Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm một người dân ở bang California, Mỹ - Ảnh: REUTERS
Phân tích đăng trên tạp chí The Lancet Microbe mới đây dựa trên gần 1.500 nghiên cứu từ năm 2003 đến 2020 về thời gian lây nhiễm và dữ liệu từ 79 nghiên cứu trên virus corona chủng mới, khoảng 20 nghiên cứu về Hội chứng hô hấp vùng Trung Đông (MERS) và Hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng (SARS).
Theo phân tích, khả năng lây nhiễm của các bệnh nhân mắc COVID-19 thường cao nhất trong 2 ngày đầu trước khi xuất hiện các triệu chứng và 5 ngày sau đó. Chỉ một vài người bệnh rất nặng mới có khả năng lây lan virus đến 20 ngày. Đối với các trường hợp bệnh nhẹ cũng rất ít người có khả năng "phát tán" virus quá 1 tuần.
Tại Mỹ, nhiều người không xét nghiệm virus corona đến khi ngã bệnh, và kết quả thường mất thêm từ 2 đến 3 ngày. "Ngay cả khi họ được xét nghiệm PCR ngay ngày đầu tiên đến khi có kết quả, quá trình phát tán bệnh của họ đã xong 90%", nhà virus học Michael Mina cho biết.
Do đó, bài phân tích đặt vấn đề việc rút ngắn thời gian cách ly vừa khuyến khích việc chấp hành vừa phù hợp với nghiên cứu rằng việc lây nhiễm thường diễn ra trong những ngày đầu.
Ông Muge Cevik - chuyên gia bệnh truyền nhiễm thuộc Đại học St. Andrews ở Scotland và cũng là người dẫn đầu nghiên cứu - cho rằng thời gian cách ly 5 ngày sẽ khuyến khích nhiều người tuân thủ hơn, qua đó góp phần hạn chế lây nhiễm. Việc này cũng giảm bớt sức ép về tài chính lên những người bị cách ly.
Tuy nhiên, liệu các cơ quan y tế có nên rút ngắn thời gian cách ly để người dân hợp tác hơn, hay kéo dài thời gian này để ngăn chặn mọi ca nhiễm dù sẽ phải trả giá về kinh tế?
Một số bác sĩ cũng cho biết họ không tin rằng việc rút ngắn thời gian cách ly sẽ có hiệu quả. Chẳng hạn, bác sĩ Taison Bell thuộc Đại học Virginia (Mỹ) cho rằng đề xuất cách ly ngay khi mới xuất hiện triệu chứng là rất khó, do nhiều triệu chứng của một số bệnh khác như cúm cũng tương đồng với COVID-19.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận