Ông Trương Anh Dũng phát biểu tại hội nghị - Ảnh: NGỌC HÀ
Ông Trương Anh Dũng - phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) - đã chỉ ra nghịch lý này tại hội nghị triển khai công tác truyền thông giáo dục nghề nghiệp ngày 11-1 tại Vĩnh Phúc.
Theo ông Dũng, doanh nghiệp luôn kêu thiếu lao động hoặc hệ thống dạy nghề đào tạo ra nguồn nhân lực không đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp. Nhưng thực tế thì doanh nghiệp sử dụng nhân lực đã qua đào tạo vẫn không nhiều. Chưa kể, trách nhiệm tham gia của doanh nghiệp vào đào tạo cũng chưa cao. Tình trạng này không chỉ diễn ra ở doanh nghiệp nhỏ, mà có cả ở doanh nghiệp, tập đoàn lớn.
"Giáo dục nghề nghiệp đang đứng trước hai thách thức lớn cần giải quyết. Thứ nhất là đầu vào phải làm sao để người học hào hứng tham gia thật nhiều vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp vốn rất thiết yếu nhưng cũng đang rất yếu thế này. Thứ hai, doanh nghiệp phải tham gia tích cực, trách nhiệm vào với hệ thống giáo dục nghề nghiệp" - ông Dũng nhấn mạnh.
Theo kế hoạch năm 2019, Tổng cục sẽ có giải pháp cụ thể để gắn kết doanh nghiệp với trường nghề, có chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp tự tổ chức đào tạo cho người lao động và hợp tác với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Nhiều thí sinh điểm thi cao không chọn vào đại học
Theo báo cáo của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, năm 2018, các trường trong hệ thống tuyển sinh được hơn 2,2 triệu người, đạt hơn 100% kế hoạch đặt ra.
Trong đó, nhiều trường tuyển sinh vượt chỉ tiêu đăng ký hoạt động và phải đăng ký bổ sung. Chất lượng tuyển sinh đầu vào đã có sự chuyển biến rõ, nhiều học sinh "có điểm thi đỗ đại học rất cao nhưng không vào đại học, mà lại chọn vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Tổng cục cũng đặt ra kế hoạch năm 2019 cả hệ thống sẽ tuyển sinh được 2,26 triệu người.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận