Mỹ vẫn tiếp tục chiến dịch loại bỏ Huawei khỏi thị trường 5G toàn cầu của mình - Ảnh: Reuters
Ngày 14-7, Chính phủ Anh đã quyết định sẽ thực hiện việc loại bỏ hoàn toàn Huawei ra khỏi mạng 5G từ năm sau cho đến năm 2027.
Ngay sau đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố chính ông đã thuyết phục Thủ tướng Boris Johnson cấm thiết bị viễn thông Huawei trong khi xây dựng mạng 5G của Anh. Vấn đề Huawei không chỉ ảnh hưởng đến quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh, mà còn tạo ra "kẻ thắng người thua" ở khắp nơi trong thị trường 5G sôi động.
Thị trường nhị quyền
Lệnh cấm mới nhất tại Anh có thể là "chiến thắng" trong chính sách của Mỹ, nhưng cũng bị lo ngại sẽ gây bất lợi cho ngành viễn thông Anh. Hãng tin Bloomberg cho rằng những công ty viễn thông Anh đã tốn không ít công sức vận động hành lang để giữ Huawei ở lại vì lo lắng thị trường nhị quyền.
Cụ thể, nếu Huawei bị loại bỏ, thị trường 5G của Anh có thể trở thành một thị trường nhị quyền, mặc cho hai đấu thủ lớn là Nokia Oyj (Phần Lan) và Ericsson AB (Thụy Điển) tranh giành. Nếu điều này xảy ra, các công ty điều hành hạ tầng viễn thông của Anh sẽ phải giải quyết vấn đề ở mức giá cao hơn, cũng như có ít sự lựa chọn hơn.
"Trong ngắn hạn, các nhà mạng có thể để một nhà cung này đấu với nhà cung còn lại. Thế nhưng, trong trung và dài hạn, hậu quả của việc vắng bóng Huawei sẽ là ít cạnh tranh giá hơn trong thị trường" - ông James Barford, chuyên gia phân tích của Enders Analysis, cảnh báo.
Huawei vốn là cái tên được các nhà mạng biết đến nhờ giá cả cạnh tranh, cũng như sự chú trọng vào nghiên cứu và phát triển - điều giúp thiết bị Huawei chiếm lợi thế về kỹ thuật.
Các nhà mạng thường đạt được thỏa thuận thiết bị tốt nhất và giai đoạn phát triển đầu tiên của một hệ thống mạng. Đó là lúc các nhà cung cấp chịu hi sinh lợi nhuận để chiếm được "phần bánh" tốt trong thị trường. Việc loại bỏ Huawei ngay trong giai đoạn ấy trong cuộc đua 5G đồng nghĩa rằng các hãng viễn thông mất đi cơ hội cho những ưu đãi sâu hơn.
Nokia và Ericsson đã có thêm cơ hội để nâng vị thế của mình trước các đối thủ mới, trong bối cảnh nhiều nhà mạng cần đổi các thiết bị 4G của Huawei sang của các nhà cung châu Âu này, trước khi phát triển hệ thống 5G.
Cơ hội cuối cùng
Nỗ lực của Mỹ nhằm loại bỏ Huawei khỏi mạng lưới viễn thông toàn cầu đóng vai trò không nhỏ cho sự hình thành liên minh 5G giữa Tập đoàn Nippon Telegraph & Telephone (NTT) và công ty con NEC của Tập đoàn Sumitomo. Cho đến nay, Nhật Bản vẫn chưa thể ghi điểm trong lĩnh vực này.
NTT từng là doanh nghiệp độc quyền viễn thông quốc gia của Nhật Bản. Tập đoàn này hồi tháng 6 đã thông báo sẽ bỏ ra 601 triệu USD để mua gần 5% cổ phần của NEC, trong nỗ lực tạo ra liên minh 5G cùng NEC. Đều là những cái tên lớn tại quê nhà, cả hai doanh nghiệp này vừa phải cạnh tranh trực tiếp với nhau và cả các nhà cung cấp thiết bị viễn thông khác của thế giới.
Huawei cùng Nokia và Ericsson hiện chiếm giữ 80% thị trường toàn cầu về các trạm cơ sở mạng không dây. Trong khi đó, thị phần toàn cầu của NEC vẫn chưa đến 1%. Trong cuộc họp báo ngày 25-6, CEO Takashi Niino của NEC tuyên bố liên minh với NTT sẽ là "cơ hội cuối cùng" để họ thành công trong đường đua 5G.
Theo Nikkei Asian Review ngày 16-7, trước thời điểm ông Niino đưa ra phát biểu trên một tháng, NEC và NTT đã cùng tham gia Liên minh chính sách RAN Mở (Open RAN Policy Coalition) - hiện có hơn 40 doanh nghiệp thành viên và được thành lập nhằm giảm chi phí sản xuất các trạm cơ sở mạng không dây 5G.
Đa số những công ty tham gia tổ chức này đều đến từ Mỹ, nhưng không một hãng nào đến từ Trung Quốc. Đây là điều khiến giới quan sát nhận định RAN Mở thực chất là một phần trong chiến dịch gây áp lực cho Huawei của Mỹ.
"Chúng tôi được Chính phủ Mỹ đề nghị thẳng về việc tham gia liên minh đó", một giám đốc của NTT cho biết.
Điểm mấu chốt cho thành công của Huawei nằm ở chỗ khách hàng thường chỉ lấy thiết bị từ một nguồn. Việc tạo ra các trạm cơ sở từ thiết bị của nhiều nhà cung khác nhau sẽ rất khó khăn vì không có các tiêu chuẩn kỹ thuật chung ở mức chi tiết giữa các hãng. RAN Mở đã đưa ra giải pháp cho vấn đề này. Và đối với những doanh nghiệp như NTT và NEC, đây sẽ là cơ hội để giành lại thế trận và tạo đột phá trên thị trường thiết bị viễn thông khi thời cơ tới.
Dù vậy, RAN Mở vẫn phải đối diện với cạnh tranh khi có hai tổ chức trên thế giới cũng có mục đích tương tự. Một trong số đó là Liên minh O-RAN, tổ chức có cả doanh nghiệp Trung Quốc tham gia.
Ông Pompeo được mời đến Tân Cương
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Mỹ sẽ áp dụng lệnh hạn chế thị thực đối với một số lãnh đạo của Huawei do các cáo buộc vi phạm nhân quyền tại Tân Cương.
Một ngày sau đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã tuyên bố mời ông Pompeo đến thăm Tân Cương để tự mình thấy rằng không có vi phạm nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ tại khu vực này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận