05/04/2015 11:08 GMT+7

​Khi bé gái đấu tranh cho bình đẳng giới

NGUYỄN NGỌC THUẦN
NGUYỄN NGỌC THUẦN

TT -  Trở lại đứa bé viết thư cho ông Obama. Không chỉ nêu rõ bất công mà cô bé còn tiến cử những người phụ nữ theo em là ưu tú, như một phần của giải pháp để có thể in lên đồng tiền 20 USD.

Lá thư của một bé gái gửi cho Tổng thống Mỹ Barack Obama và câu hỏi: “Tại sao không có hình người phụ nữ trên đồng USD?” có vẻ chỉ là một câu hỏi vô tư trẻ con, nhưng ngẫm nghĩ thêm tí nữa lại khiến thế giới người lớn chúng ta phải nhìn lại tất cả. Tại sao không?

Nhìn vào giáo dục, chúng ta đã dạy gì cho những đứa trẻ biết về quyền hạn của người phụ nữ, đâu là bình đẳng, đâu là không bình đẳng. Làm sao để tránh việc chúng ta bình đẳng ở chỗ này nhưng lại bất bình đẳng ở chỗ kia.

Liệu chúng ta có cần phải đặt một câu hỏi bao nhiêu lâu nữa thì một bé gái 9 tuổi người Việt được giáo dục có một sức mạnh để ý thức rằng em có thể viết thư cho thủ tướng chính phủ than phiền về một bất công nào đó trong xã hội?

Và như thế, những đứa trẻ của tương lai cần phải biết đấu tranh chống lại sự bất công như thế nào, cách thức ra sao? Mỗi khi trẻ em muốn nói lên tiếng nói của mình thì gửi cho ai, địa chỉ ở đâu? Và các em có đủ niềm tin chắc rằng những thư thỉnh nguyện đó đã đến đúng người, đúng việc chưa?

Một ví dụ nhỏ. Tôi có một người bạn luôn than phiền về cô giáo ở trường, chẳng hạn như trong một tiết mục văn nghệ cô hay dành những vị trí đẹp nhất, trung tâm nhất cho con của cô, rồi đến con của phụ huynh trong ban cán bộ lớp, con của những phụ huynh có nhiều đóng góp... 

Khi đặt câu hỏi tại sao không phản ảnh với cô giáo hoặc nhà trường thì bạn ấy lại thôi. Than phiền để họ ghét con bé nhà tôi à! Đúng vậy, đây không phải trường hợp cá biệt mà là một phần của cuộc sống, bởi cách quản lý kém kiểm tra lẫn phản biện của chúng ta.

Và điều đó cũng sẽ trở thành một tấm gương xấu cho cuộc đấu tranh với bất công cho tương lai của những đứa trẻ, nhất là những bé gái. Bố mẹ không dám đấu tranh cho những quyền hạn tối thiểu thì trong tương lai những đứa trẻ cũng sẽ hành xử như vậy. Và dần dần trở nên kém quyết liệt hơn, càng lệ thuộc hơn trước những bất hợp lý.

Trở lại đứa bé viết thư cho ông Obama. Không chỉ nêu rõ bất công mà cô bé còn tiến cử những người phụ nữ theo em là ưu tú, như một phần của giải pháp để có thể in lên đồng tiền 20 USD.

Xem ra nền giáo dục của chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa để có thể tạo nên những đứa trẻ độc lập trong suy nghĩ, dám làm những điều cho là đúng. Và những người lớn cũng cần phải học cách lắng nghe, như trong trường hợp ông Obama ở trên.

 

NGUYỄN NGỌC THUẦN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên