![]() |
Khu vực trước bến xe Miền Đông (TP.HCM) thường xuyên bị ùn ứ - Ảnh: Hữu Khoa |
Nhiều người bị mắc kẹt giữa dòng xe cộ, khi thoát ra khỏi đám đông thì đã lỡ chuyến.
Ông Đỗ Quang Văn, giám đốc chi nhánh vận tải đường sắt Sài Gòn - Công ty TNHH MTV Vận tải đường sắt Sài Gòn, cho biết trong ba ngày qua, bình quân mỗi ngày có hàng chục hành khách đến ga Sài Gòn trễ giờ nên không được lên tàu.
Kẹt xe trước cửa ga, bến xe
* TP.HCM: hơn 40 chuyến tàu đi lại mỗi ngày Theo ông Nguyễn Xuân Hòa - chủ tịch Công ty Quản lý đường sắt Sài Gòn (thuộc Tổng công ty Đường sắt VN), trong dịp tết đường sắt Bắc - Nam có hơn 40 chuyến tàu/ngày đêm. Nhằm đảm bảo an toàn giao thông và hạn chế ùn tắc trong dịp tết, đơn vị đã bố trí đầy đủ nhân viên trực gác, tăng cường kiểm tra, yêu cầu nhân viên làm việc nghiêm túc đúng quy trình, không để xảy ra trở ngại, tai nạn. Các bộ phận thường xuyên theo dõi hành trình các đoàn tàu để chủ động thao tác đóng mở chắn, không đóng chắn sớm quá quy định để hạn chế ùn tắc giao thông ở các đoạn đường sắt giao với đường bộ. * Ngưng chạy 6 tuyến xe buýt trong dịp tết Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM thông báo trong thời gian sinh viên nghỉ Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, các tuyến xe buýt phục vụ hành khách có lộ trình đi qua các trường và một số tuyến khác sẽ ngưng hoạt động. Cụ thể, tuyến số 43 (bến xe Miền Đông - phà Cát Lái) sẽ ngưng chạy trong ngày 19-2, tuyến số 50 (ĐH Bách khoa - ĐH Khoa học tự nhiên) sẽ ngưng chạy từ ngày 8-2 đến 1-3, tuyến 52 (Bến Thành - ĐH Quốc tế) ngưng chạy từ ngày 15-2 đến 1-3, tuyến 96 (Bến Thành - chợ đầu mối Bình Điền) ngưng chạy từ ngày 18 đến 19-2, tuyến số 86 (Bến Thành - ĐH Tôn Đức Thắng) ngưng chạy từ ngày 11 đến 24-2, tuyến 61-6 (Bến Thành - khu du lịch Đại Nam) ngưng chạy từ ngày 9 đến 20-2. |
Hơn 8g ngày 9-2, đoàn tàu SE14 tu hồi còi từ từ chuyển bánh rời khỏi sân ga, lúc này anh Thịnh (quê Nghệ An) hớt hải kéo vali chạy vào nhưng không kịp giờ lên tàu.
Anh Thịnh làm công nhân may mặc cho một xưởng tư nhân tại Bình Dương, sáng nay anh chạy xe máy từ Bình Dương về TP.HCM, quãng đường anh đi từ Bình Dương về ga Sài Gòn mất nhiều thời gian hơn anh dự tính ban đầu do bị kẹt xe tại nhiều chỗ.
“Do tôi không rành đường lắm nên chỉ biết chạy những tuyến đường chính, nhưng bị kẹt xe liên tục, như quốc lộ 13, đường Bạch Đằng, chợ Bà Chiểu... Mỗi ngã tư tôi phải dừng chờ mất hơn 5-7 phút. Đã vậy, đến gần ga còn bị kẹt ngay khúc đường Trần Văn Đang mất gần chục phút nên mới bị trễ” - anh Thịnh nói.
Trước đó ngày 8-2, anh Trần Đình Hiệu (Quảng Trị) cũng đã đến ga trễ một phần do đường bị tắc nên không thể đi kịp chuyến tàu SE16, phải đi về bằng xe đò.
Còn chuyến tàu SE22 khởi hành lúc 12g05 ngày 9-2 từ ga Sài Gòn, 5 phút sau có hai hành khách ở Huế mới đến ga với lý do tương tự và cũng không được lên tàu.
Các tuyến đường xung quanh ga Sài Gòn cuối năm thường xuyên xảy ra ùn ứ, kẹt xe, nhất là vào giờ cao điểm.
Đường Trần Văn Đang đoạn gần đường Nguyễn Thông hầu như giờ nào cũng bị ùn ứ. Gặp những lúc có taxi hoặc xe ba gác chạy vào đoạn đường này, tình trạng ùn ứ lập tức xảy ra, kéo dài hàng chục phút.
Nếu đi từ đường Cách Mạng Tháng Tám (Q.3) vào ga Sài Gòn, đường Cách Mạng Tháng Tám cũng là điểm kẹt xe rất dễ “giam chân” hành khách đi tàu hàng chục phút tại đây.
Ngoài ra, những hành khách đi từ hướng quận 4, 7, 8, huyện Nhà Bè đến ga Sài Gòn còn phải đi qua nhiều tuyến đường trong trung tâm có nguy cơ kẹt xe cao như Pasteur (Q.1), Nguyễn Tất Thành (Q.4) và các cây cầu phía bắc.
Phải đi bộ vào sân bay
Cuối năm, các tuyến đường vào sân bay Tân Sơn Nhất (Q.Tân Bình) như Trường Sơn và Hồng Hà thường xuyên xảy ra cảnh xe hơi xếp hàng dài.
Trưa 9-2, hàng ngàn chiếc taxi, xe khách loại nhỏ nối đuôi nhau nhích từng chút trên đường Trường Sơn, Trần Quốc Hoàn hướng từ sân bay đến công viên Hoàng Văn Thụ do giao thông tại giao lộ Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện lộn xộn dẫn đến tình trạng ùn ứ.
Những người dân sống gần khu vực này cho biết thường những ngày cuối năm, số người đến và đi từ sân bay nhiều nên kẹt xe xảy ra thường xuyên. Ở hướng vào sân bay, ngay trước cửa ra tại ga quốc nội luôn bị ùn ứ.
Tại đây, xe từ ga quốc nội đi ra có hai hướng rẽ là quẹo phải đi hướng công viên Hoàng Văn Thụ và quẹo trái vào đường Hồng Hà. Luồng xe quẹo trái gặp ngay đường Hồng Hà và đường Bạch Đằng quá hẹp nên thường xuyên bị ùn ứ, ảnh hưởng trực tiếp đến những xe đi vào sân bay. Nhiều người đã phải xuống xe, trả tiền từ ngoài đường Hồng Hà để đi bộ vào sân bay do kẹt xe.
Các tuyến đường xung quanh bến xe Miền Đông (Q.Bình Thạnh) như vòng xoay Hàng Xanh, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quốc lộ 13 cũng thường bị ùn ứ, kẹt xe vào giờ cao điểm.
Theo một số doanh nghiệp vận tải, ùn ứ giao thông ở nhiều tuyến đường trong nội thành tăng lên là do nhiều doanh nghiệp vận tải ở bến xe Miền Tây, Miền Đông và xe dù đưa xe vào nội thành rước khách, nhất là đường ở khu vực Thuận Kiều Plaza, Bệnh viện Chợ Rẫy (Q.5), xung quanh bến xe Chợ Lớn (Q.6), đường Phạm Ngũ Lão, Đề Thám (Q.1), Lê Hồng Phong (Q.10)...
![]() |
Xe xếp hàng dài trên đường Trường Sơn vào sân bay Tân Sơn Nhất trưa 9-2 - Ảnh: M.Trường |
Giải quyết ra sao?
Ông Lương Chí Vệ - đội phó đội 4 thanh tra Sở GTVT TP.HCM - cho biết lực lượng thanh tra Sở GTVT đã phối hợp với cảnh sát giao thông triển khai việc xử lý các xe vi phạm đậu, đỗ, chiếm dụng lòng lề đường nhằm hạn chế ùn tắc giao thông trong khu vực nội thành.
Cụ thể là xử phạt những xe buýt, taxi, xe chở khách đậu, đỗ sai quy định, gây cản trở giao thông. Trong khi đó, đội 8 thanh tra Sở GTVT cho biết việc xử lý xe dù vào nội thành rước khách gặp không ít khó khăn vì thanh tra “canh” xe dù thì xe dù “canh” lại và lẩn trốn khi thanh tra có mặt.
Ông Nguyễn Bật Hận, phó chánh thanh tra Sở GTVT, cho hay năm nay công trình giao thông được phép tồn tại trong dịp Tết Nguyên đán rất ít.
Trong đó, chủ yếu các công trình trọng điểm như thi công đường Nguyễn Huệ (Q.1), tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên (Q.1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức), kênh Tân Hóa - Lò Gốm (Q.6, Bình Tân, Tân Phú) và thi công vỉa hè các tuyến đường trước cửa sân bay Tân Sơn Nhất.
Công trình thi công tuyến metro số 1, kênh Tân Hóa - Lò Gốm và công trình làm vỉa hè các tuyến đường trước cửa sân bay Tân Sơn Nhất chỉ rào chắn trên phần vỉa hè không ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Ông Hận cho biết lực lượng thanh tra giao thông sẽ kiểm tra thường xuyên tại những công trình này trong dịp tết.
Những ngày cận tết, quốc lộ 13 (từ ngã tư Bình Triệu đến Trạm 2 - quốc lộ 1, Q.Thủ Đức) thường xuyên bị tắc nghẽn. Vì vậy, bến xe Miền Đông đã đề nghị Sở GTVT có lộ trình dự phòng cho xe rời bến để hàng ngàn xe từ bến xe Miền Đông không bị ùn ứ trong bến và hành khách không bị trễ giờ xe chạy.
Ông Lê Hoàng Minh - phó giám đốc Sở GTVT - nói sở sẽ xem xét giải quyết lộ trình dự phòng cho bến xe này. Nhận định vào ngày cuối năm lưu lượng xe cộ trên đường tăng rất cao, ông Minh đề nghị bà con cần dành thêm thời gian di chuyển trên đường để không bị trễ giờ đến bến xe, nhà ga và sân bay.
Theo ông Trần Quang Lâm - phó giám đốc Sở GTVT, thanh tra sở đã phối hợp với cảnh sát giao thông, thanh niên xung phong điều tiết giao thông trên các tuyến đường trục cửa ngõ đến các bến xe, sân bay, các nút giao thông và điều chỉnh chu kỳ đèn tín hiệu giao thông phù hợp để hạn chế tối thiểu ùn tắc giao thông.
Đồng thời, sở cập nhật tình hình giao thông trên các tuyến đường để thông tin kịp thời trên các biển quang báo điện tử để người dân lựa chọn hướng đi phù hợp, tránh các đường đang xảy ra ùn ứ giao thông.
Cũng theo Sở GTVT, năm nay sở đã đề nghị các tỉnh Tây Ninh, Long An và Đồng Nai phối hợp nhằm giải quyết kịp thời tình trạng ùn ứ, kẹt xe tại cửa ngõ TP.HCM, góp phần tạo thông thoáng cho các tuyến đường cửa ngõ ra vào TP.HCM trước và sau tết.
* Phạt kịch khung các nhà thầu để mất an toàn trên quốc lộ 1 Tin từ Tổng cục Đường bộ ngày 10-2 cho biết thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ vừa có văn bản yêu cầu Cục Quản lý đường bộ III tăng cường kiểm tra xử lý trong công tác đảm bảo an toàn giao thông đối với các dự án đang triển khai trên địa bàn miền Trung. Theo đó, Tổng cục Đường bộ yêu cầu Cục Quản lý đường bộ III khẩn trương tăng cường kiểm tra công tác đảm bảo an toàn giao thông đối với các dự án đang triển khai tại các quốc lộ trên địa bàn, xử lý theo hướng tăng nặng áp dụng mức tối đa đối với các vi phạm về thi công. Chiều 10-2, ông Đỗ Huy Thành, phó cục trưởng Cục Quản lý đường bộ III, cho biết đối với một số đoạn đường do cục quản lý trực tiếp bị hư hỏng mặt đường như ổ gà, lún lõm vết bánh xe ở các địa phương như Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Phú Yên... đã được chỉ đạo hoàn thành việc vá mặt đường, cào bóc các điểm lồi lõm trước tết để đảm bảo an toàn cho người dân đi lại. “Những ngày qua chúng tôi đã chỉ đạo làm hết sức khẩn trương việc cào bóc các điểm mặt đường bị lún vệt bánh xe, đặc biệt là đoạn mặt đường đèo Cả ở Phú Yên cũng được làm xong. Còn một số đoạn sửa chữa đang thi công trên quốc lộ 1 chúng tôi đã chỉ đạo cho tạm dừng lại, thu dọn hiện trường, lắp đầy đủ hệ thống báo hiệu đường bộ. Riêng với các đoạn dự án BOT, chúng tôi có văn bản chỉ đạo yêu cầu các nhà đầu tư khắc phục ngay các điểm bị hư hỏng để đảm bảo thuận lợi, an toàn nhất cho người dân đi lại” - ông Thành nói. * An Giang: thông xe 7 cầu cùng lúc trước tết Ngày 10-2, ông Ngô Công Thức, giám đốc Sở GTVT An Giang, cho biết bảy cây cầu mới xây dựng trên đoạn quốc lộ 91 thuộc địa phận Long Xuyên (An Giang) đều đã hoàn thành và chính thức cho thông xe. Khởi công từ ngày 1-8-2014, thời gian thi công bảy cây cầu đã rút ngắn sớm được sáu tháng so với kế hoạch. “Dịp Tết Nguyên đán này và vào mùa lễ hội vía Bà sắp tới việc lưu thông trên trục giao thông chính qua thành phố này hoàn toàn thông suốt, thuận lợi, không còn nạn ùn tắc và nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông” - ông Thức nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận