09/11/2018 14:35 GMT+7

Chỉ 40% giảng viên có khả năng giảng dạy bằng tiếng Anh

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TTO - GS.TS Nguyễn Trọng Hoài - phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nêu thực trạng năng lực ngoại ngữ của giảng viên các trường đại học Việt Nam hiện nay còn nhiều hạn chế.

Chỉ 40% giảng viên có khả năng giảng dạy bằng tiếng Anh - Ảnh 1.

Các chuyên gia trao đổi tại hội thảo sáng 9-11 đều khẳng định các trường đại học có vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy quốc tế hóa giáo dục - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Sáng 9-11, hơn 50 chuyên gia giáo dục, học giả đến từ các trường đại học hàng đầu Việt Nam và nhiều nước trên thế giới (Thái Lan, Malaysia, Úc, Đức, Mỹ…) đã tham dự hội thảo khoa học "Vai trò của Chính phủ và các tổ chức giáo dục trong việc đẩy mạnh quốc tế hóa giáo dục".

Hội thảo do Trường ĐH Kinh tế TP.HCM và Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về khoa học giáo dục Bộ GD-ĐT đồng tổ chức.

Năng lực tiếng Anh cả giảng viên và sinh viên đều hạn chế

Theo các chuyên gia, điều quan trọng nhất Việt Nam đang thực hiện là các hoạt động quốc tế hóa trong nước: đổi mới chương trình đào tạo giáo dục đại học phù hợp với thông lệ quốc tế, nâng cao kỹ năng tiếng Anh của sinh viên và giảng viên để có môi trường hợp tác quốc tế về đào tạo, nghiên cứu; đồng thời tạo môi trường thuận lợi để các đối tác quốc tế xây dựng chi nhánh giáo dục đại học tại Việt Nam.

Muốn sinh viên quốc tế đến Việt Nam học tập trước hết chương trình đào tạo phải được giảng dạy bằng tiếng Anh và đạt chuẩn kiểm định chất lượng khu vực, quốc tế. Như vậy, các giảng viên phải giảng dạy bằng tiếng Anh một cách lưu loát.

Tuy nhiên GS Nguyễn Trọng Hoài cho biết: "Khó khăn hiện nay đối với sinh viên Việt Nam là năng lực tiếng Anh đầu vào vẫn chưa đủ sức để giao tiếp quốc tế một cách hiệu quả.

Chỉ có khoảng 20% sinh viên khả giỏi tiếng Anh. Còn đối với giảng viên tại trường chúng tôi chỉ khoảng 40% đủ chuẩn giao tiếp quốc tế về học thuật và giảng dạy bằng tiếng Anh. Thực tế ở các trường khác cũng không khá hơn con số này".

Ông Hoài cho rằng đây là hai điểm các trường đại học Việt Nam cần nhanh chóng cải thiện trong thời gian sắp tới.

Trường ĐH phải tạo môi trường rèn luyện tiếng Anh

"Các trường cần tạo môi trường rèn luyện tiếng Anh thuận lợi cho sinh viên và giảng viên để họ giao tiếp, trao đổi học thuật được với các nước", GS Hoài nhấn mạnh.

Trong khi, TS Hồ Nhựt Quang, phó hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế - ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng nếu sinh viên có năng lực tiếng Anh tốt, sau khi ra trường có thể làm việc được ở các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Còn giảng viên đủ chuẩn tiếng Anh có thể dạy những chương trình có sinh viên quốc tế.

Theo TS Hà Thúc Viên - phó hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Việt Đức, trong giai đoạn hội nhập hiện nay bắt buộc các trường đại học phải đi vào mạng lưới toàn cầu, phải có chiến lược hành động để nâng cấp chất lượng đào tạo. Đồng thời phải tiếp cận kiến thức và nhân lực bên ngoài mới có thể nâng tầm đại học Việt Nam.

"Ngôn ngữ là yếu tố có tính rào cản, cả sinh viên và giảng viên nếu không có năng lực ngoại ngữ tốt thì rất khó tham gia vào quá trình trao đổi học thuật quốc tế. Vì vậy, điều quan trọng chính bản thân sinh viên và từng giảng viên phải nhận thức được khả năng của mình đầu tư để có năng lực ngoại ngữ tốt. Giỏi ngoại ngữ sẽ giúp cho chúng ta tiếp cận được với tri thức mới của nhân loại nhanh hơn", ông Viên chia sẻ.

Cũng theo ông Viên, để nâng cao năng lực ngoại ngữ của sinh viên, các trường cần tăng cường hàm lượng tài liệu và giờ giảng dạy bằng tiếng Anh nhiều hơn nữa. Tuy nhiên một thách thức đặt ra với các trường là trình độ tiếng Anh của giảng viên hiện nay không đồng đều nên cần phải tuyển chọn những giảng viên có năng lực giảng dạy bằng tiếng Anh.

Nhà trường cần đưa ra tiêu chuẩn chọn lựa giảng viên trong tương lai phải giỏi ngoại ngữ, đồng thời có quy định bắt buộc giảng viên phải có trình độ ngoại ngữ nhất định. Trình độ ngoại ngữ ở đây là năng lực thực sự chứ không phải yêu cầu về bằng cấp.

Giảng viên phải nhận thức được tầm quan trọng của ngoại ngữ cần thiết cho nghề nghiệp của mình thế nào. Các thông tin khoa học mới nhất trên thế giới đều công bố bằng tiếng Anh. Vì vậy nếu giảng viên đại học mà năng lực ngoại ngữ kém sẽ khó làm tốt chuyên môn của mình.

Không biết tiếng Anh, sinh viên coi như 'mù chữ' Không biết tiếng Anh, sinh viên coi như "mù chữ"

TTO - PGS.TS Đỗ Văn Dũng - hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - khẳng định như vậy tại hội thảo "Đổi mới căn bản toàn diện hoạt động đào tạo trong các trường đại học và cao đẳng" đang diễn ra tại TP.HCM.

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên