26/12/2019 10:58 GMT+7

Khép mở tối sáng tĩnh động: Những đối lập làm nên nghệ thuật

HUỲNH TRỌNG KHANG
HUỲNH TRỌNG KHANG

TTO - Tình yêu của Diễm Trang với sân khấu - điện ảnh là thứ tình yêu chắt chiu từ những kỷ niệm thuở ấu thơ của một người từng biết thế nào là hoàng kim của sân khấu kịch Sài Gòn, là người yêu những bộ phim đến mức khao khát được hiểu chúng.

Khép mở tối sáng tĩnh động: Những đối lập làm nên nghệ thuật - Ảnh 1.

Ảnh: H.T.K.

Trong khi nhiều tờ báo trên thế giới rục rịch sửa soạn những bài viết nhìn lại điện ảnh hay sân khấu trong hai mươi năm đầu thế kỷ 21, tập sách Khép mở tối sáng tĩnh động của tác giả Diễm Trang ra đời như một lần ngoái nhìn lại hai thập niên nghệ thuật đã qua.

Tác phẩm dựa trên những điểm tương đồng giữa sân khấu và rạp phim với "một đám đông nhỏ ăn mặc đẹp đẽ tập trung trong một khán phòng kín đáo" tận hưởng cái thời khắc mà nghệ thuật hé mở cho họ một thế giới khác, giữ chặt họ trên ghế để chăm chú dõi theo những hoạt động trên sân khấu - màn ảnh.

Lột tả thứ "ma thuật" lôi cuốn khán giả kịch nghệ và điện ảnh, Diễm Trang cũng "giữ chặt" người đọc đi cùng mình thưởng thức từ những vở kịch tiêu biểu nhất đến những bộ phim đáng chú ý nhất dưới cái nhìn chắt lọc của tác giả.

Đối tượng của tác giả không phải là đại cảnh mà là từng bộ phim, từng vở kịch. Chính những chọn lựa đó đã khắc họa phần nào diện mạo của sân khấu Việt Nam, cũng như điện ảnh thế giới thời gian qua.

“Các đặc tính đối lập khép mở, tối sáng, tĩnh động đã làm nên mối quan hệ cốt lõi, bện chặt giữa khán giả và địa điểm trình diễn nghệ thuật.

Diễm Trang


Những tiểu luận chối từ hời hợt khen chê. Bởi người viết - vốn là giảng viên Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM - đã hơn một lần tự nhận mình là người ngoại giới, chỉ có tình yêu và ước mong được học hành cẩn thận chuyên môn phê bình sân khấu - điện ảnh.

Không chỉ tập trung vào phần "chuyện" trong mỗi tác phẩm, tác giả còn chỉ ra những kỹ thuật để làm "chuyện" thăng hoa. Nhưng đừng vội tưởng rằng những điều nghiêm túc kia sẽ khoác bộ mặt "kinh viện", xơ cứng.

Với lối viết rất duyên, bông lơn mà không bỡn cợt, giàu cảm xúc nhưng không bị cuốn đi theo cảm xúc, các bài tiểu luận đã dung hòa được tính học thuật với đại chúng, khắc họa một "thánh đường" cao quý nhưng không hề xa lạ với đa số.

Đọc Khép mở tối sáng tĩnh động, chợt nhớ hình ảnh "Cô bé tóc maika thơ thẩn chơi trong cánh gà rạp hát" trong thơ Nguyễn Thiên Ngân.

Tình yêu của Diễm Trang với sân khấu - điện ảnh là thứ tình yêu chắt chiu từ những kỷ niệm thuở ấu thơ của một người từng biết thế nào là hoàng kim của sân khấu kịch Sài Gòn, là người yêu những bộ phim đến mức khao khát được hiểu chúng.

Cho nên ta thấy thấp thoáng giữa những vở kịch, những bộ phim có dáng hình những khán giả tận tụy - những người sẵn sàng mơ cùng một giấc mơ với nghệ sĩ, tự nguyện chờ đợi "bóng tối phủ xuống thân người để nhất loạt hướng về ánh sáng" của sân khấu.

Đường về Thăng Long: Chọn lựa của thế hệ trí thức khi Tổ quốc lâm nguy Đường về Thăng Long: Chọn lựa của thế hệ trí thức khi Tổ quốc lâm nguy

TTO - Lựa chọn tên tác phẩm là Đường về Thăng Long, có thể hiểu ý tưởng của nhà văn Nguyễn Thế Quang không chỉ viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà muốn nói đến sự chọn lựa của một thế hệ trí thức khi vận mệnh Tổ quốc lâm nguy.

HUỲNH TRỌNG KHANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên