Theo quy định, việc thanh toán bằng thẻ qua máy POS phải được Ngân hàng Nhà nước cho phép để quản lý ngoại hối và thu thuế - Ảnh: T.L.
Tuy nhiên không phải đến bây giờ mà từ lâu các dịch vụ thanh toán của Trung Quốc đã theo bước chân du khách xâm nhập vào thị trường Việt Nam và ngày càng phổ biến.
Cà thẻ chui tại Đà Nẵng
Ông Trần Chí Cường, phó giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng, nhìn nhận qua quá trình kiểm tra đã phát hiện trường hợp du khách Trung Quốc mua hàng ở Việt Nam cà thẻ qua máy POS chui nên cơ sở du lịch đã chuyển sự việc cho Ngân hàng Nhà nước để xử lý.
"Họ thanh toán qua máy cà thẻ chui, qua ngân hàng Trung Quốc thanh toán, Ngân hàng Nhà nước không quản lý được nên có thể thất thu thuế", ông Cường nói. Theo các chuyên gia, với cách này, khách Trung Quốc có thể né các loại thuế VAT, tiêu thụ đặc biệt... Trong khi ông Cường cho biết tại các cơ sở khép kín, do người Trung Quốc làm chủ phục vụ khách của họ, sẽ không tránh khỏi chuyện du khách thanh toán bằng ngoại tệ hoặc thanh toán chui qua máy POS, ví điện tử...
Ghi nhận tại Đà Nẵng, sau khi dạo quanh một vòng chợ Hàn, cô Thôi Khiết (khách đến từ Quảng Châu, Trung Quốc) chọn mua hàng giá chừng 1,2 triệu đồng và đề nghị thanh toán trên ví điện tử WeChat Pay.
Bà Võ Thu Nhạn, chủ quầy, nói chỉ có máy tính tiền qua thẻ visa chứ không biết thanh toán qua điện thoại. Nhưng sau một hồi, mấy nhân viên bán hàng của bà Nhạn đưa Thôi Khiết tới quầy người bán nhang.
Cô này nhập số tiền mua hàng để tạo ra một mã giao dịch QR trên ví điện tử WeChat Pay, sau đó đưa điện thoại quét. Giao dịch hoàn thành, chỉ mất khoảng 30 giây.
Thực tế tại Đà Nẵng, một trong những thị trường có đến 35% lượng khách nước ngoài nói tiếng Trung, nhiều chợ phục vụ du lịch ở Đà Nẵng đang đẩy mạnh dịch vụ thanh toán trực tuyến, thương mại điện tử cho khách Trung Quốc.
Đồ họa: TẤN ĐẠT. Dữ liệu: A. HỒNG
Chị Châu, chủ sạp tại chợ Hàn nhận thanh toán qua ví điện tử WeChat Pay, cho biết ứng dụng này còn mới quá nhưng hiện trong chợ đã có vài người nhận thực hiện dịch vụ này (ví điện tử được coi như một tài khoản điện tử, giống như "ví tiền".
Ví điện tử xâm nhập trước, ký kết sau
Người dùng chỉ cần tải app về điện thoại, đăng ký thông tin, liên kết với tài khoản ngân hàng là có thể sử dụng để thanh toán).
"Tôi có dùng phần mềm WeChat để nói chuyện với khách, mới đây một ông khách quen mua trầm hương yêu cầu tôi sử dụng WeChat Pay để thanh toán, chiều khách tôi xài thử" - chị Châu nói và cho hay việc thanh toán qua ví điện tử thuận tiện nhờ trong chợ đã trang bị hệ thống WiFi công cộng.
Ông N.L. (một đơn vị lữ hành chuyên khai thác khách Trung - đề nghị không nêu tên) cho biết việc sử dụng loại hình thanh toán qua WeChat Pay và Alipay, dù có tâm lý đôi chút e ngại nhưng các cửa hàng phục vụ khách Trung tại Đà Nẵng cũng đã chấp nhận thanh toán để chiều lòng khách "sộp".
Đáng lưu ý, tháng 11-2017, ví điện tử WeChat Pay của Trung Quốc đã công bố chính thức kết nối thanh toán tại Việt Nam thông qua hợp tác với ví điện tử trong nước là VIMO để chấp nhận thanh toán cho du khách Trung Quốc.
Cũng trong tháng 11-2017, Công ty CP Thanh toán quốc gia VN (NAPAS) và Công ty Quản lý dịch vụ thanh toán của Trung Quốc (Alipay) cũng đã ký kết cho phép khách du lịch Trung Quốc thực hiện chi tiêu, mua sắm bằng ứng dụng thanh toán Alipay khi đến Việt Nam.
Tuy nhiên, từ trước đó, Ant Financial (công ty quản lý ứng dụng thanh toán điện tử Alipay) cho biết tính đến hết tháng 9-2016, họ đã làm việc với hơn 80.000 thương nhân địa phương tại khoảng 70 quốc gia và khu vực, trong đó có Việt Nam.
Điều đó có nghĩa là nhà cung cấp này đã thỏa thuận với các tiểu thương để cung ứng dịch vụ cho du khách Trung Quốc từ trước khi ký kết chính thức.
Đường đi của tiền khi khách Trung Quốc thanh toán qua ví điện tử (chưa được cấp phép) - Đồ họa: T.ĐẠT, Dữ liệu: A. HỒNG
Trong khi đó, một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết đến nay chưa có quy định về mặt pháp lý để thực hiện thanh toán thông qua các loại ví điện tử của Trung Quốc như Alipay, WeChat tại Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước đang trình Chính phủ quy định về việc này.
Còn việc Napas và Alipay ký kết cuối năm 2017 chỉ là ký kết văn bản thỏa ước và đến nay Ngân hàng Nhà nước chưa cho phép đơn vị nào thực hiện thanh toán qua ứng dụng Alipay, WeChat trong lãnh thổ Việt Nam.
Đã nửa năm sau khi có sự bắt tay chính thức giữa Napas và Alipay, giám đốc trung tâm thẻ một ngân hàng lớn tại TP.HCM cho biết đã chuẩn bị xong để kết nối từ hai tháng qua nhưng đến nay vẫn chưa triển khai chính thức.
Minh bạch để tránh thất thu
"Thực tế tại những địa phương đông khách Trung Quốc, họ vẫn có thể thanh toán bằng Alipay qua con đường không chính thức. Nên tiền chạy về Trung Quốc rồi sau đó mới vòng về VN. Nếu được cho phép chính thức, việc này sẽ minh bạch, Nhà nước kiểm soát được doanh thu, không thất thu thuế..." - vị này khuyến nghị và cho rằng việc này còn giảm được tình trạng thanh toán bằng đồng nhân dân tệ - vấn nạn ở nhiều địa phương đông du khách Trung Quốc.
Doanh nghiệp nội nên... chuẩn bị
Ông Huỳnh Thanh Phi, chuyên gia marketing, cho rằng Alibaba đang từng bước đưa hệ sinh thái doanh nghiệp của họ vào thị trường VN.
"Trước tiên họ mua Lazada, bước tiếp theo là giải pháp thanh toán Alipay - một mắt xích quan trọng để phát triển thương mại điện tử. Khi hai bước này hoàn thành sẽ dọn đường cho hàng loạt thương hiệu khác của Trung Quốc vào VN. Một khi sở hữu kênh thương mại điện tử mạnh, giải pháp thanh toán tốt, sản phẩm từ các nhà sản xuất gốc, họ sẽ có lợi thế về giá. Các chương trình giảm giá khủng sẽ được triển khai, cho đến khi các doanh nghiệp trong nước hụt hơi trên đường đua", ông Phi dự đoán.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận