Mặc dù được mở rộng thêm làn đường nhưng đường Trần Quốc Hoàn thường xuyên kẹt xe - Ảnh: HỮU KHOA |
Ông Lâm Thiếu Quân - chuyên gia giao thông:
Mở thêm cổng mới vào sân bay qua đường Hoàng Minh Giám
* Nhiều người cho rằng nên cấm xe máy đi vào những tuyến đường gần khu sân bay Tân Sơn Nhất, ông nghĩ sao về việc này?
- Không thể cấm như vậy được, tuyến đường Trường Sơn là tuyến đường người dân chủ yếu di chuyển bằng xe máy, nếu cấm người dân phải đi như thế nào. Việc cấm xe máy sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân vì phương tiện đi lại chủ yếu của người dân Việt Nam là xe máy.
Hiện nay, các giải pháp được Sở GTVT TP.HCM đề xuất đều khá hợp lý.
Việc cấm xe máy, xét theo phương diện giao thông là phương án để nhanh chóng góp phần giảm phương tiện cá nhân trên đường, giảm ùn tắc.
Tuy nhiên, xét về mặt xã hội, đây lại là tuyến đường vành đai huyết mạch có nhiều người dân qua lại từ hướng Phạm Văn Đồng, Nguyễn Thái Sơn (Q. Gò Vấp) đi về phía vòng xoay Lăng Cha Cả, Cộng Hòa, Trường Chinh, do vậy rất khó thực hiện giảm xe gắn máy trên đoạn đường này.
* Xe bốn bánh lưu thông chiếm diện tích mặt đường lớn, vậy nên chăng cấm xe tải nhẹ hoặc xe khách trên 30 chỗ chạy trên đường vào sân bay?
- Có hai trường hợp, thứ nhất, cấm hoàn toàn xe tải nhẹ hoặc xe khách trên 30 chỗ ngồi thì rất khó thực hiện.
Như đã nói ở trên, khu vực này có lượng xe cộ qua lại tấp nập, đồng thời người dân sinh sống quanh đây cũng đông đúc. Cần xem xét khi thực hiện cấm xe tải nhẹ, xe khách, những người dân có nhu cầu vận tải phải làm như thế nào. Cho nên phương án cấm xe này không nên triển khai.
Ngược lại, tôi hoàn toàn đồng tình với trường hợp thứ hai là cấm một chiều, chỉ cho xe di chuyển một chiều từ đường Phạm Văn Đồng vào đường Trường Sơn. Với biện pháp này, chúng ta chỉ hạn chế xe tải nhẹ, xe khách qua lại chứ không cấm hoàn toàn, vừa có thể giảm kẹt xe, vừa không gây khó khăn cho người dân trong quá trình vận tải.
* Theo ông, có nên xem xét mở rộng đoạn đường Phan Thúc Duyện hướng ra công viên Hoàng Văn Thụ không?
- Đoạn từ đường Phan Thúc Duyện hướng ra cầu vượt Hoàng Văn Thụ hiện rất cần được mở rộng. Tại đây, điểm giao của hai tuyến đường Phan Thúc Duyện và Trường Sơn rất đông xe cộ.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến kẹt xe ở đây do việc nhập hai làn xe từ Hoàng Văn Thụ với làn xe từ đường Trường Sơn, lượng xe cộ dồn về khiến nơi đây trở thành điểm kẹt xe nghiêm trọng. Chính vì vậy nếu đường được mở rộng, lượng xe cũng giãn ra giúp đường thông thoáng hơn, giảm thiểu kẹt xe hiệu quả.
* Ông nghĩ như thế nào việc mở thêm cổng ra vào sân bay Tân Sơn Nhất ở đường Hoàng Hoa Thám thay vì chỉ có một cổng duy nhất trên đường Trường Sơn?
- Mở cổng ở khu vực đường Hoàng Hoa Thám thì lại gặp phải vấn đề kẹt xe trầm trọng trên giao lộ Hoàng Hoa Thám - Cộng Hòa. Điều này khiến tình trạng kẹt xe lại càng nghiêm trọng hơn chứ không giải quyết được vấn đề.
Phương án khả thi nhất là mở cổng mới đi qua đường Hoàng Minh Giám, đây là đường có sẵn, chỉ việc mở ra để người dân sử dụng.
Ngoài ra, để góp phần giảm thiểu xe qua lại trên đường Trường Sơn, các cơ quan chức năng cần có biện pháp cụ thể, điều khiển, tăng cường xe đi vào đường Thăng Long, các đường nhánh để giảm bớt một lượng lớn xe qua đường trục chính Trường Sơn.
* Ông đánh giá thế nào về kế hoạch cho xe biển số chẵn đi vào ngày chẵn, xe biển số lẻ đi vào ngày lẻ?
- Biện pháp này chủ yếu nhằm hạn chế xe qua lại trên đường. Thế nhưng, xe của người dân làm sao cấm họ được. Cho nên để có thể thực hiện được biện pháp này, TP cần đẩy nhanh phát triển hệ thống phương tiện giao thông công cộng đáp ứng cho người dân qua lại khu vực này cũng như người dân từ sân bay đổ ra. Sau đó, chúng ta mới có thể thực hiện tới bước giới hạn phương tiện cá nhân.
Sơ đồ dự kiến phương án mở rộng đường lăn, sân đỗ máy bay và đường song song đường Cộng Hòa ra hướng Trường Chinh - Đồ họa: TẤN ĐẠT |
Ông Hoàng Đức Hậu - hội viên Hội Cầu đường cảng TP.HCM:
Mở đường Phan Thúc Duyện là hợp lý
- Có thể thấy, giải pháp mở đường Phan Thúc Duyện để giảm kẹt xe là rất hợp lý và thuận tiện. Cần thực hiện nhanh việc mở rộng đường từ đường Phan Thúc Duyện ra đường Hoàng Hoa Thám và từ đường Hoàng Hoa Thám ra tới đường Trường Chinh, như vậy sẽ giảm kẹt xe hơn hẳn.
Mặc dù hiện nay các tuyến đường Hoàng Hoa Thám, Trường Chinh đều đang lâm vào tình trạng kẹt xe không thua kém gì đường Trường Sơn, nhưng theo quan sát của tôi, đường Trường Chinh hiện vẫn còn có thể mở rộng được, diện tích phù hợp.
Người dân cũng mong muốn chính quyền mở rộng đoạn đường này để vừa giảm kẹt xe, vừa có thể giảm bớt tai nạn giao thông.
Như vậy, chúng ta sẽ mở rộng đường Phan Thúc Duyện và đường Trường Chinh, kết hợp giải quyết được vấn nạn kẹt xe ở cả hai tuyến đường.
TS khoa học Trần Quang Thắng - viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TP.HCM
Tính đến mạng lưới giao thông ngầm
Hiện nay TP.HCM có tổng cộng 13 triệu dân nếu tính chung cả số dân tại chỗ và dân chuyển dịch từ các địa phương khác đến. Số lượng dân cư đông đúc quá giới hạn sẽ góp phần đáng kể vào việc gây ách tắc giao thông. Đây cũng là một trong những nguyên nhân lớn khiến khu vực cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất kẹt cứng.
Thành phố có nhiều vấn đề liên quan đến các nỗ lực cải thiện tình trạng giao thông và đã đưa ra các giải pháp mở rộng để góp phần giải quyết tình trạng này.
Nhiều giải pháp được đưa ra như giảm lưu thông xe hai bánh từ các tuyến đường Phạm Văn Đồng, Nguyễn Thái Sơn (Q.Gò Vấp) hoặc xây dựng các trạm trung chuyển hành khách để giảm phương tiện cá nhân ra vào đường Trường Sơn.
Tuy nhiên, hầu hết các biện pháp này, thậm chí việc áp dụng biện pháp hành chánh, xử phạt chỉ giúp giảm đi phần nào ách tắc lưu thông, có tác dụng tạm thời chứ không căn cơ. Giải pháp căn cơ là cần giải quyết đồng bộ theo bốn hướng hoạch định sau.
Đó là thay đổi cấu trúc của thành phố, cung cấp phương tiện vận chuyển, kiểm soát nhu cầu vận chuyển và cải tiến kỹ thuật.
Nhiều nỗ lực đã được thực hiện để ngăn chặn sự tập trung cao về dân cư và các hoạt động kinh tế tại thành phố. Lời giải ở đây là phải cải tiến và nâng cấp các điều kiện hạ tầng và điều kiện sinh sống, phân bổ hợp lý các cụm cảng là nơi tập trung số lượng lớn công nhân ra bớt bên ngoài.
Đẩy nhanh xây dựng các phương tiện vận tải có quy mô lớn như đường sắt đô thị, đường huyết mạch, metro, xe buýt cỡ trung…
Cải thiện cơ sở hạ tầng cũng cần thiết trong các lĩnh vực như nhà ga, nơi đậu xe, nhà chờ và tín hiệu giao thông tại các nút giao thông. Đồng thời kiểm soát nhu cầu vận chuyển bằng các phương tiện như giá vé, khu vực hạn chế lưu thông...
Khái niệm mới cho một mạng lưới giao thông ngầm để vận chuyển hàng hóa cần biến thành hiện thực.
[poll width="400px" height="238px"]238[/poll]
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận