho đến tận ngày nay.

MINH TRUNG (từ Paris)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên