UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản gửi UBND TP.HCM, Sở Tư pháp, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đề nghị hỗ trợ xét nghiệm mẫu nước phục vụ công tác điều tra.
Theo công văn, vừa qua ở Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) xảy ra vụ ngộ độc tập thể hơn 360 người.
Theo đề nghị của Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an Nha Trang, để tạo điều kiện cho đơn vị thu thập tài liệu, điều tra giải quyết vụ việc, UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị UBND TP.HCM và hai sở chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm TP.HCM thực hiện xét nghiệm mẫu nước theo quyết định trưng cầu giám định của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Nha Trang.
Trước đó sau khi ăn cơm gà tại một quán ăn trên đường Bà Triệu, Nha Trang, hàng loạt người có triệu chứng bị ngộ độc được đưa vào bệnh viện điều trị. Sở Y tế Khánh Hòa ra công văn phối hợp tìm nguyên nhân.
Theo báo cáo, vào lúc 20h30 ngày 12-3, Trung tâm Y tế thành phố Nha Trang có nhận tin báo một số trường hợp nhập viện với triệu chứng nghi ngộ độc thực phẩm do ăn cơm gà. Ngay khi nhận được tin, Đội điều tra ngộ độc thực phẩm thành phố đã đi điều tra tại các bệnh viện có bệnh nhân nhập viện.
Bệnh nhân có các triệu chứng: đau bụng, buồn nôn, đi cầu phân lỏng, sốt, mệt lả. Nguyên nhân gây ngộ độc hiện vẫn chưa xác định.
Ngày 18-3, Viện Pasteur Nha Trang đã thông báo kết quả kiểm nghiệm mẫu thực phẩm trong vụ ngộ độc hàng loạt sau khi ăn tại quán cơm gà Trâm Anh, thành phố Nha Trang (Khánh Hòa). Viện Pasteur cho biết kết quả kiểm nghiệm có 3 khuẩn gây ra.
Qua việc kiểm nghiệm các mẫu thực phẩm, mẫu bàn tay, mẫu nước, mẫu bệnh phẩm, viện xác định: mẫu hành phi dương tính với khuẩn Salmonella spp; rau (dưa chua) dương tính với khuẩn Bacillus cereus; mẫu bàn tay bệnh nhân Lê Thị Bích Lan (36 tuổi) dương tính với khuẩn Staphylococcus aureus.
Mẫu cơm gà (cơm chan xốt trứng và cơm gà xé) còn lại tại một hộ gia đình bệnh nhân được mua vào 17h ngày 12-3 dương tính với khuẩn Salmonella spp, khuẩn Bacillus cereus sinh độc tố NHE (Non-haemolytic entertoxin là độc tố ruột không ly giải hồng cầu) và HBL (Hemolysin BL là độc tố ly giải hồng cầu).
Ông Trịnh Ngọc Hiệp - phó giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa - cho hay từ kết quả của Viện Pasteur Nha Trang xác định rõ các loại khuẩn sẽ giúp thuận tiện hơn trong việc điều trị. Sau khi xác định rõ nguyên nhân gây ngộ độc, sở sẽ phối hợp với Công an thành phố, UBND thành phố để tiến hành các bước tiếp theo, trong đó có việc xử lý, xử phạt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận