Dinh cơ con bí thư Hải Dương không bình thường
Thật tréo ngoe! Là công dân Việt Nam, nhưng nhiều người trong chúng ta có thể biết rõ tài sản của tổng thống Nga, tổng thống Mỹ, tổng thống Pháp..., bởi tất cả đều công khai trên báo chí, cả thế giới cùng biết.
Những gì các vị này khai báo đều có cơ chế kiểm tra, giám sát và chứng thực tính trung thực của những khai báo ấy. Một khi bị phát hiện khai báo thiếu trung thực thì coi như sự nghiệp chính trị của họ đặt dấu chấm hết. Nhưng đó là chuyện ở bên Tây.
Còn ở ta, nếu ai đó nói rằng không có cơ chế kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập... của cán bộ, công chức chắc sẽ bị chỉ trích. Bởi Việt Nam đã có Luật phòng chống tham nhũng từ lâu, trong đó dành hẳn một mục “minh bạch tài sản, thu nhập” với 10 điều luật rất chi tiết. Chưa kể rất nhiều quy định dưới luật về kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức. Nhưng trên thực tế, có lẽ chẳng ai có thể biết rõ tài sản, thu nhập của các quan chức nước nhà, từ cấp cao đến cấp thấp, có những gì, từ nguồn nào...
Ở TP.HCM, người ta đã thống kê được 100% (88/88) đơn vị gửi báo cáo kết quả kê khai tài sản, thu nhập với hơn 28.000 người kê khai (đạt 99,95%). Báo cáo cũng nói việc thực hiện công khai bản kê khai tài sản, thu nhập được các cơ quan thực hiện bằng các hình thức theo quy định như: niêm yết tại cơ quan hoặc công khai trong cuộc họp. Nhiều tỉnh thành khác cũng báo cáo tương tự, trong đó có tỉnh Hải Dương - nơi đang thu hút dư luận bởi cái “phủ đệ” to đùng kia.
Chắc chắn rằng trong thực hiện kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức ở tỉnh này, ông bí thư tỉnh ủy hay con trai ông (một trưởng phòng của Sở Lao động - thương binh và xã hội tỉnh) đều nằm trong diện phải kê khai tài sản, thu nhập. Nhưng thử hỏi có người dân nào biết được hai vị này đã kê khai những gì và trong danh mục khai báo ấy có “phủ đệ” kia hay không?
Tất cả cán bộ, công chức từ chức to đến chức bé đều đặt bút kê khai tài sản, thu nhập một cách nghiêm túc là điều đáng trân trọng. Song kê khai nhưng không công khai một cách đường hoàng, rộng rãi để ai cũng có thể giám sát, nhất là ở những vị trí nắm chức quyền dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng... thì xem như mới chỉ chạm đến một nửa của sự thật. Mà một nửa sự thật thì chưa thể coi là sự thật!
Một khi các bản kê khai tài sản, thu nhập, nhất là của những cán bộ, công chức ở các vị trí được xem là “nhạy cảm”, vẫn mãi được “gói” kỹ, cất kín... ở những nơi ít người được biết, thì biện pháp này chưa thể xem là một trong những “vũ khí” đủ sức ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng như đông đảo người dân hằng mong ước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận