Nhân viên y tế phường 7, quận Phú Nhuận, TP.HCM tư vấn, phát thuốc cho F0 điều trị tại nhà - Ảnh: DUYÊN PHAN
Sự điều chỉnh này, nếu được phép, sẽ ảnh hưởng đến nhiều việc trong điều hành chăm sóc y tế lẫn cuộc sống người dân.
Nghị định số 101/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm về áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch, đối với bệnh truyền nhiễm nhóm A, tùy thuộc vào tình hình dịch sẽ áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng trong vùng có dịch.
Đồng thời áp dụng biện pháp cấm kinh doanh, sử dụng loại thực phẩm là trung gian truyền bệnh, áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng.
Dịch đang lưu hành là dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc thuộc nhóm B nhưng có khả năng lây truyền ở mức độ cao, theo quy mô và tính chất của từng loại bệnh truyền nhiễm sẽ áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng trong vùng đang có dịch.
Có thể ngưng điều trị miễn phí
Như vậy nếu COVID-19 được chuyển sang nhóm B, theo quy định hiện hành sẽ không còn áp dụng các biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động kinh doanh dịch vụ nơi công cộng trong vùng có dịch.
Các biện pháp phòng chống dịch khác như đảm bảo cách ly y tế, khử khuẩn... đều được quy định cho các bệnh truyền nhiễm thuộc cả nhóm A, B, C. Các biện pháp này thực hiện cụ thể phụ thuộc vào mức độ nguy hiểm và lây lan của dịch bệnh.
Đặc biệt Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm quy định người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A thuộc diện được điều trị miễn phí.
Trong 2 năm vừa qua, người bệnh COVID-19 có bảo hiểm y tế được quỹ bảo hiểm y tế chi trả phí điều trị, người không có bảo hiểm ngân sách phải chi trả chi phí. Từ đó đã có hàng triệu người bệnh COVID-19 được điều trị tại bệnh viện (có bệnh nhân mức chi phí điều trị thành công lên đến hàng tỉ đồng) đã được hai nguồn này chi trả.
Tuy nhiên khi áp dụng biện pháp phòng chống dịch với bệnh truyền nhiễm nhóm B thì mặc dù tên bệnh COVID-19 vẫn ở nhóm A nhưng việc miễn phí điều trị sẽ thay đổi: chỉ người có bảo hiểm y tế được bảo hiểm trả phí, người không có bảo hiểm sẽ phải chi tiền túi để điều trị.
Khi nào công bố hết dịch?
Với bệnh truyền nhiễm nhóm A như COVID-19 thì thẩm quyền công bố hết dịch và số lượng ca bệnh ghi nhận để có thể công bố hết dịch là một khó khăn với xu hướng chuyển dần sang coi COVID-19 là bệnh lưu hành.
Cụ thể, với bệnh truyền nhiễm nhóm A thì chỉ cần ghi nhận 1 ca mới cũng có khi chưa thể công bố hết dịch, trong khi COVID-19 thì mỗi ngày ghi nhận cả trăm ngàn ca mới (trung bình tuần qua ghi nhận 171.000 ca/ngày). Nếu xu hướng như thế này, sẽ rất khó để có thể công bố hết dịch.
Chính vì vậy, thông tin từ Bộ Y tế cho biết đang đợi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố những tiêu chí để có thể công bố hết dịch COVID-19, khi đó Việt Nam có thể áp dụng các tiêu chí này hoặc khi WHO công bố hết dịch COVID-19 trên toàn cầu. Hiện WHO cũng đã đánh giá giai đoạn hiện nay đang chuyển từ đại dịch sang bệnh lưu hành.
Chuyên gia của Bộ Y tế cho rằng thời gian qua Việt Nam đã làm rất tốt các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt trong thời gian đầu khi dịch mới xuất hiện, các biện pháp khoanh vùng, dập dịch quyết liệt đem lại hiệu quả cao và được nhiều quốc gia trên thế giới ghi nhận.
Đến nay, khi độ bao phủ vắc xin phòng COVID-19 đã cao, chúng ta dần chuyển các biện pháp phòng chống dịch phù hợp với tình tình thực tế, thích nghi an toàn với dịch bệnh. Chúng ta đã dần mở cửa, nới lỏng các hoạt động công cộng, không còn hạn chế các dịch vụ kinh doanh và những hoạt động đông người.
Chuyên gia này cũng cho rằng trên thực tế các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 đã "âm thầm" được chuyển từ nhóm A sang nhóm B, như việc kiểm soát ra vào vùng dịch, đối tượng phải cách ly... đã được "nới" từng bước để thích nghi an toàn, linh hoạt từ tháng 10-2021.
"Chúng ta vẫn rất linh hoạt với các biện pháp phòng chống dịch. Khi COVID-19 ở nhóm A nhưng chỉ áp dụng các biện pháp phòng chống nhóm B sẽ linh hoạt giúp khôi phục kinh tế, không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Tuy nhiên, nếu chuyển COVID-19 sang bệnh truyền nhiễm nhóm B thì khi có tình huống dịch bùng phát lại hay xuất hiện biến chủng mới phức tạp hơn, chúng ta sẽ phải một lần nữa thiết lập lại các phương án phòng chống dịch.
Bởi vậy, để đặt COVID-19 vào nhóm các bệnh truyền nhiễm như cúm mùa, thủy đậu... cần có thời gian và nghiên cứu đầy đủ", chuyên gia này nói.
Chiều 18-3 ghi nhận 163.174 ca mới, giảm hơn 10.000 ca so với hôm trước. Các địa phương ghi nhận số ca giảm nhiều nhất so với chiều 17-3 là Gia Lai (giảm 3.620 ca), Thái Nguyên (giảm 1.936), Hà Nội (giảm1.733 ca).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận