14/12/2018 16:04 GMT+7

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo trong dạy tiếng Anh

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TTO - Các trường cần đầu tư hạ tầng mạng internet, xây dựng học liệu số, video có chất lượng tốt, đồng thời đẩy mạnh e-learning để dạy tiếng Anh.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo trong dạy tiếng Anh - Ảnh 1.

Ông David Persey cho rằng nên sử dụng công nghệ để cân bằng giữa việc dạy và học ngoại ngữ - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Sáng 14-12, hội thảo "Xu hướng mới trong giảng dạy ngoại ngữ thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0" do ĐH Quốc gia TP.HCM phối hợp Văn phòng National Geographic Learning Việt Nam tổ chức đã thu hút gần 100 chuyên gia trong và ngoài nước.

Tại hội thảo, những xu hướng, công nghệ mới trong giảng dạy ngoại ngữ của thế kỷ 21... đã được giới thiệu.

5 thách thức cần giải quyết

PGS.TS Vũ Hải Quân - phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng trong bối cảnh quốc tế hóa và toàn cầu hóa hiện nay, ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, là kỹ năng bắt buộc phải có.

Yêu cầu đặt ra với mọi người là phải biết và vận dụng được tiếng Anh trong cuộc sống, công việc. Yu cầu đó đặt ra nhiều thách thức cho ĐH Quốc gia TP.HCM.

Thứ nhất, các lớp dạy ngoại ngữ đúng chuẩn chỉ từ 16-20 sinh viên, trong khi toàn hệ thống các đơn vị thành viên có 60.000 sinh viên. Như vậy cần phải có ít nhất 3.000 lớp học.

Thứ hai, đội ngũ giảng viên đang thiếu giáo viên có kinh nghiệm về giảng dạy, đổi mới sáng tạo… Thứ ba, hệ thống giáo trình tài liệu chưa chuẩn. Thứ tư, thiếu cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ giảng dạy tiếng Anh hiện đại. Thứ năm, việc đánh giá năng lực tiếng Anh theo chuẩn nào vẫn chưa xác định được.

"Vì vậy, việc sử dụng công nghệ nâng cao hiệu quả giảng dạy tiếng Anh phải kể đến xu hướng giảng dạy kết hợp - tích hợp. Đây là phương pháp kết hợp cách học truyền thống tại lớp và các bài học trực tuyến giúp học viên tăng cơ hội tiếp xúc và môi trường để tận dụng thời gian tự học ngoại ngữ tốt nhất.

Khi dùng công nghệ, chúng ta có thể kế thừa các bài giảng từ nhiều nguồn khác nhau trên internet của cơ sở dạy ngoại ngữ quốc tế. Việc sử dụng công nghệ là giải pháp có thể tận dụng để vượt qua các rào cản, thách thức hiện tại", ông Quân khẳng định.

Sử dụng công nghệ để cân bằng dạy và học

Theo ông David Persey, đến từ National Geographic Learning, các yếu tố ảnh hưởng đến việc học có thể kể đến: động lực của người học, môi trường học tập, các yếu tố có tính ảnh hưởng khác, tính cách của giáo viên.

Ông cho rằng nên sử dụng công nghệ để cân bằng giữa việc dạy và học ngoại ngữ. Trong lớp học, công nghệ của bảng tương tác cho phép giáo viên thoát khỏi những thao tác truyền thống trong khi dạy và bên ngoài lớp học thì công nghệ làm cho việc học trở nên dễ nhất.

"Chúng tôi đã thành công qua việc đổi mới một phần cách học truyền thống bằng cách áp dụng việc làm bài tập trực tuyến sau lớp học", ông David Persey cho biết.

Trong khi đó bà Monique Nicastro, cũng đến từ National Geographic Learning, đề nghị cần xem lại cách đánh giá trình độ tiếng Anh của người học, nên cân nhắc giữa việc đánh giá hiệu quả của việc học hay đánh giá để học tốt hơn.

PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ, Trường ĐH Hoa Sen, cho biết hiện nay nhiều trường đầu tư các phòng máy để dạy tiếng Anh. Tuy nhiên theo ông các trường không nên đầu tư vào phần cứng mà cần đầu tư hạ tầng mạng internet, xây dựng học liệu số, video có chất lượng tốt, đồng thời đẩy mạnh e-learning.

"Loại học liệu đang được người học thích sử dụng nhất là video. Nhiều cơ sở đào tạo ngoại ngữ quốc tế đầu tư vào học liệu này đã rất thành công", ông Vũ nói.

Đề án dạy ngoại ngữ gần 10.000 tỉ không thể làm khơi khơi! Đề án dạy ngoại ngữ gần 10.000 tỉ không thể làm khơi khơi!

TTO - Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020” đã ngốn một khoản kinh phí khổng lồ trong giai đoạn 1 mà không đạt được kết quả như mong muốn...

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên