26/07/2014 08:28 GMT+7

Khi dân chưa thể giám sát tài sản cán bộ

V.V.THÀNH ghiTS HỒ UY LIÊM
V.V.THÀNH ghiTS HỒ UY LIÊM

TT - Thật ngạc nhiên, gần nửa năm sau khi báo chí phản ánh những thông tin ban đầu về tài sản, nhà đất của nguyên tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền (báo chí đăng từ ngày 21-2-2014), đến nay mới thấy cơ quan có thẩm quyền ở trung ương xuống địa phương để kiểm tra, xác minh.

Kiểm tra tài sản nguyên tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn TruyềnNên cấm lãnh đạo bổ nhiệm nhân sự trước khi nghỉ hưuYêu cầu tăng cường thanh tra trách nhiệm

Ông Trần Văn Truyền vốn là cán bộ cấp cao, nếu những thông tin về nhà đất của ông được làm rõ ngay sau khi báo chí phản ánh sẽ giúp dư luận có thông tin đầy đủ, chính xác về khối tài sản của vị cán bộ từng phụ trách một ngành có chức năng “cầm cân nảy mực” trong lĩnh vực chống tham nhũng. Hơn nữa, nếu việc kiểm tra đối với ông Trần Văn Truyền (công bố vào ngày 11-7 và tiến hành trong 90 ngày) được triển khai khẩn trương hơn sẽ xóa tan băn khoăn “sao để lâu như vậy?”.

Những năm qua, trong phát biểu của các vị lãnh đạo cũng như trong các báo cáo chính thức về phòng chống tham nhũng thường nêu vấn đề tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng của các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn rất yếu. Nhiều vụ việc chủ yếu do quần chúng phát hiện, tố giác và từ phản ánh của báo chí. Trong khi hiện có một hệ thống các cơ quan chức năng trong lĩnh vực kiểm tra, giám sát và phòng chống tham nhũng từ trung ương đến địa phương hoàn toàn có thể vào cuộc nhanh chóng và triển khai làm rõ những vấn đề mà đông đảo người dân thắc mắc.

Một lần nữa, việc kiểm soát tài sản của những cán bộ cấp cao đương chức và về hưu lại đặt ra không ít điều đáng suy nghĩ. Tại sao chỉ với mức lương, thu nhập khá hơn mặt bằng chung của xã hội không đáng kể mà cán bộ này, cán bộ kia lại có khối tài sản khổng lồ như vậy? Liệu đã đến lúc tuyệt đối nghiêm cấm vợ con, người thân những quan chức phụ trách các lĩnh vực nhạy cảm tham gia kinh doanh? Bao giờ thì xử lý được tội làm giàu bất chính? Đó là những câu hỏi chính đáng từ dư luận. Nếu thật sự người cán bộ có thu nhập cao và đóng thuế nhiều cho Nhà nước nhờ công sức của mình, gia đình mình một cách phù hợp với pháp luật thì đó là điều đáng tự hào, sao không công khai để nhận được sự tôn vinh của cộng đồng. Điều đáng tiếc là hiện nay các bản kê khai tài sản của cán bộ cấp cao chưa được công khai nơi cư trú để nhân dân giám sát.

Những ai quan tâm đến công cuộc phòng chống tham nhũng hiện nay đều thấy rằng thực tiễn đang đòi hỏi phải giải quyết tới cùng tính công khai, minh bạch về tài sản, thu nhập đối với các công bộc của dân. Hãy để những cán bộ kê khai thu nhập, tài sản không trung thực đối mặt với sự giám sát “trăm tay ngàn mắt” của dân và phải có trách nhiệm giải trình khi có tài sản gia tăng đột biến. “Không có vùng cấm”, “không để cán bộ về hưu hạ cánh an toàn”, chúng ta đã nhiều lần nghe các tuyên bố như vậy. Tuy nhiên, các tuyên bố trên dù mạnh mẽ đến đâu cũng không bằng những việc làm cụ thể để củng cố niềm tin của dân.

Tôi cũng hi vọng rằng không đợi đến khi cơ quan chức năng có thông báo, ông Trần Văn Truyền với phẩm chất của người cán bộ thanh tra nên chủ động xuất hiện trên báo chí để nói rõ sự việc liên quan đến mình, trong đó có việc bổ nhiệm hàng chục cán bộ trong thời gian ngắn khi sắp hết nhiệm kỳ.

V.V.THÀNH ghiTS HỒ UY LIÊM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên