Đồ họa: TẤN ĐẠT
Hướng đến tăng trưởng 6%, GDP đầu người 3.700 USD
Trước phiên khai mạc hôm nay 20-10, Chính phủ đã gửi đến các ĐBQH báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 (trong đó đặt tham vọng tăng trưởng GDP 6%).
"Sự bùng phát của đại dịch COVID-19 với tốc độ lây lan rất nhanh, diễn biến khó lường và mức độ nguy hiểm chưa từng có trong lịch sử đã tác động mạnh mẽ, toàn diện và sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội toàn cầu" - báo cáo nêu.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ đánh giá rằng "VN nằm trong số ít các quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh và đã có cách làm đúng, kịp thời, hiệu quả, chi phí thấp. Tốc độ tăng trưởng cả năm ước đạt trên 2%, phấn đấu đạt khoảng 3%, là nước có mức tăng trưởng dương cao nhất so với 5 nền kinh tế lớn trong khu vực Đông Nam Á, là 1 trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới và được thế giới đánh giá cao".
Một số "điểm sáng" được Chính phủ nêu là: xuất khẩu tăng, xuất siêu 9 tháng đạt 16,99 tỉ USD trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm nghiêm trọng. Đặc biệt, xuất khẩu của khu vực trong nước vươn lên mạnh mẽ, 9 tháng tăng 20,2%. Thương mại điện tử phát triển mạnh, doanh số tăng 25%, trở thành một kênh phân phối quan trọng của nền kinh tế.
Trình QH các chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu năm 2021, Chính phủ đề nghị "tập trung thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép" vừa phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh; phát triển mạnh thị trường trong nước...".
Trong báo cáo này, Chính phủ đặt ra mục tiêu khá tham vọng là tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6% so với năm 2020; quy mô GDP bình quân khoảng 3.700 USD/người, trong khi tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì buổi họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV - Ảnh: TTXVN
Miễn nhiệm với ông Lê Minh Hưng và ông Chu Ngọc Anh
Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho biết tại phiên họp trù bị vào đầu giờ sáng 20-10, QH sẽ dành phút mặc niệm ĐBQH, thiếu tướng Nguyễn Văn Man và chia sẻ với những mất mát, hi sinh của chiến sĩ, đồng bào một số tỉnh miền Trung thời gian qua trong khi phải gồng mình chống đỡ thiên tai, đó là những mất mát rất lớn, sự hi sinh lớn lao.
Trong chương trình làm việc, QH cũng tiến hành thủ tục bãi nhiệm tư cách đại biểu đối với ông Phạm Phú Quốc. "QH tôn vinh người có công, xử lý thích đáng đối với người vi phạm" - ông Phúc nhấn mạnh. Đồng thời cho biết trường hợp ông Phạm Phú Quốc đã có vi phạm, không trung thực, không còn sự tín nhiệm của cử tri và nhân dân nữa, việc bãi nhiệm sẽ được thực hiện bỏ phiếu kín theo quy định.
Cũng tại kỳ họp, QH sẽ xem xét phê chuẩn miễn nhiệm chức danh thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN đối với ông Lê Minh Hưng và bộ trưởng Bộ Khoa học - công nghệ đối với ông Chu Ngọc Anh, do ông Hưng đã được Bộ Chính trị điều động, phân công giữ chức chánh Văn phòng Trung ương Đảng, ông Chu Ngọc Anh được bầu làm phó bí thư, chủ tịch UBND TP Hà Nội. Đồng thời xem xét phê chuẩn bổ nhiệm giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM Huỳnh Thành Đạt làm bộ trưởng Bộ Khoa học - công nghệ, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long làm bộ trưởng Bộ Y tế.
Giới thiệu về chương trình kỳ họp, Phó chủ nhiệm Văn phòng QH Vũ Minh Tuấn cho biết kỳ họp này QH chia làm 2 đợt. Đợt 1 họp trực tuyến từ Nhà QH với 63 đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố (từ ngày 20 đến 27-10). Tại phiên khai mạc bắt đầu lúc 9 giờ sáng nay, QH sẽ nghe Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và 5 năm 2016-2020, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025.
Các ĐBQH sẽ họp tập trung tại Nhà QH (đợt 2) từ ngày 2 đến 17-11 với các nội dung đáng chú ý là phiên thảo luận, góp ý các văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, quyết định ngày bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ tới. Sau một kỳ họp bị gián đoạn, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn sẽ được "nối" lại trên nghị trường.
Giá sách giáo khoa tăng làm cử tri bức xúc
Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân sẽ được Chủ tịch Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN Trần Thanh Mẫn trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội sáng nay (20-10).
Một trong những nội dung đáng lưu ý là cử tri bức xúc vì giá sách giáo khoa tăng cao so với năm học trước, có dấu hiệu "lợi ích nhóm"; thiếu hướng dẫn và thông tin chưa rõ ràng việc sử dụng sách giáo khoa trong các trường. Đặc biệt, việc phát hành và đưa vào sử dụng bộ sách giáo khoa lớp 1 (bộ Cánh Diều) gây ra nhiều phản ứng trong nhân dân. Vừa qua, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo việc kiểm tra làm rõ và có phương án phù hợp để khắc phục, tuy nhiên việc này cần phải tiến hành khẩn trương, nghiêm túc để kịp thời chỉnh lý các nội dung sai sót, đảm bảo tính chính xác, trong sáng của tiếng Việt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận