11/11/2018 15:50 GMT+7

100 năm Thế chiến thứ nhất: ta còn nhớ gì?

MINH TRUNG
MINH TRUNG

TTO - Hôm nay (11-11), lãnh đạo thế giới tề tựu về Paris và London để kỷ niệm 100 năm ngày kết thúc Thế chiến thứ nhất. Đây là sự kiện khơi mào cho tất cả biến động lịch sử diễn ra sau đó trong thế kỷ 20 và cho đến tận ngày nay.

100 năm Thế chiến thứ nhất: ta còn nhớ gì?  - Ảnh 1.

Vũ khí trăm năm trước trưng bày trong Rừng Belleau Wood phía sau Nghĩa trang lính Mỹ Aisne-Marne ở Belleau, Pháp trở thành một điểm để người dân nhớ về chiến tranh và yêu hòa bình hơn - Ảnh: REUTERS

Khi tiếng súng im bặt vào ngày 11-11-1918, các nước thuộc bên chiến thắng trận Thế chiến thứ nhất đồng ý một điều: Nước Đức phải bồi thường.

Con số bao nhiêu còn phải tranh luận nhưng không ai nghi ngờ rằng khoản dàn xếp hậu chiến được ghi trong Hiệp định Versailles sẽ hết sức nặng nề.

Một thế kỷ trôi qua, thế giới ngày nay sống chung với hậu quả của một hiệp định hòa bình vốn từ ngày đó đã bị chỉ trích là khơi mào cho trận Thế chiến thứ hai ở châu Âu - châu lục vốn thống trị thế giới trong nhiều thế kỷ.

100 năm Thế chiến thứ nhất: ta còn nhớ gì?  - Ảnh 2.

Người Mỹ tập hợp ở Quảng trường Thời đại lừng danh tại New York ngày 11-11-1918 với những bản báo giấy ghi dòng tựa Đức đầu hàng, chấm dứt Thế chiến thứ nhất - Ảnh: U.S. National Archives/via REUTERS

Nhà kinh tế học J.M. Keynes, một quan chức Bộ Tài chính Anh thời đó, đã thậm chí đã từ chức để phản đối cái hiệp định ông gọi là "cổ đại" về mức độ khắc nghiệt. 

Nguyên soái người Pháp Ferdinand Foch thì nhận xét "cái đó giống với thỏa thuận ngừng bắn 20 năm hơn là hiệp định hòa bình".

"Cuộc chiến chấm dứt mọi cuộc chiến khác" - cách Thế chiến thứ nhất được gọi do sự tàn phá khủng khiếp của nó - cuối cùng phản tác dụng. 

Bằng cách nhấn chìm Đức trong hoang tàn kinh tế và nhục nhã chính trị, thỏa thuận dàn xếp hậu chiến tạo mảnh đất màu mỡ cho sự trỗi dậy của chủ nghĩa Phát xít và nỗi kinh hoàng của nó.

100 năm Thế chiến thứ nhất: ta còn nhớ gì?  - Ảnh 3.

Khẩu pháo tét nòng trưng bày trong Rừng Belleau Wood phía sau Nghĩa trang lính Mỹ Aisne-Marne ở Belleau, Pháp - Ảnh: REUTERS

Vượt khỏi nước Đức, ảnh hưởng khốc liệt không thể kiểm soát của các hiệp định hòa bình vẽ lại cả bản đồ châu Âu, chia nhỏ các đế chế bại trận, và tạo ra nhiều cuộc xung đột tương lai khi các quốc gia và đường biên giới mới hình thành, như Tiệp Khắc, Nam Tư…

Không kém phần quan trọng, Thế chiến thứ nhất cũng là "vườn ươm" cho cuộc Cách mạng tháng 10 năm 1917 tại Nga. Sự suy yếu của nhà nước Sa hoàng bởi chiến tranh là một trong những điều kiện chính.

Cuộc chiến cũng để lại một vết sẹo vĩnh viễn lên Trung Đông. Bằng cách khuyến khích cuộc nổi dậy Ả Rập, nước Anh góp một tay vào sự sụp đổ của Đế chế Ottoman - đồng minh của Đức. 

Kết quả là nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ hình thành, trong khi Anh và Pháp kiểm soát phần lớn thế giới Ả Rập sau chiến tranh.

100 năm Thế chiến thứ nhất: ta còn nhớ gì?  - Ảnh 4.

Tượng đài tưởng niệm Tự do tại Khu Bảo tàng và Tưởng niệm Thế chiến I ở TP Kansas, bang Missouri, Mỹ - Ảnh: REUTERS

Đến giữa thập niên 1930, mọi điều kiện đã chín mùi cho sự chia rẽ hậu Thế chiến thứ hai tại châu Âu. Diễn biến tiếp theo là Chiến tranh lạnh và cuộc đối đầu giữa hai khối tư bản và xã hội chủ nghĩa trên toàn thế giới.

Vào thời điểm năm 1919, tuy sức mạnh chính trị của hai nước thắng trận Anh và Pháp đang ở đỉnh cao, sự trỗi dậy của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ trên trường quốc tế cũng đã bắt đầu le lói.

Quả thật cuối cùng Mỹ trở thành sức mạnh kinh tế, chính trị và quân sự hàng đầu trong khối phương Tây suốt nhiều thập niên tiếp theo cho đến bây giờ.

100 năm Thế chiến thứ nhất: ta còn nhớ gì?  - Ảnh 5.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) trò chuyện với người mặc quân phục thời Thế chiến I trong buổi lễ kỷ niệm tổ chức ngày 7-11 ở La Flamengrie, Pháp - Ảnh: REUTERS

Thế chiến thứ nhất qua vài dữ kiện

- Hơn 30 quốc gia tuyên chiến trong giai đoạn 1914 - 1918, phần lớn gia nhập phe Đồng minh (Hiệp ước) trong đó bao gồm Serbia, Nga, Pháp, Anh, Ý và Mỹ. Bên kia chiến tuyến là phe Liên minh, trong đó có Đức, Áo-Hung, Bulgaria và đế chế Ottoman.

- Cuộc xung đột nhỏ ở Đông nam châu Âu nhanh chóng trở thành cuộc chiến lớn giữa các đế chế. Chiến sự diễn ra không chỉ ở mặt trận Tây Âu, mà còn cả Đông và Đông Nam Âu, châu Phi và Trung Đông.

- Khoảng 16-17 triệu binh lính và thường dân đã chết, vô số người khác bị thương tật hoặc tổn thương tinh thần vĩnh viễn.

MINH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên