19/04/2011 08:09 GMT+7

Một chữ ký sai, hai cái chết uất

ĐOÀN TỪ DUY - TRUNG TÂN
ĐOÀN TỪ DUY - TRUNG TÂN

TT - Vay vốn ngân hàng thông qua “cò” và ký nhận số tiền trong hợp đồng vay cao hơn thực tế, khoảng 50 hộ dân tại Đắk Lắk không ngờ rằng đã sụp bẫy, gánh nợ giùm “cò”. Hai trong số các nạn nhân nói trên đã tìm đến cái chết vì quá uất ức.

Read this on Tuoitrenews.vn

sy1YeSoN.jpgPhóng to
Thư tuyệt mệnh của chị Phúc và anh Hậu (trích) - Ảnh: TRUNG TÂN

Từ khoảng năm 2008, nhiều người cần vay tiền ngân hàng làm ăn đã đồn nhau đến gặp “cò” Nguyễn Thị Hoa (40 tuổi, trú 97 Nguyễn Lương Bằng, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) để vay vốn được nhanh chóng, dễ dàng. Vì có mối quan hệ với cán bộ tín dụng chi nhánh Tân Lợi của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Đắk Lắk (Agribank Đắk Lắk) nên “cò” Hoa làm các thủ tục vay rất nhanh.

Hai lá thư tuyệt mệnh

Trung tuần tháng 4, chúng tôi đã tìm đến nhà anh Nguyễn Hậu và chị Đào Thị Phúc ở buôn Sang B, xã Ea H’Đinh, Cư M’Gar (Đắk Lắk). Đôi vợ chồng trẻ này là nạn nhân của cái bẫy vay vốn, đã lần lượt tự tử chết. Hai con nhỏ của anh chị đứa lớn bảy tuổi gửi bên nội, đứa út hai tuổi phải gửi ở nhà bà ngoại.

Người nhà của họ kể lại khoảng giữa năm 2008, cần tiền mua rẫy để phát triển kinh tế, đôi vợ chồng trẻ tìm đến “cò” Hoa nhờ vay giúp 110 triệu đồng. Bà Hoa đồng ý với điều kiện anh Hậu - chị Phúc phải trích cho bà hoa hồng 10% và cho vay ké thêm 90 triệu đồng. Thủ tục vay số tiền 200 triệu đồng hoàn tất rất nhanh. Thế nhưng khi đến lấy tiền thì bà Hoa chỉ đưa cho họ 80 triệu đồng vì 30 triệu đồng là “chi phí hoa hồng” và tiền lãi trước ba tháng, 90 triệu là bà Hoa vay ké.

Cuối năm 2009, đến hẹn trả nợ bà Hoa đã khất lần không chịu trả, trong khi đó ngân hàng thúc ép anh Hậu - chị Phúc nếu không trả nợ sẽ bị phạt 150% tiền lãi. Chị Phúc đã treo cổ tự tử vào tháng 8-2010. Đau đớn vì mất vợ và gánh nặng ngân hàng còn đó mà “cò” Hoa vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, anh Hậu đã tìm đến cái chết ngày 3-4-2011.

Mẹ của chị Phúc, bà Trần Thị Truyền, cho biết: “Vài ngày trước khi Hậu đi, nó còn lên động viên tui cứ bình tâm sống và trả nợ lần. Rồi pháp luật người ta cũng phải bắt bà Hoa chịu trả nợ cho mình nên má đừng lo quá (bà Truyền cũng bị bà Hoa lừa vay 400 triệu đồng - NV). Riêng con phải sống để nuôi hai cháu và xem bà Hoa chịu tội ra sao. Chiều hôm trước ngày nó đi, nó lên thăm tui, thăm con và còn rất vui vẻ cơ mà, tui thật không ngờ...”.

Trong lá thư tuyệt mệnh để lại, anh Hậu viết: “...Nếu như sự ra đi của con mà làm lay động được, chính quyền giúp đỡ mà bà Hoa trả tiền thì hai má hãy lấy số tiền đó nuôi giùm hai cháu cho nó nên người...”.

Bức thư tuyệt mệnh của chị Phúc cũng viết: “... Nay em quyết định ra đi để tìm riêng cho mình một lối thoát. Trên cõi vĩnh hằng con sẽ phù hộ cho mẹ và anh cùng hai con, hai em nhỏ dại chứ em có sống làm cả đời cũng không trả nổi món nợ vay của ngân hàng về món tiền mà bà Hoa đã lừa lấy mất. Còn kiện thưa thì luật pháp mấy ai tin. Đã gửi đơn đi đủ cả các nơi. Từ tháng 12 năm 2009 (chị Phúc viết nhầm là 2000 - NV) đến bây giờ họ có xử đâu...”.

ZXqpHClL.jpgPhóng to

Con trai vợ chồng anh Hậu - chị Phúc - Ảnh: Tr.Tân

Bút sa... mang nợ!

Bà Truyền cho biết: “Do bà Hoa có quen biết em gái tôi (bà Quý, cũng là một nạn nhân của bà Hoa - NV) nên tôi có nhờ bà Hoa vay tiền bằng sổ đỏ nhà mình. Tôi chỉ định vay 100 triệu đồng nhưng bà Hoa nói cho bà Hoa vay thêm 100 triệu nữa nên tôi cũng ký nhận giùm. Bà Hoa lại nói vì đang cần tiền nên nhờ tôi mượn sổ đỏ ba tôi (đã 82 tuổi) để vay thêm 200 triệu với lời hứa sẽ trả cả gốc lẫn lãi khi đến hẹn trả nợ ngân hàng.

Ban đầu thấy bà Hoa thật tình nên tôi đã ngây thơ ký giấy vay nợ ngân hàng thế chấp cả hai sổ đỏ trên để cho bà Hoa mượn tiền. Chưa hết, bà Hoa còn nói vì cần tiền nên nhờ tôi và em gái giới thiệu đến nhà hàng xóm vay tiền. Hai bên giao dịch với nhau xong, ngày giao tiền bà Hoa nói đang bận nên không vào được, nhờ một người khác vào nhận thay và nhờ tôi ký nhận với hàng xóm giùm.

Nay bà Hoa đã bị đổ nợ, ngân hàng cứ đến đòi nợ chúng tôi suốt, khoản lãi của 400 triệu đồng gia đình tôi cũng phải gánh. Nhà hàng xóm giao tiền cho bà Hoa nhưng vì có chữ ký của tôi nên bây giờ cũng quay ra kiện tôi, đòi tôi trả nợ!”.

Ngoài những người vừa kể trên còn có gần 50 hộ dân ở xã Hòa Thắng (địa bàn cư trú của bà Hoa) và xã Ea H’Đinh, Cư M’Gar cũng rơi vào tình cảnh tương tự.

Chính vì tự làm thủ tục vay từ A đến Z nên bà Hoa mới dễ dàng vay ké bằng cách điền số tiền vay vào khế ước cao hơn nhiều so với số tiền người muốn vay đã ký khống. Ví dụ bà Trần Thị Quý vay 500 triệu đồng nhưng bà Hoa ghi 800 triệu, bà Trần Thị Huệ vay 200 triệu nhưng bà Hoa ghi 300 triệu đồng...

Khi bị nhiều người khiếu kiện đến cơ quan chức năng, nhằm xoa dịu cơn giận dữ của các con nợ, bà Hoa viết hàng chục giấy nhận số tiền đã tự ý vay ké, từ vài chục, vài trăm triệu đến cả tỉ đồng.

Ngân hàng ôm nợ khó đòi

Theo báo cáo của giám đốc Agribank Đắk Lắk gửi cấp trên, riêng số hợp đồng do cán bộ tín dụng Nguyễn Văn Nhân cho vay có liên quan tới bà Nguyễn Thị Hoa lên tới 166 món, dư nợ 49 tỉ đồng, trong đó nợ khó đòi khoảng 23 tỉ. Hiện tổ thu nợ của ngân hàng đã thu về được khoảng 7 tỉ đồng!

Ông Nguyễn Khánh - trưởng phòng kiểm tra, kiểm soát nội bộ Agribank Đắk Lắk - cho biết: “Hiện chưa thể xác định được những người vay bị bà Hoa lừa để vay ké hay thông đồng với bà Hoa, nhưng tại nhiều hồ sơ vay vốn có chữ ký của họ nên chúng tôi phải tiếp tục đòi nợ. Riêng một giám đốc và trưởng phòng tín dụng chi nhánh Tân Lợi đã bị cách chức và kỷ luật về mặt Đảng, chuyển về tổ thu nợ của ngân hàng để khắc phục hậu quả.

Đối với trường hợp đau lòng của hai khách hàng là anh Hậu và chị Phúc, vừa qua ngân hàng đã cử người đến viếng và lập sổ tiết kiệm 10 triệu đồng cho hai cháu nhỏ. Giám đốc chi nhánh cũng đang lập tờ trình gửi Agribank để xin khoanh hoặc xóa nợ cho trường hợp này vì chúng tôi xét thấy hoàn cảnh gia đình này quá khó khăn và éo le. Hai con của anh chị này còn quá nhỏ”.

* Cuối năm 2009, khoảng 50 hộ dân ở xã Hòa Thắng, ngoại thành TP Buôn Ma Thuột và xã Ea H’Đinh, huyện Cư M’Gar, tỉnh Đắk Lắk đã gửi hàng nghìn lá đơn kêu cứu, khiếu nại, tố cáo về hành vi lừa đảo của bà Nguyễn Thị Hoa.

* Ngày 15-12-2009, tại trụ sở công an thành phố, bà Hoa viết giấy cam kết sẽ cùng các hộ này trả đủ lãi và gốc số tiền vay ké khi đến hạn trả ngân hàng...

* Tháng 5-2010, cơ quan CSĐT công an tỉnh bắt đầu thụ lý đơn thư của 54 cá nhân tố cáo bà Nguyễn Thị Hoa có hành vi lừa đảo chiếm đoạt khoảng 30 tỉ đồng.

* Uất ức vì bị “cò” Hoa lừa tiền, khiếu kiện khắp nơi mãi không được, ngày 29-8-2010 chị Đào Thị Phúc đã bỏ nhà đi, để lại bức thư tuyệt mệnh. Hai hôm sau người nhà tìm thấy thi thể chị Phúc đang trong tư thế treo cổ.

* Ngày 10-11-2010, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Hoa về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vì bà Hoa đang có thai, cơ quan CSĐT cho phép gia đình bảo lãnh tại ngoại.

* Ngày 12-11-2010, Agribank Đắk Lắk miễn nhiệm chức danh giám đốc phòng giao dịch đối với ông Trần Văn Lâm và tổ trưởng tổ tín dụng với ông Nguyễn Văn Nhân, chuyển về làm nhân viên ở tổ thu hồi vốn.

* Ngày 3-4-2011, anh Nguyễn Hậu (chồng chị Phúc) cũng bỏ nhà đi và để lại thư tuyệt mệnh. Ngày 5-4, người nhà vớt được thi thể anh từ dưới giếng tại một chòi rẫy nhà hàng xóm.

10g sáng 18-4, chúng tôi đến nhà vợ chồng bà Nguyễn Thị Hoa và ông Tôn Thất Vinh tại địa chỉ 97 Nguyễn Lương Bằng, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. Đó là hai căn nhà liền nhau có biển “Cửa hàng thiết bị điện Hữu Lộc và Thế giới game Hữu Lộc”. Người làm ở hai quán này đều xác nhận vợ chồng ông Vinh - bà Hoa đã đi Sài Gòn mấy hôm nay để chờ sinh em bé.

Trả lời qua điện thoại, ông Nguyễn Hồng Kỳ, phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk, cho biết ngày 8-4 viện đã nhận kết quả siêu âm của khoa sản Bệnh viện Đa khoa Đắk Lắk xác nhận bị can Nguyễn Thị Hoa đang có thai tới tuần 34-35, sắp sinh, nên viện không phê chuẩn yêu cầu của cơ quan công an lệnh bắt tạm giam đối với bà Hoa.

Khi được hỏi tại sao để bà Hoa đi khỏi nơi cư trú vào ngày 1-4 thì ông Kỳ cho hay biện pháp ngăn chặn của công an là “bảo lãnh” chứ không “cấm đi khỏi nơi cứ trú”.

Ngày 18-4, khi chúng tôi đến Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk để trao đổi thêm một số vấn đề như: “Tại sao ông Tôn Thất Vinh cũng là đối tượng bị nhiều người khiếu kiện có liên quan đến việc lừa đảo lại đủ tư cách bảo lãnh bà Hoa, trái với quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, các cán bộ ngân hàng thuộc phòng giao dịch Tân Lợi liên quan đến vụ án này có được điều tra hay không...” thì ông Nguyễn Hồng Kỳ cho biết theo chỉ đạo của viện trưởng là không trả lời bất cứ câu hỏi nào của báo chí nữa.

RvAJJjTy.jpgPhóng to
Ngôi nhà của vợ chồng bà Hoa tại TP Buôn Ma Thuột - Ảnh: TR.TÂN
ĐOÀN TỪ DUY - TRUNG TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên