20/11/2019 07:38 GMT+7

Kè 12 tỉ vừa làm xong đã sập: Do tính toán ban đầu không chính xác

THÁI THỊNH
THÁI THỊNH

TTO - Vị trí làm hệ thống kè sông dự án KDC phía Bắc đường Đống Đa (TP Quy Nhơn) là đất lấn biển san nền chưa đầy 1 năm, đơn vị tư vấn thiết kế không tính toán được sóng gió dẫn đến sập kè.

Ông Nguyễn Thái Diễn, giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng TP Quy Nhơn (Bình Định), trả lời phỏng vấn - VIDEO: THÁI THỊNH

Ngày 19-11, trao đổi với Tuổi Trẻ Online ông Nguyễn Thái Diễn, giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng TP Quy Nhơn (Bình Định), cho biết gói thầu "hệ thống kè sông" nằm trong dự án Khu dân cư phía Bắc đường Đống Đa (phường Thị Nại, TP Quy Nhơn). 

Tổ chức tư vấn lập dự án đầu tư và thiết kế cơ sở là Công ty CP tư vấn thiết kế giao thông Bình Định. Toàn bộ dự án "Khu dân cư phía Bắc đường Đống Đa" có tổng diện tích san nền hơn 1,5ha. Vật liệu san nền bằng cát đầm chặt K90, lớp trên cùng bằng cấp phối đầm chặt K90, dày 50cm. Cát san nền được bơm từ đầm Thị Nại. 

Kè 12 tỉ vừa làm xong đã sập: Do tính toán ban đầu không chính xác - Ảnh 2.

Bờ kè dự án Khu dân cư phía Bắc đường Đống Đa (TP Quy Nhơn) dài 640m vừa làm xong bị đánh sập 480m - Ảnh: THÁI THỊNH

Ông Diễn cho biết: "Đầu năm 2018, khi chưa làm dự án, khu vực làm kè hiện tại là vùng nhà chồ. Sau đó UBND TP có chủ trương giải tỏa di dời và triển khai công tác san nền làm tuyến đường hành lang, đến 30-12-2018 thì san nền hoàn thành và khởi công làm hệ thống kè sông".

Ông Diễn cũng thừa nhận phản ảnh của người dân về việc kè sập để lộ ra nhiều đoạn thanh giằng ngang bị gãy không có sắt, bờ kè không có trụ đứng bằng bêtông cốt thép là đúng. 

Kè 12 tỉ vừa làm xong đã sập: Do tính toán ban đầu không chính xác - Ảnh 3.

Đất tại vị trí làm kè sông được san nền chưa đầy 1 năm - Ảnh: THÁI THỊNH

"Ngay từ ban đầu thiết kế, đơn vị tư vấn chỉ tính toán, kè nằm trong khu vực  đầm Thị Nại, kín gió nên sẽ không ảnh hưởng triều cường mạnh. 

Do đó, thiết kế chỉ làm khung giằng bên ngoài là bêtông cốt thép, còn phần lan can và chân của lan can chỉ làm bêtông không có sắt, thép để tiết kiệm chi phí. Dự án và thiết kế bản vẽ thi công sau đó đã được Sở Xây dựng tỉnh thẩm định, UBND TP Quy Nhơn phê duyệt’ -  ông Diễn cho biết.

Kè 12 tỉ vừa làm xong đã sập: Do tính toán ban đầu không chính xác - Ảnh 4.

Nhiều đoạn hành lang bờ kè được thiết kế không có cốt thép bên trong - Ảnh: THÁI THỊNH

Theo ông Diễn, do tính toán ban đầu không chính xác nên bão số 5 vừa qua, khi nước biển dâng cao, kết hợp với sóng lớn phủ lên hệ thống lan can, giằng mái kè đã làm sập hoàn toàn mái kè bằng tấm lát bêtông, hệ thống khung giằng bêtông cốt thép và hệ thống lan can đỉnh kè. Tổng chiều dài tuyến kè là 642m bị sập và hư hỏng 480m, thiệt hại ước tính 2,5 tỉ đồng. 

"Về kinh phí làm kè này dự toán ban đầu là 8,4 tỉ nhưng sau đó có bổ sung các chi phí khác nên tổng kinh phí sau khi hoàn thành là 12 tỉ đồng" - ông Diễn nói.

Kè 12 tỉ vừa làm xong đã sập: Do tính toán ban đầu không chính xác - Ảnh 5.

Toàn cảnh hệ thống kè sông dự án KDC phía Bắc đường Đống Đa 12 tỉ bị sóng đánh sập - Ảnh: THÁI THỊNH

Bà Mang Lệ Hà, chủ tịch UBND phường Thị Nại, cho biết khu vực làm kè là đoạn lấn biển, nền đất yếu dễ dẫn đến sự sụt lún là nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng công trình không đảm bảo.

Theo quyết định phê duyệt dự án "Khu dân cư phía Bắc đường Đống Đa" của UBND TP Quy Nhơn tháng 11-2014, đại diện chủ đầu tư là Ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng TP Quy Nhơn phải chịu trách nhiệm toàn diện về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình cũng như quản lý chất lượng công trình. 

Ông Ngô Hoàng Nam, chủ tịch UBND TP Quy Nhơn, cho biết hiện đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh Bình Định về tình trạng hệ thống kè sông khu dân cư Bắc đường Đống Đa. Hiện UBND TP Quy Nhơn đã thuê đơn vị tư vấn độc lập là Viện Nghiên cứu ứng dụng khoa học miền Trung kiểm tra, đánh giá lại nguyên nhân sự cố kè sông từ đó có hướng xử lý.

Quan trọng nhất là khảo sát nền đất

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một chuyên gia Viện nghiên cứu ứng dụng khoa học miền Trung cho biết để làm một kè sông, kè biển điều quan trọng là trước khi làm phải khảo sát nền đất, đánh giá độ chịu lực của những công trình trên, đó sau đó mới làm các bước thiết kế làm hồ sơ bản vẽ.

"Giống như làm một ngôi nhà, nếu một nền đất yếu thì phải tính toán kỹ lưỡng trước khi đặt công trình lên trên. Đối với những công trình xung yếu như kè sông, biển và trên một nền đất yếu, nếu thiết kế không có bêtông cốt thép thì chắc chắn sẽ bị sụp đổ khi có sóng to, gió lớn" - chuyên gia này nói.

100 tỉ đồng xây lại kè biển Nhơn Hải bị bão đánh sập 100 tỉ đồng xây lại kè biển Nhơn Hải bị bão đánh sập

TTO - Bờ kè làng biển Nhơn Hải (TP Quy Nhơn, Bình Định), vị trí xung yếu bị bão số 5, 6 vừa qua tàn phá nặng nề, sẽ được đầu tư xây dựng mới với số tiền lên đến cả 100 tỉ đồng.

THÁI THỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên