20/08/2024 16:16 GMT+7

Khách hàng 'tố' không vay mà gánh nợ 60 triệu đồng, ngân hàng giải quyết thế nào?

Một khách hàng ở Đắk Lắk "tố" nhân viên một ngân hàng tự làm tài khoản thẻ tín dụng, tự ghi khoản vay 60 triệu đồng cho bà, còn phía ngân hàng lại nói hồ sơ thể hiện khách hàng mở tài khoản thẻ, thực hiện vay trực tuyến...

Khách hàng tố bị lừa vay 60 triệu, ngân hàng 'không liên hệ được nhân viên cũ' - Ảnh 1.

Bà Thủy cho biết bị nhân viên VPBank đòi nợ 60 triệu đồng trong khi bà không vay, không sử dụng - Ảnh: TRUNG TÂN

Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa có văn bản phản hồi cho Tuổi Trẻ liên quan đến vụ việc khách hàng tố bị lừa vay 60 triệu đồng tại ngân hàng này.

Không vay mà bị ngân hàng đòi nợ 60 triệu đồng

Trước đó ngày 14-3-2024, bà Võ Lệ Thủy (trú TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) đến VPBank tại Đắk Lắk ký hợp đồng vay vốn dưới hình thức tiểu thương vay vốn. 

Tại VPBank Đắk Lắk, bà Thủy được nhân viên tên Mai Thị Thu Hà hướng dẫn làm hồ sơ vay. Sau đó, bà Hà xuống nơi bà Thủy buôn bán (chợ Ea Tu, TP Buôn Ma Thuột) để chụp hình ảnh liên quan đến cửa hàng bà Thủy buôn bán.

"Ngày 18-3-2024, tôi được VPBank Đắk Lắk giải ngân 50 triệu đồng tiền mặt tại chi nhánh, nhưng chỉ nhận 2 tờ giấy lĩnh tiền và lịch trả nợ, không có bất cứ chữ ký hay con dấu của VPBank", bà Thủy phản ánh.

Sau khi trả gốc, lãi được 4 tháng (của món vay 50 triệu đồng - PV) thì bà Thủy được VPBank Đắk Lắk thông tin bà còn có 1 khoản vay thẻ tín dụng 60 triệu đồng nữa, đã quá hạn trả lãi tháng gần đây.

"Tôi vô cùng sốc và nhiều lần lên VPBank Đắk Lắk gặp giám đốc cũng như những cán bộ có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết việc phát sinh khoản vay 60 triệu đồng. Tuy nhiên, giám đốc VPBank Đắk Lắk không giải quyết", bà Thủy bức xúc.

Bà Thủy liên hệ với bà Mai Thị Thu Hà theo số điện thoại mà VPBank Đắk Lắk cung cấp. Qua điện thoại, tin nhắn giữa hai bên, bà Hà thừa nhận đã tự ý mở thẻ tín dụng đứng tên Võ Lệ Thủy.

Cũng theo bà Thủy, sau nhiều cuộc gọi, bà Hà hứa sẽ tự đóng tiền lãi hằng tháng cho món nợ 60 triệu đồng tự ý mở dưới tên bà Thủy. Bà Thủy cũng báo việc này cho VPBank để có hướng giải quyết món nợ bà không vay, không sử dụng.

"Nhưng sau đó bên phía ngân hàng liên tục bất kể ngày đêm thay nhau gọi điện cho tôi và cả người thân tôi nhắc nợ dù tôi không vay, không sử dụng", bà Thủy nói.

Ngân hàng giải thích thế nào?

Sau khi nhận thông tin phản ánh của bà Thủy, ngày 31-7 phóng viên Tuổi Trẻ Online liên hệ VPBank Đắk Lắk để làm việc. Mới đây, ngân hàng này có công văn trả lời các nội dung liên quan.

Trong công văn, VPBank khẳng định trên cơ sở đề nghị của khách hàng (Võ Lệ Thủy), VPBank đã ký kết hợp đồng tín dụng và thực hiện giải ngân vào tài khoản thanh toán mà bà này mở tại VPBank. 

Ngân hàng cho rằng đây là hợp đồng vay theo hình thức ký kết trực tuyến. Bà Thủy đăng nhập ứng dụng VPBank NEO bằng tên đăng nhập, mật khẩu của mình rồi mới đăng ký nhu cầu vay vốn cụ thể.

"Sau khi ký kết hợp đồng vay, khách hàng luôn có thể kiểm tra nội dung hợp đồng thông qua email đã đăng ký và cung cấp cho VPBank.

"Toàn bộ thông tin về lịch trả nợ cũng như các khoản nợ gốc và nợ lãi cần thanh toán cũng đều được thể hiện chi tiết trên ứng dụng VPBank NEO. Tuy nhiên, theo yêu cầu của bà khách hàng, VPBank cũng đã gửi bản sao của hợp đồng này cùng với lịch trả nợ chi tiết, các văn bản này có giá trị tương đương bản chính", VPBank thông tin.

Về khoản vay 60 triệu đồng, VPBank cũng khẳng định bà Thủy phải tự chịu trách nhiệm trả nợ gốc, lãi.

Theo VPBank, bà Thủy đã ký hợp đồng hạn mức thẻ, mở và sử dụng tài khoản thanh toán, dịch vụ ngân hàng điện tử ngày 14-3-2024. Thẻ được kích hoạt trên ứng dụng VPBank NEO bằng chính tên đăng nhập và mật khẩu mà khách hàng đã đăng ký với ngân hàng.

"Khách hàng có trách nhiệm và quyền lợi quản lý, sử dụng thẻ, thanh toán cho các giao dịch phát sinh trên thẻ. Do đó việc VPBank thực hiện thông báo và đề nghị khách hàng thanh toán các khoản dư nợ thẻ là có cơ sở", VPBank khẳng định.

Đối với người có tên Mai Thị Thu Hà hiện đã nghỉ việc, VPBank cho rằng đã nỗ lực liên hệ với bà Hà nhưng không liên hệ được. 

"Do đó những phản ánh của khách hàng về những trao đổi với người có tên Mai Thị Thu Hà, chúng tôi rất tiếc chưa có đủ cơ sở để kết luận", công văn của VPBank cho hay.

Khuyến cáo chuyển vụ việc đến cơ quan điều tra

Trong công văn đã nêu, VPBank "khuyến cáo khách hàng chuyển vụ việc tới cơ quan điều tra nếu thấy quyền lợi của mình bị ảnh hưởng".

Trong khi đó, bà Thủy cho biết cũng đã gởi đơn đến công an về việc bà bị lừa vay và chiếm đoạt 60 triệu đồng, rồi bị ngân hàng đòi nợ liên tục và yêu cầu VPBank phải giải quyết dứt điểm.

Theo bà Thủy, cách đây 20 ngày VPBank gọi bà lên làm việc và người có trách nhiệm ở đây hứa trong vòng 30 ngày sẽ giải quyết dứt điểm món 60 triệu đồng mà bà không vay.

"Tôi cũng chờ đúng 1 tháng theo lời hứa của họ nên chưa làm gì thêm. Giờ ngân hàng khẳng định tôi có vay, phải chịu trách nhiệm với món tiền 60 triệu đồng thì thật lạ lùng. Tôi chờ đúng 30 ngày theo lời hứa, nếu không giải quyết sẽ tiếp tục phản ánh cho cơ quan chức năng", bà Thủy nói.

Khách hàng 'tố' không vay mà gánh nợ 60 triệu đồng, ngân hàng giải quyết thế nào? - Ảnh 3.Khi nào có thể vay ngân hàng mua nhà mà không bị nợ “ngập đầu"?

Khoản tiền dành cho nhà cửa là khoản chi tiêu lớn của mỗi người. Vậy số tiền chi cho nhà cửa nên chiếm bao nhiêu phần trăm trên tổng thu nhập để người mua vẫn đảm bảo những khoản chi tiêu khác và không bị nợ "ngập đầu"?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên