Như vậy, hành khách đi lại bằng dịch vụ vận chuyển như Grabbike xảy ra tai nạn, bên nào sẽ chịu trách nhiệm bồi thường?
Grab hỗ trợ 1.000 USD?
Trước đó, bà Zheng Xiyue (quốc tịch Trung Quốc) cho biết đã đặt dịch vụ Grabbike và được tài xế Nguyễn Vũ Hảo chở bằng xe máy Yamaha Exciter.
"Vào thời điểm đó, tôi mặc váy dài nhưng do không nhận được cảnh báo an toàn từ phía tài xế và từ phía chính sách công ty nên phải ngồi một bên.
Trong quá trình xe di chuyển, phần xích xe không được che chắn nên một phần váy đã mắc vào xích xe dẫn tới tôi bị té (ngã) xuống đường bất tỉnh, đa chấn thương.
Tôi được đưa vào Bệnh viện FV (quận 7) để cấp cứu và điều trị với số tiền điều trị cộng thuốc hơn 200 triệu đồng, trong khi Grab Việt Nam liên hệ tôi đề nghị chỉ hỗ trợ số tiền 1.000 USD.
Do đó tôi yêu cầu có cuộc làm việc giữa hai bên rõ hơn về trách nhiệm bồi thường thiệt hại vật chất và tinh thần, khắc phục hậu quả sự việc nói trên", bà Zheng Xiyue nói.
Về vấn đề này, đại diện Grab Việt Nam gửi lời xin lỗi đến hành khách về sự cố ngoài ý muốn xảy ra trên chuyến xe ngày 10-5.
Theo Grab Việt Nam, ngay khi tổng đài tiếp nhận thông tin đã lập tức cử người liên hệ, giữ liên hệ hành khách và gia đình để hỗ trợ khi cần thiết.
Đại diện Grab cũng đến bệnh viện thăm hỏi sức khỏe hành khách và gửi lời chúc hành khách mau chóng bình phục.
Song song đó, Grab tiến hành trình báo sự việc tới cơ quan chức năng, đồng thời tích cực thực hiện các thủ tục bồi thường theo chính sách bảo hiểm tai nạn cá nhân của dịch vụ Grab (từ ngày 10-5 đến nay).
Tuy nhiên, phía đơn vị bảo hiểm thông tin vẫn đang chờ nhận chứng từ liên quan từ hành khách mới hoàn tất hồ sơ yêu cầu bồi thường và thực hiện chi trả bảo hiểm theo đúng quy định.
Đối với tài xế thực hiện cuốc xe, ngay sau khi sự việc xảy ra, tài xế này nhanh chóng trình báo sự việc với cơ quan chức năng, cung cấp các hồ sơ liên quan để hỗ trợ hành khách thực hiện các thủ tục bồi thường.
Tài xế sẵn sàng hỗ trợ khi có yêu cầu thêm từ cơ quan chức năng.
Ai chịu trách nhiệm bồi thường?
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, luật sư Đặng Hoài Vũ (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết trong trường hợp này, cần xem xét tài xế Grabbike có lỗi hay không để xác định có phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của tài xế đối với hành khách.
Nếu trong quá trình vận chuyển hành khách bằng xe gắn máy, tài xế đã đảm bảo những quy định tại Luật Giao thông đường bộ thì tài xế Grab không có lỗi nên không phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của tài xế Grab đối với khách hàng nói trên.
Căn cứ quy định tại điều 5 nghị định số 67/2023 và quy định tại điều 3 Luật Giao thông đường bộ thì vị khách hàng Trung Quốc nói trên là đối tượng được bảo hiểm nếu tài xế có mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và bảo hiểm vẫn còn hiệu lực.
Như vậy, khách hàng sẽ được xem xét bồi thường và mức bồi thường chi tiết như thế nào sẽ do đơn vị bảo hiểm làm việc.
Theo luật sư Vũ, quan hệ giữa Grab và tài xế là quan hệ dân sự song vụ, chứ không phải là quan hệ lao động nên Grab không có nghĩa vụ phải bồi thường cho khách hàng.
Grab đã nhanh chóng hỗ trợ khách hàng, tích cực làm việc với đơn vị bảo hiểm bồi thường cho khách hàng là rất thiện chí.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận